Thêm 2 cá thể rùa được xử lý theo phương pháp chế tác cụ rùa

Thêm 2 cá thể rùa được xử lý theo phương pháp chế tác cụ rùa
TPO - Công nghệ bảo quản mẫu vật hiện đại nhất thế giới đã được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam làm chủ sau quá trình chế tác mẫu vật cụ rùa kéo dài hai năm.

Sáng 19/3, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã trưng bày hai mẫu vật rùa được làm từ phương pháp nhựa hóa, phương pháp được sử dụng bảo quản cụ rùa hồ gươm cuối cùng, vừa được trưng bày ở đền Ngọc Sơn. Hai mẫu vật được trưng bày gồm một cá thể rùa đất lớn, có chiều dài 50cm và một cá thể rùa núi vàng có chiều dài 30cm.

Với việc hoàn thiện và trưng bày hai mẫu vật, Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ nhựa hóa trong bảo tồn, công nghệ còn rất mới ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á.

Phương pháp nhựa hóa do nhà chế tác người Đức Gunther von Hagens phát minh năm 1979 và được ứng dụng trong chế tác các bộ phận cơ thể người và động vật phục vụ nghiên cứu. Hiện nay, đây là phương pháp bảo quản mẫu vật hiện đại nhất, được nhiều Bảo tàng lớn trên thế giới sử dụng trong chế tác mẫu vật động vật phục vụ trưng bày như Bảo tàng Berlin, Bảo tàng Erfurt, Bảo tàng tự nhiên London.

Thời điểm cụ rùa chết tháng 1/2016, nhiều phương án bảo quản mẫu vật được các nhà khoa học đề xuất như phương án làm tiêu bản (giống tiêu bản cụ rùa mất 1967 lưu ở Đền Ngọc Sơn), cũng có phương án bảo quản ướt do chi phí rẻ. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội sau đó quyết định lựa chọn phương án nhựa hóa do khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn). Mẫu vật cụ rùa sau khi trưng bày được đánh giá rất giống thực tế, giữ được thần thái như khi còn sống, từ con mắt đến màu da, tư thế.

Quá trình chế tác mẫu vật cụ rùa, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tiến hành nhận chuyển giao công nghệ nhựa hóa mẫu vật (Plastination) do hai chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ Bảo tàng Berlin, Bảo tàng Erfurt của Đức.

Sau hơn 2 năm cùng tham gia chế tác cùng các chuyên gia người Đức, cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã làm chủ được công nghệ và đã chế tác thành công thêm một số mẫu theo phương pháp này như cua đinh, rùa hộp, rùa đầu to và đang tiến hành thử nghiệm trên một số đối tượng khác như kỳ đà, tê tê, trăn...

 Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, cùng với các phương pháp chế tác khác, phương pháp nhựa hóa sẽ giúp Bảo tàng có được Bộ sưu tập mẫu vật về Thiên nhiên Việt Nam sinh động, hấp dẫn phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu khoa học. Các mẫu vật nhựa hóa cũng sẽ là sản phẩm để Bảo tàng Thiên nhiên giới thiệu, trao đổi với các bảo tàng khác trên thế giới.

MỚI - NÓNG