Cục Thủy lợi nói về đề xuất dẫn nước sông Hậu về Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó cục trưởng Cục Thủy lợi - Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, việc thực hiện dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau bằng đường ống, trạm bơm để phục vụ sinh hoạt, sản xuất mùa khô cần nghiên cứu, đánh giá thêm.

Ngày 14/3, đoàn công tác Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đi kiểm tra thực tế và giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở tại vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau.

Đoàn đã kiểm tra hiện trạng sụt lún, sạt lở đường giao thông nông thôn tại tuyến kênh Quảng Hảo xã Trần Hợi, và thiếu nước sinh hoạt của bà con xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời).

Cục Thủy lợi nói về đề xuất dẫn nước sông Hậu về Cà Mau ảnh 1

Đoàn công tác Cục Thủy lợi đi kiểm tra tình hình sụt lún tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Ông Cao Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông cho biết, xã có hơn 500 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt, do mạng nước chưa đấu nối tới, còn nguồn nước ngầm khoan sâu hơn 100m vẫn bị nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi Cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, qua thống kê sơ bộ, huyện Trần Văn Thời đã có 131 tuyến kênh, đường giao thông bị sụt lún, sạt lở, với tổng chiều dài 14,5km, tại hơn 550 điểm, ước thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Toàn tỉnh có hơn 1.800 hộ gia đình bị thiếu nguồn nước sinh hoạt…

Cục Thủy lợi nói về đề xuất dẫn nước sông Hậu về Cà Mau ảnh 2

Vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời đã có 131 tuyến kênh, đường bị sụt lún, sạt lở.

Về giải pháp ứng phó, chính quyền Cà Mau tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét phương án đầu tư đường ống, trạm bơm để đưa nước từ sông Hậu về Cà Mau mùa khô. Đường ống trước mắt phục vụ nước sinh hoạt, sau đó là sản xuất.

Với đề xuất trên, ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Thủy lợi cho biết, đề xuất trên đã được Bộ và một số cơ quan độc lập nghiên cứu. Tuy nhiên, giải pháp này cần nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá trước khi triển khai thực hiện.

Cũng theo ông Khanh, việc thiếu nước ở Cà Mau và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra thường xuyên, nhưng cần tính đến hiệu quả của giải pháp. “Cần tính toán mỗi mét khối nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua bơm điện thì giá bao nhiêu so với giải pháp tại chỗ, đầu tư các công trình tích trữ nước nhỏ”, ông Khanh nói, nên cần tính toán kỹ.

MỚI - NÓNG