'Cột mốc sống' khẳng định chủ quyền Biển Đông

'Cột mốc sống' khẳng định chủ quyền Biển Đông
TP - Mưu sinh ở nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng hàng nghìn ngư dân các huyện vùng biển Thanh Hóa vẫn đang nỗ lực tìm kiếm ngư trường, vững chân trên con sóng dữ, ra khơi, bám biển. Bởi ai cũng chung suy nghĩ, biển của ta, ta cứ ra khơi.

> Đại gia đình Hoàng Sa
> Tàu cá Việt Nam bị 'xua đuổi' ngay tại Hoàng Sa

Hiểm nguy rình rập

Một ngày cuối tháng 4/2013, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Thảo (57 tuổi), ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Mọi người trong gia đình ông Thảo vẫn chưa hết đau buồn sau vụ chìm tàu cá, mất tích hai người thân cách đây hơn một tháng.

Theo ông Thảo kể thì chiếc tàu cá tiền tỷ của ông đang đánh cá ở biển Việt Nam thì bị 2 tàu nước ngoài dùng cáp kéo làm lật úp chiếc tàu, khiến hai em trai của ông đi trên tàu bỏ mạng ngoài khơi. Tàu và tài sản trên tàu đều chìm dưới biển.

Có lẽ ám ảnh lớn nhất về biển đối với ngư dân Ngư Lộc cho đến tận bây giờ- đó là đợt áp thấp nhiệt đới vào năm 1996. Cơn thịnh nộ của thời tiết biển năm đó đã cướp đi hơn 50 người chồng, cha, con của Ngư Lộc.

Ngoài ra, liên tiếp trong những năm gần đây, năm nào ở Ngư Lộc cũng có người bỏ mạng ngoài biển. Phần lớn những người xấu số này đều không tìm thấy thi thể.

Ông Nguyễn Đức Kiệm (60 tuổi), ở thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc tâm sự: “Trước kia, điều kiện các tàu, thuyền ra khơi không hiện đại và có công suất lớn như bây giờ. Nhưng lúc đó nguồn lợi thủy hải sản đang dồi dào, ngư dân tha hồ đánh bắt, không bị tàu nước ngoài quấy nhiễu.

Vài năm trở lại đây, công việc khai thác hải sản trên biển của ngư dân Ngư Lộc gặp nhiều khó khăn. Bởi do biến đổi khí hậu, thiên nhiên khắc nghiệt hơn, bão tố trên biển xuất hiện không theo quy luật, phá vỡ những kinh nghiệm của người vùng biển. Trong khi đó, xăng dầu liên tục tăng giá, các chính sách của Nhà nước dành cho ngư dân còn hạn chế.

Đặc biệt, tại các vùng khai thác trên biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thời gian qua xuất hiện nhiều tàu có công suất lớn, hiện đại của Trung Quốc lén lút vào khai thác ban đêm, gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt của ngư dân”.

Tàu cá Thanh Hóa neo đậu tránh bão. Ảnh: VNE
Tàu cá Thanh Hóa neo đậu tránh bão. Ảnh: VNE.

Quyết không rời biển

Ám ảnh sau cái chết của hai người em ruột đi cùng tàu gặp nạn rồi bị mất hoàn toàn tài sản, thế nhưng ông Hoàng Văn Thảo vẫn chẳng thể rời nghề biển.

 Ngoài việc kiếm sống, những con tàu và bà con ngư dân chúng tôi ra khơi là những cột mốc sống trên biển, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển, đảo quê hương” 

Anh Tô Văn Chung nói

“Quê có ruộng, biển có nghề. Ngư dân vùng biển chúng tôi chẳng có một thước ruộng, nhà nhà, người người đều trông vào nghề biển. Cái nghề chẳng mang lại giàu có cho nhiều người, nhưng là cái nghề của quê cha, đất tổ. Giữ được nghề, giữ được biển của mình là giữ được tài sản. Mất tàu rồi, tôi lại xin đi biển với các tàu bạn để nuôi sống bản thân, gia đình. Theo tục lệ của người dân đi biển, sau 49 ngày chịu tang hai đứa em ruột, tôi lại ra khơi, bám biển. Biển đảo của Tổ quốc mình, ta cứ ra khơi, dù hiểm nguy có rình rập”- ông Thảo tâm sự.

Còn anh Tô Văn Chung (40 tuổi), chủ tàu TH 2068 TS, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc vui vẻ nói về nghiệp đi biển của mình: “Tôi làm chủ tàu cá từ lúc 19 tuổi, theo người thân làm nghề từ lúc nhỏ tuổi. Dù vẫn biết kiếm sống trên biển mỗi ngày một khó, nhưng việc học hành của con cái, sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào biển cả.

Trong khi đó, mỗi tàu cá ra khơi là tạo việc làm cho cả chục lao động kèm theo. Nên dù khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn động viên nhau, vững thân tàu để ra biển mưu sinh. Ngoài việc kiếm sống, những con tàu và bà con ngư dân chúng tôi ra khơi là những cột mốc sống trên biển, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển, đảo quê hương”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hải Năm - Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: “Ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết bất thường, nên bà con ngư dân địa phương đã vay mượn, đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị hiện đại như: máy bộ đàm, Icom, máy định vị, dò cá... lắp đặt trên tàu cá, phục vụ đánh bắt hiệu quả hơn.

Hiện nay, chính quyền địa phương tập trung củng cố các tổ đội sản xuất (hơn 60 tổ, mỗi tổ 3 đến 4 tàu, thuyền) để các tàu, thuyền hỗ trợ tìm kiếm ngư trường; giúp nhau phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn”…

Toàn xã Ngư Lộc có 320 phương tiện hoạt động trên biển, trong đó có 50 phương tiện khai thác ở vùng khai thác chung Việt Nam - Trung Quốc, 87 phương tiện đánh bắt xa bờ, còn lại là khai thác ở lộng, giữa khơi. Số lao động lành nghề trên biển hơn 3.200 lao động, và hàng nghìn lao động khác làm dịch vụ, hậu cần nghề cá. Đây là xã có số lượng tàu, thuyền hoạt động ngoài khơi lớn nhất tỉnh Thanh Hóa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG