Từ sáng sớm, gần 100 người dân đã kéo đến cổng nhà máy, giăng cờ và các khẩu hiệu: “Mong Thủ tướng Chính phủ cứu dân trồng sắn, cứu nhà máy”, “Yêu cầu nhà máy trả nợ công nhân, nông dân trồng sắn”…
Ông Lê Văn Tường (59 tuổi, xã Đại Tân), bị nhà máy thiếu nợ 1,7 tỷ đồng nói: “Nhà máy nợ tui không trả, tui không biết lấy tiền đâu để trả cho 200 hộ dân mà mình thu mua sắn”. Một số tiểu thương khác khi hay tin Ngân hàng Đầu tư và phát triển (đơn vị cho Nhà máy cồn ethanol Đồng Xanh vay với số vốn lớn) được phát mãi, đơn phương bán nhà máy cồn này cũng rất hoang mang.
Bà Trần Thị Thu Hà (tiểu thương ở Kon Tum) đang bị nhà máy mắc nợ 1,5 tỷ đồng, bức xúc: “Muốn phát mãi thì phải trả tiền cho bà con, nếu không bà con quyết sống chết với nhà máy”. Không chỉ tiểu thương, hàng trăm công nhân bốc vác, chủ quán cơm cũng chực chầu trước cổng để chờ trả tiền.
Anh Mai Văn Chì (33 tuổi) mấy tháng nay phải bỏ lại hai đứa con đi trốn do nhà máy không trả món nợ 300 triệu đồng tiền cơm công nhân cho anh, khiến hầu như ngày nào các mối lấy lương thực, thực phẩm cũng tới réo rắt đòi nợ.
Ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch HĐQT Cty CP Đồng Xanh, cho biết chiều cùng ngày sẽ họp với UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết.
Như Tiền Phong đã đưa tin, chiều 26/2, 20 tiểu thương tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã đến UBND tỉnh Quảng Nam cầu cứu về việc nhà máy nợ tiền.
Phía tỉnh đã làm tờ trình gửi Chính phủ và trấn an người dân kiên nhẫn chờ đợi để giải quyết, song sau gần 1 tháng trời, vẫn không có phản hồi gì về việc trả nợ. Tính đến nay, đã 26 tháng trời nhà máy thiếu tiền của bà con. Một số tiểu thương để có tiền đi mua sắn phải vay ngân hàng, vay nóng chịu lãi suất cao.
Trước đó, từ cuối năm 2012, nhiều lần hỗn loạn đã xảy ra trước cổng nhà máy này, vì người dân và tư thương từ các nơi kéo xe tải, dựng lán đòi nợ.