Công trình ‘chui’ trên Mã Pì Lèng: Tiền trảm hậu tấu?

Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc xử lý công trình không phép trên đèo Mã Pì Lèng
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc xử lý công trình không phép trên đèo Mã Pì Lèng
TP - Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) khẳng định chưa từng nhận bất cứ đề xuất thẩm định nào của địa phương, trong khi chủ đầu tư hồn nhiên trả lời, thiếu hồ sơ sẽ bổ sung.  

“Cho đến hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng”, Cục Di sản Văn hóa thông tin sau khi dư luận xôn xao về công trình không phép trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Đồng Văn).

Công trình nhà hàng, nhà nghỉ và cà phê ngắm cảnh Panorama Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng. Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

Công trình này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan. Cục Di sản dẫn Điều 36 Luật Di sản Văn hóa, nhắc tới điều kiện cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch trong trường hợp công trình có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường- sinh thái của di tích. Cục từng gửi văn bản ngày 12/7 nhắc nhở Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang ở điểm này.

Chủ đầu tư nói gì?

Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang nhận xét công trình này “chưa được cấp phép đầu tư, chưa phê duyệt, chưa được cấp phép xây dựng và chưa có văn bản đề nghị Sở VHTTDL tham mưu trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL cho ý kiến”. Chủ công trình lí luận rằng khi xây dựng điểm dừng chân đón khách đều nhận được sự ủng hộ của địa phương, và chỉ biết “cắm đầu làm cho kịp”.

“Tôi không làm vụng trộm, nếu vụng trộm không bao giờ làm được công trình như thế này”, bà Ánh khẳng định. Bà nói quyết định xây công trình do tỉnh và huyện kêu gọi đầu tư xây dựng điểm dừng chân ở khu vực này. Được biết chuyên gia tư vấn cho Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tư vấn cho địa phương, chủ đầu tư xây dựng điểm dừng chân. Bà Vũ Thị Ánh phân trần muốn làm công trình thân thiện môi trường, tuy nhiên do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nếu làm thế dễ dàng bị “thổi bay”.

Liên quan giấy phép xây dựng, bà Ánh lập luận: huyện thiết kế công trình thì huyện phải có trách nhiệm lo cho chủ đầu tư. “Tôi không tự nhiên dựng lên nhà to như thế được, chỉ cần đỗ xe trái phép bên đường sẽ có người hỏi luôn. Tôi không có giấy phép thì hoàn thiện giấy phép đâu có sao”, chủ công trình thản nhiên. Với lập luận này, chủ công trình vẫn giữ quan điểm khu nhà đó “không đáng bị đập bỏ”.

________

Cục Di sản Văn hóa cho biết, tiếp tục phối hợp Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang thực hiện các biện pháp đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Luật Di sản văn hóa để tham mưu, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án xử lý về công trình ở Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của Luật di sản văn hóa.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.