Cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong phát triển của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cần được quan tâm đặc biệt
Trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cần được quan tâm đặc biệt
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), mỗi năm ở Việt Nam có hàng nghìn trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV. Để trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có cuộc sống tốt hơn, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ các trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS như giúp các em tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị, can thiệp kịp thời.

Trước đây, tất cả trẻ do mẹ có HIV sinh ra chỉ được xác định tình trạng nhiễm HIV khi đủ 18 tháng tuổi.

Hiện nay, việc chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm khuyếch đại gen-PCR, phát hiện ADN của HIV cho phép phát hiện trẻ nhiễm HIV ngay trong thời kỳ sơ sinh. Từ khi triển khai chương trình, nhiều trẻ đã được phát hiện HIV ngay khi 4-6 tuần tuổi.

Việc chẩn đoán sớm HIV giúp giải tỏa tâm lý cho gia đình trẻ; đưa trẻ có HIV vào chương trình điều trị kịp thời, hạn chế đáng kể tình trạng tử vong, giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đặc biệt, khi trẻ được điều trị sớm sẽ làm giảm tải lượng vi rút, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm cho trẻ khác trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV, trong đó quy định rõ các chính sách riêng đối với nhóm trẻ em nhiễm HIV và trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng các chính sách, chương trình hành động liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng.

Đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng nhiều chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng.

Các mục tiêu của Quyết định bước đầu đạt được, giúp cho quyền của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thực hiện tốt hơn về cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của trẻ; về nâng cao nhận thức của cán bộ ở các cơ sở trợ giúp trẻ em, về các cơ sở điều trị trẻ em nhiễm HIV/AIDS, các trường học và những tổ chức liên quan được nâng cao năng lực.

Các chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện; mạng lưới liên kết dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ đã được xây dựng.

Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai và được đánh giá bước đầu có hiệu quả, phù  hợp với các địa phương và được địa phương nhân rộng triển khai tại cơ sở.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch.

Công tác truyền thông về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn nâng cao kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được triển khai tại các cấp các ngành, đoàn thể, các hội cho cán bộ cấp, tỉnh, huyện xã và đội ngũ cộng tác viên. Nhiều tỉnh đã triển khai việc kiện toàn mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc giảm kỳ thị với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Để giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có cơ hội tiếp tục học tập, hòa nhập và có tương lai tốt đẹp hơn, cha mẹ học sinh và cộng đồng cần:

Hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, biết phòng tránh lây nhiễm HIV đúng cách, điều đó quan trọng hơn là nhận biết ai là người nhiễm HIV;

Không gây áp lực với nhà trường để ngăn cản trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cùng học với các trẻ em khác;

Phối hợp với nhà trường để tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;

Đấu tranh với các biểu hiện, quan niệm sai lầm về HIV/AIDS và thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS;

Không đổ lỗi, buộc tội trẻ em về các hành vi của cha mẹ hay người thân của các em. Trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành vi nào của cha mẹ hay người thân;

Tôn trọng và bảo mật thông tin của người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;

Tham gia, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng;

Trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV càng dễ tổn thương

Trẻ em đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV càng dễ tổn thương hơn. Việc kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đang là tệ nạn của xã hội.

Chính vì thế, cộng đồng thay đổi quan điểm sẽ giúp cho trẻ bị nhiễm ảnh hưởng bởi HIV được phát triển toàn diện hơn.

Theo Công ước về Quyền trẻ em được Liên hợp quốc thông qua năm 1989, gồm 54 điều về các quyền cơ bản của con người mà trẻ em trên toàn thế giới đều được hưởng. Công ước đã được hầu hết các nước trên thế giới phê chuẩn. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Theo đó, trẻ em được hưởng bốn nhóm quyền cơ bản: Quyền được sống còn; Quyền được bảo vệ; Quyền được phát triển; Quyền được tham gia.

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cần được chăm sóc như những trẻ em khác

Mọi trẻ em đều có các nhu cầu cơ bản sau:

- Nhu cầu về thể chất: dinh dưỡng đầy đủ, chỗ ở, quần áo, chăm sóc sức khoẻ bởi các dịch vụ y tế đạt chuẩn, vui chơi, chăm sóc, nghỉ ngơi, phát triển trí tuệ.

- Nhu cầu về tình cảm, tinh thần: yêu thương, hiểu biết, lắng nghe, học cách ứng phó với căng thẳng, bày tỏ cảm xúc, niềm tin, giá trị cuộc sống, có cơ hội được tham dự các hoạt động văn hoá, tinh thần.

- Nhu cầu về xã hội: được xã hội hoặc bạn bè thừa nhận, có các mối quan hệ mở rộng, có cơ hội được bày tỏ hoặc chia sẻ ý kiến trong các hoạt động xã hội, được giáo dục.

MỚI - NÓNG