Công nhân nghỉ việc, doanh nghiệp chới với

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có nhiều việc làm nhưng công nhân không đến ứng tuyển, thậm chí nhiều công nhân làm việc lâu năm còn nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Điều này làm không ít doanh nghiệp (DN) TPHCM chới với, không kịp tuyển lao động bổ sung trong thời điểm cuối năm nhiều đơn hàng.

Nghỉ việc chờ rút BHXH

Tại khu nhà trọ công nhân trên đường An Dương Vương (quận 8), chị Lê Thị Mỹ Yên (36 tuổi) khui thùng chả cá vừa gửi từ quê Quảng Ngãi vào, chuẩn bị đem ra khu chợ tự phát gần xóm trọ bán cho công nhân. Chị Yên trước đây có hơn 10 năm làm việc tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) chuyên gia công giày da xuất khẩu, nhưng đã mất việc từ cuối năm 2022 do DN không có đơn hàng. Tuy nhiên, thay vì tìm việc ở nhà máy khác, chị lại chọn bán chả cá ở chợ để chờ rút BHXH một lần.

“Tôi sợ khi đi làm lại thì số tiền đã đóng BHXH hơn chục năm trước sẽ không được rút “một cục” nữa nên chọn làm nghề tự do. Trong thời gian này, tôi hưởng trợ cấp thất nghiệp cùng với bán hàng thêm, tằn tiện cũng đủ sống. Chờ sang năm được nhận BHXH, tôi sẽ tìm việc trở lại” - chị Yên nói.

Công nhân nghỉ việc, doanh nghiệp chới với ảnh 1

Không ít công nhân chọn làm việc theo thời vụ để chờ rút BHXH một lần ảnh: U.P

Thời gian gần đây, công ty có đơn hàng trở lại nhưng chị Vũ Thị Hồng (40 tuổi, quê Trà Vinh) vẫn quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, chờ rút BHXH một lần. Nữ công nhân cho biết, đã bắt đầu vào nhà máy từ năm 18 tuổi, đến nay có 22 năm tham gia BHXH. Hiện mức lương chị Hồng thực lãnh 8,5 triệu đồng/tháng (chưa tăng ca). Nếu nghỉ việc, chị được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 5 triệu đồng/tháng, nhận trong 12 tháng. Sau một năm, chị rút BHXH được 170 triệu đồng.

“Đây là số tiền rất lớn đối với tôi. Trong khi với mức lương hiện tại, nếu tiếp tục làm việc để chờ lương hưu, tôi chỉ nhận được khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Bây giờ nghỉ việc một năm, sau đó tham gia lại thị trường lao động và làm việc thêm 20 năm nữa; đến 60 tuổi về hưu, tôi cũng được hưởng khoảng 4 triệu đồng/tháng, chỉ thấp hơn mức lương hưu cũ là 600.000 đồng nhưng tôi lại có 170 triệu đồng “lãnh một cục” và trợ cấp một năm BHTN. Có thể nói, người lao động tham gia đóng BHXH càng lâu càng lỗ” - chị Hồng tính toán.

Chị Ngô Thị Mỹ Kha, công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân) cho rằng, người lao động rút BHXH một lần là do không có tích lũy. Mặc dù Nhà nước có nhiều quỹ tín dụng để người lao động tiếp cận, nhưng do không có khả năng trả nên họ ngại vay. “Từ đầu năm đến nay, DN rất khó khăn, người lao động có nguy cơ mất việc làm. Với lao động từ 40 tuổi trở lên rất khó để tìm việc ở nơi mới. Những công nhân làm việc trực tiếp ở các DN may mặc, da giày hầu như rất hiếm có lao động từ 47 - 50 tuổi. Mất việc khi tuổi đã lớn, không tìm được việc làm, người lao động càng muốn rút BHXH một lần” - chị Kha nói.

