Cung đường đẹp nhất Đà Nẵng vẫn hoang tàn sau mưa lịch sử 2 tuần trước
TPO - Gần 2 tuần sau trận mưa lịch sử tối 14/10, nhiều địa điểm trên cung đường đẹp nhất Đà Nẵng vẫn còn điểm sạt lở chưa được khắc phục. Hiện tuyến đường lên và trên bán đảo Sơn Trà vẫn đang cấm du khách tham quan cùng phương tiện lưu thông.
Cung đường đẹp nhất Đà Nẵng hoang tàn sau trận mưa lịch sử, hàng chục điểm sạt lở lớn chưa khắc phục xong. Clip: Thái Lâm.
Ghi nhận của PV sáng 27/10 trên tuyến đường du lịch lên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn còn nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng chưa kịp khắc phục. Hiện tuyến đường lên và trên bán đảo Sơn Trà vẫn đang cấm du khách tham quan cùng các phương tiện lưu thông.
Các lực lượng vẫn đang tích cực khắc phục đoạn đường Hoàng Sa bị sụp xuống thành hố sâu hơn 2 mét, lòi dây cáp, ống nước sau trận mưa ngập đêm 14/10.
Đoạn đường sau chùa Linh Ứng bị sạt lở nghiêm trọng do lượng nước trên núi đổ xuống. Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa, đắp bao tải quanh miệng hố.
Địa điểm sạt lở kinh hoàng tạo nên hố sâu lên đến 2 mét, miệng hố dài gần chục mét
Cách đó không xa, một địa điểm sạt lở tương tự khiến taluy bị lún sâu, và vẫn còn nguy cơ sạt lở tiếp nếu mưa lớn.
Hố sâu hơn 2 mét, miệng hố dài gần 3 mét, dây cáp, ống nước trơ trọi kèm theo đất đá, cây cối ngổn ngang.
Đoạn đường từ Bảo tàng Đồng Đình hướng lên chùa Linh Ứng bị hư hỏng nặng, đất đá ngổn ngang, nước trên núi chảy mạnh.
Nhiều đống đất đá vẫn nằm bên lề đường, nước thấm chảy mạnh
Trước đây tuyến đường bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là cung đường đẹp hoang sơ nhất Đà Nẵng, giờ đây hoang tàn, ngổn ngang đất đá sau nhiều trận mưa lớn.
Tranh thủ trời hửng nắng, nhiều điểm sạt lở đã nhanh chóng được sửa chữa, gia cố cho mùa mưa tới.
Một đoạn đường dài gần khu nghỉ dưỡng Intercontinental Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng, ngổn ngang đất đá.
Nhiều tảng đá lớn trượt theo dốc rơi xuống vực khiến hàng rào chắn đường bị lật nhào, dây xích bị đứt làm nhiều trụ bị cuốn bay xuống vực.
Dây điện, dây mạng và nhiều bảng hiệu dọc tuyến đường bị nhiều tảng đá lớn từ trên núi rơi xuống đè sập.
Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, sau trận mưa lịch sử tối 14/10, trên bán đảo có gần 50 địa điểm sạt lở. Sau mưa, đơn vị đã ngăn cấm du khách và phương tiện lưu thông, đồng thời phối hợp cùng nhiều đơn vị khẩn trương tiến hành khắc phục địa điểm sạt lở.
Theo Phó trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, điểm sạt lở trên tuyến đường nhánh Suối Đá, UBND quận Sơn Trà đã được xử lý, hiện các phương tiện được phép lưu thông.
Ngoài ra, tuyến đường Tiên Sa có nhiều điểm sạt lở hiện nay chưa xử lý xong, xe không lưu thông được. Ban quản lý giăng dây cảnh báo, đồng thời đóng barie không cho khách tham quan tại bán đảo Sơn Trà.
Taluy bị cuốn phăng theo đất đá, nhiều đoạn lan can sắt trên tuyến đường bị rơi xuống vực sâu.
Tuyến Yết Kiêu – Bãi Bắc có hơn 10 điểm sạt lở, hiện tuyến đường này chưa được khắc phục, phương tiện vẫn chưa thể lưu thông.
Theo báo cáo của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, tuyến Hồ Xanh – Bãi Bắc – Cây đa đã được xử lý tạm thời, xe đã được lưu thông.
Tuyến đường du lịch lên khu vực cây đa bị sạt lở, nhiều đoạn bị đứt gãy. Hiện các lực lượng chức năng tích cực khắc phục khu vực này.
"Sau nhiều đợt mưa lớn, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực khắc phục sạt lở. Vì lượng đất quá nhiều, vẫn còn nguy cơ sạt lở nên bán đảo Sơn Trà cấm du khách và phương tiện lưu thông", ông Phan Minh Hải nói.
TPO - Ngày 16/9, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra công văn đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Nam Định dừng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong việc làm mới các sắc phong ở Phủ Vân Cát.
TPO - Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông vừa quyết định thi hành kỷ luật 4 cán bộ liên quan đến vụ vợ chồng ông Lê Trường (59 tuổi) và bà Tôn Nữ Kim Loan (57 tuổi, trú thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long) bị oan sai.
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...