Công nhân đi học: Nỗ lực tự thân là chính

Công nhân đi học: Nỗ lực tự thân là chính
Câu chuyện công nhân đi học chẳng còn là điều gì mới mẻ, thậm chí đã được bàn luận và mổ xẻ từ rất lâu.

Người ta nói nhiều đến giải pháp đồng hành cùng công nhân. Nào là tạo điều kiện về thời gian, không tăng ca để các bạn có thể đến lớp. Nào là liên kết mở những lớp học cho bất cứ ai có nhu cầu. Nào là hỗ trợ vay vốn để trang trải chuyện học.

Và cả những hội thảo để cùng ngồi lại tìm kiếm giải pháp tích cực, khả thi cho chuyện đến lớp sau giờ làm của công nhân. Nhưng có lẽ ấy chỉ là phần ngọn, là ứng xử nhất thời trước vấn đề nâng cao trình độ, thay đổi cuộc sống cho hàng trăm, thậm chí hàng triệu bạn trẻ công nhân phổ thông hiện tại.

Tôi nhớ cách đây chừng năm bảy năm, khi những lớp học bổ túc ban đêm cho công nhân còn chưa thật phổ biến như hiện nay thì tại Củ Chi đã có những lớp công nhân tốt nghiệp THPT. Đó là những công nhân của một công ty may mặc do Đài Loan đầu tư đã đứng ra liên kết với một trường học ngay tại xã công ty đóng trụ sở.

Với những công nhân đăng ký đi học, công ty cam kết không bắt làm tăng ca, hỗ trợ học phí và nếu học tập tốt sẽ khen thưởng “nóng” ngay khi kết quả được thông báo về công ty. Với phương thức hai năm ba lớp hệ bổ túc, những công nhân đầu tiên được chính thức công nhận tốt nghiệp trong nỗi vui mừng của chính họ và cả lãnh đạo công ty.

Trao đổi với các bạn công nhân khi ấy, họ nói thật nhiều hôm tan ca cũng oải lắm, chỉ muốn về nhà, nhưng nghĩ đến tương lai, sự tin tưởng tạo điều kiện của lãnh đạo công ty, họ lại quyết tâm đến lớp.

 Dĩ nhiên không thiếu trường hợp giữa đường gãy gánh vì câu chuyện cơm áo gạo tiền. Thời điểm đó cách làm này trở thành một điểm mới, như hướng đi cho việc phát triển trình độ của công nhân và được nhiều cấp tuyên dương, khen thưởng.

Tuy vậy, mô hình này có tuổi thọ ngắn ngủi, cũng chỉ đến khóa thứ hai tốt nghiệp, những lớp học tự động đóng cửa vì không tìm ra học viên. Lý giải cho thất bại, những người tổ chức chỉ tìm ra một nguyên nhân duy nhất: công nhân chuyển nơi làm việc và chỗ trọ đồng nghĩa với việc nghỉ học.

 Chắc chắn một điều sẽ chẳng có lớp học nào tồn tại nếu tự thân mỗi công nhân không thật sự nỗ lực và mong muốn duy trì. Đây có lẽ cũng là gút mắc lớn nhất để giải bài toán đi học của công nhân, chứ không chỉ đơn thuần là việc thiếu tiền, chuyện tăng ca liên tục.

Có lần trao đổi với một nhà giáo, ông bảo khi mình chưa khai thông được nhận thức về việc học cho số đông công nhân thì đừng vội nói chuyện học hành với họ.

Theo ông, điều cần thay đổi nhất nên bắt đầu từ thay đổi góc nhìn, suy nghĩ cho mỗi bạn trẻ công nhân bằng việc giúp họ nhận thức về cái nhìn tương lai, dựa vào những phép so sánh đơn giản trên cùng một công việc giữa người có trình độ học vấn tối thiểu với người không đạt chuẩn ấy.

Đây đang là thời điểm tháng công nhân. Trong muôn vàn câu chuyện, hẳn không thể thiếu vấn đề nâng cao trình độ nói chung, học vấn nói riêng cho công nhân. Sẽ phải thay đổi nhiều điều, nhưng điều nên thay đổi trước tiên có lẽ không gì khác ngoài nỗ lực tự thân của chính mỗi công nhân trên con đường phát triển nghề nghiệp của mình.

Theo Quốc Linh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.