Khôi phục rùa Hoàn Kiếm, hy vọng chỉ còn ở Việt Nam

Hình ảnh mới nhất về cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Ảnh: ATP
Hình ảnh mới nhất về cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Ảnh: ATP
TP - Cái chết của cá thể rùa Hoàn Kiếm cái vào tối 12/4 tại vườn thú Tô Châu Trung Quốc đã chấm dứt nỗ lực khôi phục quần thể rùa quý hiếm nhất thế giới tại đây, một trong hai quốc gia còn tồn tại loài rùa này. Hy vọng giờ đặt ở phía Việt Nam, nơi còn 2/3 cá thể còn sống của thế giới.

Nỗ lực không ngừng nghỉ nhưng bất thành

Vào tối ngày 12 tháng 4 năm 2019, thông tin cá thể rùa Hoàn Kiếm cái của Trung Quốc, một trong hai cá thể còn lại của quốc gia này đã chết gây chấn động cộng đồng bảo tồn thế giới. Thông tin từ báo chí Trung Quốc cho biết, cá thể này chết sau 24h tiến hành thụ tinh nhân tạo-một nỗ lực không mệt mỏi của các nhà bảo tồn trong việc khôi phục quần thể rùa quý hiếm nhất thế giới.

Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) lược dẫn các thông tin cho biết, một nhóm các chuyên gia quốc tế, cùng với các nhân viên Vườn thú Tô Châu, đã thực hiện thụ tinh nhân tạo lần thứ năm với cặp rùa đang được nuôi tại vườn thú này. Trước khi tiến hành thụ tinh nhân tạo, nhóm chuyên gia đã tiến hành kiểm tra sức khỏe và siêu âm trên cả hai cá thể. Cả hai đều có sức khỏe tốt trước khi thụ tinh nhân tạo.

Tương tự bốn lần thụ tinh nhân tạo trước đây, quá trình thụ tinh nhân tạo lần này diễn ra suôn sẻ và không có biến chứng trong toàn bộ quá trình. Tuy nhiên, 24 giờ sau khi thụ tinh nhân tạo, cá thể cái đã không tỉnh lại và chết.

Niềm hy vọng nằm ở phía Việt Nam

Cái chết của cá thể rùa cái được coi là tin rất buồn với giới bảo tồn cũng như nỗ lực khôi phục quần thể loài rùa này. Rùa Hoàn Kiếm, được biết với tên gọi rùa mai mềm Dương Tử hay giải Thượng Hải khổng lồ từng được biết đến với vùng phân bố rộng lớn từ phía nam sông Trường Giang đến Bắc Trung bộ Việt Nam. Tuy nhiên, nạn săn bắt suốt thế kỷ qua đã làm loài rùa này bên bờ tuyệt chủng. Sau cái chết của cá thể cái, phía Trung Quốc chỉ còn một cá thể rùa đực đã hơn 100 tuổi với khả năng sinh sản tự nhiên rất thấp. 

Theo các chuyên gia của ATP, việc khôi phục ở Trung Quốc có thể tiến hành bằng công nghệ nhân bản. Thực tế, ngay sau khi cá thể rùa cái chết, nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu mô buồng trứng và lưu trữ nó trong nitơ lỏng để sử dụng trong tương lai. Tuy nhiên, con đường nhân bản cũng đầy rủi ro khó đoán trước. “Còn nhiều lo ngại về sức khỏe cũng như tuổi thọ của cá thể sinh ra từ con đường này. Vì vậy, sinh sản tự nhiên vẫn là ưu tiên số một và tốt nhất”, một chuyên gia của ATP chia sẻ.

Niềm hy vọng khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm bằng con đường tự nhiên giờ đặt vào Việt Nam, quốc gia còn 2/3 cá thể này và vẫn còn hy vọng tìm kiếm thêm ngoài tự nhiên.  Hai cá thể rùa gồm một cá thể ở hồ Xuân Khanh, một cá thể ở hồ Đồng Mô (cùng thuộc Sơn Tây, Hà Nội). Mới đây, thêm một cá thể rùa Hoàn Kiếm khoảng 40kg được phát hiện ở hồ Đồng Mô. Tuy nhiên phát hiện nay mới dừng ở mức quan sát được, chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định đây là cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ 3 ở Việt Nam.

Dù hy vọng nằm ở phía Việt Nam song con đường đi đến việc khôi phục quần thể này vẫn còn nhiều gian nan và có thể sẽ thất vọng bởi cả 2 cá thể ở hồ Xuân Khanh và hồ Đồng Mô đều chưa rõ giới tính.

Tháng 10/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu lâu dài là ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong kế hoạch có đề xuất việc nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo tồn rùa Hoàn Kiếm đồng thời xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được. Từ đó đến 2026 sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới và là biểu tượng tâm linh của người Hà Nội. 

Các nhà bảo tồn cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng triển khai kế hoạch trên để bảo vệ và khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm. Ngoài ra cần huy động nguồn lực để tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở ngoài tự nhiên. “Hy vọng tìm thấy thêm rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên vẫn còn sau khi chúng tôi tiến hành thu thập thông tin ở nhiều nơi nhưng chúng tôi đang thiếu nguồn lực để tìm kiếm tiếp”, đại diện ATP chia sẻ.

MỚI - NÓNG