Bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, sau một ngày phẫu thuật, hiện tại sức khỏe của cụ Định 87 tuổi ở Tiên Sơn, Bắc Ninh, đã ổn định. Bệnh nhân nằm viện một tuần để bác sĩ theo dõi sức khỏe.
Cụ Định nhập viện ngày 24/11 trong tình trạng bị tổn thương thành âm đạo phức tạp, sa sinh dục ở mức cao nhất, toàn bộ phần tử cung bị rơi ra ngoài cơ thể. Người nhà cho biết trước đó bà cụ vẫn đi lại bình thường, dạo chơi nhà hàng xóm.
Rạng sáng 24/11 con trai bà ngủ dậy sang kiểm tra giường cho mẹ thì phát hiện cụ bị chảy máu. Bà cụ nói đã tự dùng dao cắt phần "thịt lồi". Gia đình đưa bà đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, sau đó chuyển đến bệnh viện tỉnh và cuối cùng lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bác sĩ Quyết trực tiếp phẫu thuật cho cụ Định, cho biết tình trạng bệnh nhân khá nguy hiểm vì vết cắt dài gần 20 cm đã chạm vào bàng quang, may mắn chưa làm tổn thương bàng quang. Vết thương đã bắt đầu nhiễm trùng, nếu xử lý chậm hơn bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng huyết, nặng hơn là hoại tử.
Ca mổ kéo dài khoảng một giờ, các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn phần tử cung của cụ Định. Bệnh nhân cao tuổi lại thuộc gia đình chính sách (chồng bà là liệt sĩ) nên bệnh viện miễn hoàn toàn viện phí cho cụ. Hiện tại sức khỏe của cụ tiến triển tốt.
Ở Việt Nam, bệnh sa tử cung thường xảy ra với phụ nữ trên 50 tuổi sống ở vùng nông thôn. Những phụ nữ sinh nở nhiều, làm việc nặng nhọc, không được đỡ đẻ an toàn, điều kiện kinh tế khó khăn, chăm sóc sức khỏe kém dẫn tới tử cung bị sa xuống qua phần âm đạo.
Thống kê từ Bộ Y tế, 10% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh sa sinh dục sau sinh. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu có hiện tượng bị sa sinh dục, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để khám và phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.