Rửa tiền ở nước ngoài
Hồi tháng 7 năm nay, Viện Công tố Thuỵ Sĩ phối hợp với cảnh sát Pháp tiến hành lục soát nhiều nhà riêng của các công dân Uzbekistan tại Paris mà theo dư luận, những ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của chính quý bà Gulnara. Sở dĩ cảnh sát tiến hành lục soát là do nghi ngờ đã xảy ra chuyện rửa tiền của một số công dân Uzbekistan có liên hệ chặt chẽ với bà Gulnara.
Cụ thể, cảnh sát nghi ngờ trong tài khoản của những người này có nhiều khoản tiền hối lộ từ Công ty Viễn thông Telia Sonera đang hoạt động trên thị trường Uzbekistan. Kết quả bà Gulnara bị chính quyền Uzbekistan tước quyền miễn trừ ngoại giao.
Nhưng vụ lục soát nói trên chỉ là một phần trong chuỗi dài những vụ bê bối theo đuổi bà Gulnara suốt vài năm qua. Chẳng hạn, hồi tháng 10 năm ngoái, căn hộ sang trọng của bà ở Mátxcơva bị niêm phong mà theo dư luận, nguyên nhân sâu xa là do Công ty viễn thông của bà đã dùng những thủ đoạn “bẩn thỉu” chèn ép một công ty viễn thông của Nga khiến công ty này phải rời khỏi Uzbekistan.
Đến tháng 5 năm nay, một hãng truyền hình Thụy Điển đã phát đi một chương trình đặc biệt tố cáo những việc làm bất hợp pháp của một doanh nhân có liên quan trực tiếp với bà Gulnara.
Không phải vô cớ, theo tiết lộ của WikiLeaks, giới ngoại giao Mỹ mệnh danh bà Gulnara là “Công chúa tội phạm”.
Tham nhũng ở trong nước
Việc bà Gulnara bị tước quyền miễn trừ ngoại giao sau vụ nghi vấn rửa tiền chứng tỏ Tổng thống Karimov đã bắt đầu mất lòng tin vào con gái. Cuối tháng 10 vừa qua, Cơ quan An ninh Uzbekistan trình lên Tổng thống Karimov một tập hồ sơ dày liệt kê tỉ mỉ những thủ đoạn và mánh lới tài chính bất hợp pháp của cô con gái ông ngay tại Uzbekistan..
Theo tập hồ sơ nói trên, một loạt hãng và công ty trong lĩnh vực dầu mỏ và dệt may tuy thuộc quyền sở hữu của những người họ hàng với Tổng thống nhưng hằng tháng vẫn phải nộp cho bà Gulnara những khoản tiền từ 50 đến 70 triệu USD dưới danh nghĩa “phần” của bà.
Ngoài ra, mỗi năm, bằng các thủ đoạn mua chuộc và đe dọa, bà còn moi được từ ngân sách nhà nước hơn 16 triệu USD dưới danh nghĩa chi cho các hoạt động văn hoá. Bà còn bắt nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tài trợ cho hoạt động của các quỹ từ thiện mà bà làm Giám đốc.
Tập hồ sơ của Cơ quan An ninh còn tố cáo bà Gulnara bắt buộc các lái xe chỉ được dùng trong xe các ca khúc của bà hoặc truyền tin tức phát di từ các kênh truyền thanh do bà làm chủ. Sau khi đọc tập hồ sơ của Cơ quan An ninh, Tổng thống Karimov vô cùng phẫn nộ. Nghe đồn ông đã không kìm nổi cơn giận dữ và đã tát tai trưởng nữ của ông. Ông còn ra lệnh mở cuộc điều tra riêng về Gulnara.
Bà Gulnara Karimova, 41 tuổi đã có chồng và 2 con, trưởng nữ của tổng thống Uzbekistan Karimov, nổi tiếng lừng lẫy khắp khu vực Trung Á với tư cách một nhà hoạt động chính trị và xã hội. Bà còn là một ca sĩ nhac pop, một nhà thiết kế các sản phẩm kim hoàn, giám đốc nhiều quỹ từ thiện... Trước đây, nhiều người tiên đoán bà sẽ kế nghiệp cha để trở thành tổng thống tương lai của Uzbekistan vì ông Karimov năm nay 75 tuổi, đã làm tổng thống được 23 năm |
VŨ VIỆT
theo Gazeta.ru và Inosmi.ru