Chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Trình bày dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, để làm rõ hơn về 6 chính sách được xây dựng, phạm vi điều chỉnh của Luật Điện lực (sửa đổi) quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới…
Cùng với đó, dự thảo sửa đổi cũng quy định giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện lực, hoạt động mua bán điện cũng như trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài. |
Ông Hoài nhấn mạnh, dự thảo luật này không có nội dung trái Hiến pháp, các nội dung đề xuất công khai, minh bạch, không có chính sách trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Các quy định tại dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra; đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Đại diện cơ quan soạn thảo nêu rõ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật này theo quy trình 1 kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV).
Quy định rõ trách nhiệm với lĩnh vực giá điện
Liên quan đến thị trường điện cạnh tranh, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban thấy rằng, quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định.
Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch tái cơ cấu ngành điện; kế hoạch cải cách giá bán lẻ điện và tuân thủ chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy. |
Về hợp đồng mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện, đề nghị cân nhắc việc xác định cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải tranh chấp về thanh toán tiền điện là Sở Công Thương, bảo đảm thống nhất với Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Trọng tài thương mại.
Về giá điện và giá các dịch vụ về điện, theo ông Huy, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định.
Đồng thời quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện, như: Xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự án này liên quan đến rất nhiều luật, trong đó có cả luật Chính phủ đang trình tại Kỳ họp thứ 8. Vậy việc xử lý mối quan hệ này ra sao với những nội dung còn quy định khác.
Ông Tùng ví dụ, quy định cho phép một số dự án chấp thuận chủ trương đầu tư không qua đấu thầu, đấu giá, quy định hoàn toàn khác với quy định của Luật Đất đai, như vậy là còn chồng chéo, thiếu tính ổn định.
Do vậy, tính thống nhất về hệ thống pháp luật xử lý ra sao rất cần được quan tâm để bảo đảm tính thống nhất. "Cần hạn chế áp dụng cơ chế đặc thù khi xây dựng ban hành luật", ông Tùng nêu, đồng thời đề nghị thông qua theo quy trình 2 kỳ họp, nếu chỉ 1 kỳ sẽ khó đảm bảo chất lượng.