Cty Thoát nước nói gì về 'phố thành sông' sau trận mưa cuối tuần?

Ngập nặng tại khu vực phố cổ Hà Nội tối 12/5 khiến người người phải dắt xe. Ảnh: Mạnh Thắng
Ngập nặng tại khu vực phố cổ Hà Nội tối 12/5 khiến người người phải dắt xe. Ảnh: Mạnh Thắng
TPO - Các trận mưa này đã làm nhiều tuyến đường bị ngập sâu, ùn tắc kéo dài, nhiều người tham gia giao thông đến 23h đêm mới về được đến nhà.

Sáng 14/5, Cty Thoát nước Hà Nội đã tổ chức thông tin với một số cơ quan báo chí về tình trạng mưa trong hai ngày cuối tuần vừa qua. Tại buổi thông tin, đại diện Cty Thoát nước cho biết, từ hồi 20h đến 21h00 ngày 12/05/2018 trên địa bàn Thành phố xảy ra mưa diện rộng trên toàn thành phố. Lương mưa đo được tại Cầu Giấy 111,4mm; Thanh Xuân: 138,6mm; Bắc Từ Liêm: 106,3mm; Hà Đông 138,9mm...

Đề cập đến tình trạng ngập úng, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Cty Thoát Nước Hà Nội cho biết, tại khu khu vực nội thành, đã xảy ra trên 10 điểm ngập úng. Cụ thể, tại ngã ba Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; phố Cao Bá Quát (Cổng Công ty Môi trường đô thị); phố Đội Cấn (trước Khách sạn La Thành); Phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy) xuất hiện điểm ngập với mức độ 0,2m; Đường Giải Phóng (đoạn trước cửa bến xe phía Nam); phố Nguyễn Khuyến (trước cổng trường Lý Thường Kiệt); đường Trường Chinh (đoạn trước bảo tàng Phòng không); phố Hoa Bằng; phố Phạm Văn Đồng (khu vực trước cổng Bộ Công An)…

Từ thực tế mưa và các giải pháp cải thoát lũ của công ty trong mùa mưa năm trước, ông Lê Vũ Quảng Sương cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn 15 điểm ngập úng. Tuy nhiên, với trận mưa tối 12/4 vừa qua, theo dõi mưa và ngập úng, chúng tôi ghi nhận, có trên 20 điểm ngập nặng. Cụ thể, ngoài các điểm ngập úng được Cty Thoát Nước nên trên, còn có trên 10 điểm ngập khác trong tối 12/5. Trong đó có các điểm ngập trên các tuyến phố như: Nguyễn Du, Nguyễn Tuân, Trần Hưng Đạo, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, Tô Hiệu - Bà Triệu (Hà Đông) và khu vực phố cổ…

Mưa ngập vượt khả năng tiêu thoát

Tại buổi thông tin, PV Tiền Phong đã đề cập đến dự án thoát nước Hà Nội đã hoàn thành cả hai giai đoạn (1 và 2) nhưng tình trạng ngập hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra trên diện rộng, ông Lê Vũ Quảng Sương cho rằng, dự án thoát nước Hà Nội hoàn thành đã nâng công suất tiêu thoát nước cho thành phố với những trận mưa có cường độ 310 mm/2 ngày, tương đương 70mm/2 giờ. Tuy nhiên, trận mưa tối 12/5, xảy ra với khu vục có cường độ lớn nhất 138,9mm/2 giờ, vượt gấp đôi công suất. Với lượng mưa như vậy, hệ thống thoát nước của thành phố đã rơi vào tình trạng quá tải. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh thêm những điểm ngập úng ngoài danh sách công ty đã thống kê.

Trên các tuyến phố bị ngập nặng nhất trong tối 12/5, như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Tô Hiệu - Bà Triệu (Hà Đông), ông Sương cho rằng, các khu vực này không nằm trong phạm vi thoát nước của dự án thoát nước Hà Nội nên hệ thống tiêu thoát nước tại đây vẫn chưa được cải tạo. Để xử lý được úng ngập tại đây, cùng với thường xuyên khai thông cống, rãnh, cần phải sớm có dự án thoát nước bổ sung cho các tuyến đường này cũng như khu vực phía Tây nam thành phố.

Như Tiền Phong đã phản ánh, tối 12/5 (thứ 7), từ 19h thành phố Hà Nội bắt đầu có mưa lớn, chỉ sau khoảng 1 giờ mưa, nhiều tuyến phố như Lê Duẩn, Giải Phóng, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Phạm Văn Đồng... đã ngập sâu trong nước. Đến khoảng 8h30, trên các tuyến phố như Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng... nước đã ngập hơn nửa bánh xe máy, ôtô. Riêng các tuyến phố: Tô Hiệu, Bà Triệu (Hà Đông), Phạm Văn Đồng, Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy)… nước ngập đến yên xe máy. Từ Hà Đông về Ngã Tư Sở có 5 km, nhưng tối 12/5 nhiều người phải đi hết hơn 3 giờ và sau 23h mới về được đến nhà.

MỚI - NÓNG