Theo đó, một dân mạng viết: “Xem Táo Quân có lẽ là khoảng thời gian duy nhất gia đình mình bỏ điện thoại, máy tính, gạt bỏ công việc của bản thân và ngồi quây quần nói chuyện với nhau. Dù biết các nghệ sĩ đã già, đã khổ cực nhiều nhưng vẫn tiếc quá”.
Chung cảm xúc với bình luận trên, người khác bày tỏ: “ Đến Táo quân cũng không còn thì không khí Tết sẽ mất đi rất nhiều hương vị. Đêm 30 sẽ không còn được vừa xem vừa nhớ những câu nói hay của các Táo. Sẽ không còn chờ mong những sự kiện nào sẽ bị điểm danh. Sẽ không còn những bài hát chế. Sẽ không còn... Sao tôi buồn thế này”; hay “Cho dù chương trình có là 1 chương trình hài có mang nhiều ngôn ngữ trào phúng đi chăng nữa thì mình vẫn thích cái tên Táo Quân hơn. Nghe Táo Quân là nhớ đến Tết, cả bầu trời tuổi thơ luôn”.
Trong khi đó, nhiều khán giả cho rằng đã đến lúc cho các nghệ sĩ của Táo quân nghỉ ngơi vì họ đã cống hiến hết mình cho chương trình có thương hiệu suốt 16 năm qua của VFC. “Buồn thật nhưng họ dừng lại là đúng khi các diễn viên của chúng ta đã già, họ phải lùi về, sau một chặng đường dài đồng hành với khán giả. Một chương trình mới cho thế hệ mới. Còn với chúng ta họ là một phần kỉ niệm không thể thay thế”. “Cũng đúng thôi. Các nghệ sĩ hầu hết đã lớn tuổi rồi. Cám ơn vì những năm tháng đã cống hiến cho hương vị của ngày Tết”.
Liên quan đến thông tin trên, đại diện của VFC xác nhận năm 2020 không tiếp tục sản xuất Táo quân, thay vào đó là chương trình hoàn toàn mới. Tuy nhiên, tới thời điểm này nhà sản xuất vẫn muốn giữ bí mật về chương trình mới cho tới tháng 12 tới.
Về chương trình thay thế, một số nghệ sĩ đoán có thể là chương trình Táo quân vi hành châu Âu. Đêm diễn này diễn ra ở CH. Séc, được ghi hình cuối tháng 9 vừa qua. Được biết chương trình có thời lượng gần 5h đồng hồ, thu hút khoảng 2 nghìn khán giả khắp nơi ở châu Âu. Nghệ sĩ và khán giả theo chương trình tới 3h sáng.
Gặp nhau cuối năm (hay Táo quân) được Hãng phim Truyền hình Việt Nam (nay là Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam - VFC) bắt đầu sản xuất từ năm 2003. Chương trình ban đầu là số đặc biệt của chương trình hài nổi tiếng Gặp nhau cuối tuần, khi đó Táo quân chỉ là 1 tiểu phẩm của chương trình. Từ năm 2006 đến nay, toàn bộ nội dung của Gặp nhau cuối năm là Táo quân. Đây chương trình truyền hình hài kịch đặc biệt, phát sóng vào lúc 20:00 ngày Tất niên âm lịch hằng năm trên tất cả các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, được đông đảo khán giả yêu thích và được coi là món ăn tinh thần truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán.
Tên chương trình dựa theo truyền thuyết Táo Quân Về Trời, thông qua buổi chầu, nơi các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm được trong suốt 1 năm qua, Gặp nhau cuối năm tập trung vào phản ánh những vấn đề nóng, nổi cộm trong 1 năm thuộc các lĩnh vực trong đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, giao thông, y tế, thể thao, khoa học kĩ thuật... một cách hài hước. Cách thể hiện là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như tấu nói, hài kịch xen lẫn với các điệu dân ca cải lương, chèo và nhiều bài nhạc chế.