Cồng chiêng Mường ở Tây Nguyên

Đội chiêng 3 thế hệ ở thôn 1, xã Hòa Thắng.
Đội chiêng 3 thế hệ ở thôn 1, xã Hòa Thắng.
TP - Xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk có hơn 1.200 hộ dân tộc Mường di cư từ tỉnh Hòa Bình lên Tây Nguyên từ năm 1954. Trong các lễ hội, dàn cồng, chiêng Mường đánh lên, luôn gây ấn tượng đẹp trong lòng công chúng.

Bà Nguyễn Thị Hòa (63 tuổi), đội trưởng đội cồng chiêng thôn 1 cho biết: Với người Mường, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng, linh thiêng trong sinh hoạt văn hóa. Xã có 2 đội cồng chiêng nữ. Đội chiêng Mường thôn 1 gồm ba thế hệ. Người lớn tuổi nhất năm nay 63 tuổi, còn lại là 38 – 45 tuổi. Hai bạn nhỏ nhất là Nguyễn Ngọc Yến Nhi và Bùi Hoàng Tố Như (cùng 14 tuổi) mới được các bà, các mẹ truyền dạy đánh chiêng hơn 1 tháng, nhưng hai bạn đã chơi nhuần nhuyễn 2 bài chiêng: “Mừng mùa” và “Chào mừng lễ hội” (hội Mường Luông). Tố Như chia sẻ: “Em được cùng các bà, các mẹ cho vào đội để cùng thi diễn tấu cồng chiêng nên rất vui và hạnh phúc. Em sẽ cố gắng sau này đánh được nhiều bài chiêng và giới thiệu cho mọi người cùng biết”.

Đã thành thông lệ, ngày nghỉ cuối tuần, chị em trong thôn cùng ngồi lại sinh hoạt văn nghệ. Những người phụ nữ Mường vung tay gõ nhẹ nhàng, uyển chuyển trên núm chiêng. Họ cứ thả hồn bay bổng theo tiếng “ping poong”, âm thanh mộc mạc trầm lắng, thẳm sâu chảy qua kẽ lá, tan vào không gian lay động rừng chiều làm nhiều người mê đắm, quyết tâm học đánh chiêng.

Bà Hòa nâng niu giới thiệu về chiêng Mường, say mê, trân quý từng chiếc chiêng như báu vật. Mới nhìn ai cũng nghĩ đánh chiêng Mường dễ nhưng thật sự rất khó. Khi đánh chiêng, họ truyền cả hồn mình vào từng giai điệu nên ai cũng phải am hiểu nhất định về cách sử dụng thang âm, bước âm.

Theo nhịp chảy cuộc sống hiện đại, văn hóa cồng chiêng đang ngày càng mai một, bà Hòa cùng nhiều cụ bà khác trong làng đã tập hợp con cháu người Mường lại để truyền dạy các bài cồng chiêng cổ. Những người có kinh nghiệm truyền kiến thức cho thế hệ trẻ chủ yếu theo phương pháp truyền miệng, “cầm tay chỉ việc”. Với niềm đam mê, tinh thần học hỏi giờ trong thôn nhiều người đã biết đánh chiêng, lập nên một đội chiêng hơn 20 người để sinh hoạt.

Thoáng chút buồn trên khuôn mặt, bà Hòa trầm tư: Dù được xem là bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường nhưng hiện nay trong buôn rất khó để tìm một gia đình có đủ 1 bộ chiêng. Hiện tại thôn 1 vẫn không có bộ chiêng chính thức. Thôn 3 và thôn 1 dùng chung 1 bộ chiêng để ở nhà văn hóa cộng đồng. Mỗi lần có lễ hội phải phân bố thời gian luyện tập. Mọi người mong muốn có bộ chiêng riêng của thôn để dễ dàng hơn trong việc tập luyện và sinh hoạt cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết: Người Mường ở đây vẫn giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc. Cồng chiêng là giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội quanh năm, suốt tháng… Chính quyền địa phương cũng quan tâm động viên tạo điều kiện để cộng đồng Mường phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống, tổ chức các lớp truyền dạy chiêng Mường cho thế hệ trẻ.

Cồng, chiêng là nhạc cụ mang giá trị văn hóa tinh thần quan trọng trong đời sống cộng đồng dân tộc Mường. Cồng, chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Người Mường coi cồng, chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình và giữ gìn, trao truyền qua các thế hệ. 

MỚI - NÓNG