Nhà máy "đau đầu"

Đơn hàng tăng trở lại từ đầu tháng 9/2023 nhưng Công ty May V.N.F (quận Bình Tân) chưa kịp vui thì đã nhận được đơn xin nghỉ việc của hơn 10 công nhân đã làm việc trên 10 năm. “Lý do họ đưa ra là muốn nghỉ việc để rút BHXH một lần vì lo lắng sau này không được rút “một cục”. Công ty rất khó khăn mới có lại đơn hàng sau thời gian làm việc cầm chừng, nay phải tìm mọi cách để giữ lao động nhưng không được. DN không kịp tuyển dụng, lo lắng sẽ khó lòng hoàn thành đơn hàng trong mùa cao điểm” - bà Đặng Thị Châu, đại diện công ty cho biết.

Ông Võ Hồng, đại diện Công ty May mặc Anh Tuấn (quận Tân Bình) chia sẻ, việc gần 20 công nhân nộp đơn nghỉ việc trong tháng vừa qua đã gây tình trạng thiếu hụt lao động. Những người nghỉ việc đều có thâm niên, kinh nghiệm và tay nghề. Theo ông Hồng, trong giai đoạn công ty teo tóp đơn hàng vẫn cố gắng đảm bảo đủ chế độ, lương thưởng cho người lao động; nhưng khi lo mất quyền lợi liên quan đến BHXH, họ đồng loạt xin nghỉ.

“Một số công nhân đề xuất phương án sau khi nghỉ việc, họ vẫn ở lại làm nhưng dưới dạng thời vụ, nghĩa là không ký hợp đồng lao động để họ vẫn nhận được BHTN, rút BHXH một lần. Tuy nhiên theo quy định, những công nhân làm việc từ 1 tháng trở lên đều phải ký hợp đồng lao động và đóng các chế độ theo quy định. Do đó công ty không đồng ý và đang thông báo tuyển lao động mới, dù rất khó khăn và mất nhiều thời gian đào tạo” - ông Hồng cho biết.

Tại buổi góp ý cho dự thảo luật BHXH (sửa đổi) với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mới đây, Giám đốc BHXH TP Thủ Đức Nguyễn Thị Minh Hòa nhìn nhận, hiện có tình trạng người lao động xin nghỉ việc để chờ đủ 12 tháng rút BHXH một lần, “né” luật mới có hiệu lực.

Điều đáng nói là, DN sẵn sàng thỏa thuận trái luật với người lao động, vẫn cho làm việc, vẫn trả lương mà không có hợp đồng lao động, không đóng BHXH. Hiện nay, cơ quan BHXH quản lý khoảng 20.000 DN, đã có hơn 13.000 DN chênh lệch số lao động với cơ quan BHXH là 380.000 người. Trong đó, có những người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, nhưng cũng có trường hợp tham gia BHXH trước đó không thực hiện trích đóng BHXH.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, từ thực tiễn, nguyên tắc đóng - hưởng rõ nhất của BHXH cần được chứng minh thì mới thuyết phục được người lao động, ngăn được tình trạng rút BHXH một lần. “Hãy để lương hưu như một cô gái 18 để ai nhìn cũng thấy sức sống, cũng muốn tham gia.

Luật BHXH nên có khoản thưởng từ 5 - 7% để tạo sức hấp dẫn cho người tham gia BHXH suốt quá trình lao động, không rút BHXH một lần nào. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có các chính sách bảo trợ xã hội khác đi kèm dành cho người tham gia xuyên suốt quá trình cao hơn những người đã rút một lần. Nếu làm được điều này, tự thân BHXH sẽ tạo được sức hấp dẫn” - bà Thúy cho biết.

Đại diện công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam (Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi) thông tin, một bộ phận của công ty chỉ có khoảng 50 người nhưng vừa qua, đã có 10 công nhân có tay nghề xin nghỉ việc do sợ không được rút BHXH một lần. Đa số họ đều làm việc trên 10 năm khiến DN rất đau đầu trong việc tìm nguồn bổ sung.

MỚI - NÓNG