> Mực nước kỷ lục tại sông Chao Phraya, Thái Lan
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng các cơ quan đại diện Việt Nam vừa đảm bảo công việc hằng ngày, vừa tích cực theo sát mọi thông tin liên quan trên địa bàn và có phương án mua trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm.
Ông Phạm Minh Tuấn, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam phụ trách bảo vệ công dân, cho biết, 20 trong số khoảng 30 học viên nước ta nghiên cứu, học tập tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) ở tỉnh Pathum Thani bị ngập lụt đã rời AIT về nước và 5 học viên khác đã chuyển tới trường khác. Tại Trường Đại học ABAC, nơi có đông sinh viên Việt Nam theo học, hầu hết đang trong thời gian nghỉ nên không bị ảnh hưởng.
Ông Ninh Viết Thông, Thư ký Hội Người Việt Nam tại Bangkok, và một số kiều bào ở đây cho biết, bà con kiều bào tại thủ đô Thái Lan và các tỉnh lân cận hiện vẫn ổn, chỉ có một vài gia đình bị nước vào nhà nên phải ở tạm chỗ khác. Nhiều bà con đã chuyển đồ đạc lên cao và gửi trước ôtô ở những địa điểm ít có nguy cơ ngập lụt.
Chị Chay, một kiều bào 54 tuổi ở Sam Sen, cách tòa nhà Quốc hội và Văn phòng Chính phủ Thái Lan vài cây số và gần sông Chao Phraya, cho biết, dù lũ lụt chưa ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng người gốc Việt, nhưng tâm trạng lo lắng đang bao trùm, nhất là khi mực nước được dự báo còn dâng cao.
Thị trưởng Bangkok, ông Sukhumbhand Paribatra, cho biết, chính quyền thành phố sẽ thông báo việc sơ tán tới người dân trước 24 giờ. Nhiều hội nghị và sự kiện dự kiến tổ chức ở Bangkok đã hoặc đang được xem xét hoãn.
Theo thông cáo của Tổng cục Du lịch Thái Lan ngày 24-10, các điểm du lịch quan trọng ở nước này không bị ảnh hưởng và vẫn mở cửa bình thường. Tuy nhiên, việc đi lại bằng đường bộ, đường sắt từ Bangkok đến các điểm du lịch phía Bắc như Ayutthaya, Chiang Mai, Chiang Rai và Sukhothai bị hạn chế, phải đi vòng do một số tuyến đường bị ngập.
Theo TTXVN