9 bước nộp phạt trực tuyến
Từ sáng nay (1/3), CSGT Hà Nội tiến hành xử lý vi phạm giao thông bằng hình thức trực tuyến qua mạng. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp người dân không phải đi làm thủ tục mất 4 lần như hiện nay, thay vào đó sẽ ngồi ở nhà nộp phạt. Ngày 28/2, PC08 Hà Nội đã có thông báo gửi các đơn vị nghiệp vụ, đội CSGT địa bàn về việc triển khai nội dung xử lý vi phạm giao thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia DVCQG (xử phạt trực tuyến).
Cụ thể, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, để giúp giảm giấy tờ cho công dân; đồng thời phục vụ việc kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, hạn chế đi lại, tiếp xúc khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, PC08 triển khai dịch vụ công trực tuyến trong công tác xử lý vi phạm hành chính và đăng ký quản lý phương tiện trên môi trường mạng. “Nếu sử dụng dịch vụ này, người dân không cần đến cơ quan chức năng mà có thể thực hiện ở nhà”, ông Hải thông tin.
Để người dân thực hiện được hình thức nộp phạt trên, PC08 Hà Nội hướng dẫn: người vi phạm cần đăng ký một tài khoản đăng nhập tại Cổng DVCQG tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html, sau đó thực hiện các bước theo hướng dẫn.
Về trình tự nộp phạt trực tuyến, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn - PC08 cho biết, có 9 bước, trong đó các bước đầu tiên là khi phát hiện vi phạm, CSGT lập, nhập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm Cổng DVCQG, sau đó hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt và gửi mã số biên bản đến số điện thoại người vi phạm khai báo tại thời điểm vi phạm.
“Từ mã số được cấp, người vi phạm truy cập và Cổng DVCQG để thực hiện các bước theo hướng dẫn để nộp phạt trực tuyến”, ông Vinh thông tin.
Từ hôm nay, CSGT Hà Nội sẽ xử lý vi phạm giao thông qua mạng Ảnh: Trọng Đảng |
Đội CSGT số 1, PC08 Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm đang là đơn vị triển khai thí điểm xử phạt vi phạm giao thông qua mạng của Phòng CSGT Hà Nội thời gian qua. Tại đây tất cả các cấp độ xử lý vi phạm trên Cổng DVCQG đều được triển khai.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Tiền Phong, một số người dân từng vi phạm giao thông tại đây cho biết, mặc dù triển khai qua mạng nhưng thời gian qua họ vẫn phải đi lại ít nhất 1 lần thì mới lấy được giấy tờ bị Đội CSGT số 1 tạm giữ.
Một số ý kiến khác lại lo ngại, khi CSGT đẩy tất cả các lỗi vi phạm giao thông lên mạng, người dân chưa có tài khoản trên Cổng DVCQG sẽ thực hiện nộp phạt thế nào?
Chưa có tài khoản vẫn được nộp phạt
Trả lời các băn khoăn trên, chiều 28/2 trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, với việc ứng dụng cấp độ 3 và 4 trên Cổng DVCQG, thực hiện đầy đủ 9 bước trên hệ thống hướng dẫn người vi phạm hoàn toàn có thể nộp phạt vi phạm giao thông ở nhà, việc trả lại giấy tờ cũng sẽ được bưu điện chuyển về tận nơi ở.
Với một số trường hợp vẫn phải đến trụ sở công an để lấy lại giấy tờ bị tạm giữ vừa qua, ông Hoàng cho biết, trong quá trình xử lý nộp phạt có mục “dịch vụ nhận trả giấy tờ tại nhà”, nên người vi phạm cần lưu ý đăng ký. Nếu đăng ký mục này, hệ thống chuyển phát nhanh bưu điện sẽ chuyển giấy tờ bị tạm giữ đến tận nơi ở của người vi phạm sau khi nộp phạt xong. Theo ông Hoàng, các trường hợp phải đến trụ sở CSGT nhận lại giấy tờ vừa qua là do người vi phạm không “tích” đăng ký dịch vụ này trên hệ thống.
Về việc nhiều người vi phạm chưa có tài khoản trên Cổng DVCQG, đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, hướng đến một dịch vụ công và giao dịch hành chính được số hóa, Cổng DVCQG cho phép người dân đăng ký là thành viên để tiện khi giao dịch, giải quyết các thủ tục hành chính hàng ngày.
Tuy nhiên, với việc nộp phạt trực tuyến, người dân chưa là thành viên vẫn truy cập và thao tác trên hệ thống để hoàn thành các bước nộp phạt theo yêu cầu. Cụ thể, từ biên bản xử lý vi phạm được CSGT đẩy lên mạng, Cổng DVCQG sẽ gửi cho người dân một mã chữ số để truy cập, thao tác. Do vậy, người vi phạm giao thông không lo ngại khi chưa đăng ký hoặc chưa có tài khoản trên Cổng DVCQG nếu vi phạm giao thông.