Quyết định số 1260/QĐ-BCT nêu rõ khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG năm 2024 là từ 0 - 2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mức giá trần được áp dụng cho nhà máy nhiệt điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng là 2.590,85 đồng/kWh.
Theo Bộ Công Thương, các thông số sử dụng tính toán mức giá trần này bao gồm: công suất tinh 1.579.125 kW; suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85% (6.330,2 BTU/kWh); giá LNG (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí sau tái hóa) là 12,9792 USD/triệu BTU. Tỷ giá để tính toán áp dụng ở mức 24.520 đồng/USD.
“Căn cứ vào khung giá phát điện trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện sẽ đàm phán giá mua bán điện chính thức không vượt qua mức giá trần”, Bộ Công Thương cho hay.
Các dự án điện từ khí LNG đang gặp khó khăn vì không có bảo lãnh Chính phủ lẫn không được bao tiêu sản phẩm. |
Theo ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án). Tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).
Theo ông Bảo, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển, đặc biệt là 3 dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Cùng đó, các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư như Hải Lăng giai đoạn 1, Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện nghiên cứu khả thi (FS) theo ý kiến thẩm định của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để trình lại Bộ Công Thương thẩm định. Dự án LNG Bạc Liêu, Hiệp Phước giai đoạn 1, Ô Môn 2 chưa hoàn thành công tác đàm phán PPA; Dự án Long An I và II chưa hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt FS; 2 dự án BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II: các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện FS theo quy định để đủ điều kiện phê duyệt.
Cuối tuần qua, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố, các chủ đầu tư để gỡ vướng cho các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và khí LNG thuộc danh mục các dự án trọng điểm đầu tư của Quy hoạch điện VIII.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị liên quan đã báo cáo về tiến độ triển khai dự án, các khó khăn đang gặp phải trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương. Ở một số địa phương chưa thể đàm phán, ký thoả thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải toả công suất. Cùng đó, nhiều đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương cam kết tiến độ thực hiện các dự án, không để chậm tiến độ như thời gian qua. Ông Diên cho biết, qua theo dõi, tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi ngoại trừ dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3. Vì vậy, các địa phương, chủ đầu tư cần trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, với quyết tâm cao nhất để đảm bảo tiến độ các dự án.
Theo Bộ trưởng Công Thương, các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn trong quy hoạch, mà còn là nguồn điện nền để huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời. Vì vậy, trong thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm cao nhất là đảm bảo tiến độ các dự án.