'Cơn sốt' ChatGPT giờ ra sao?

TP - Sau gần 1 năm ChatGPT (mô hình ngôn ngữ do OpenAI phát triển) ra mắt và từng tạo nên “cơn sốt” trong giới trẻ Việt, đến nay, công cụ này dường như đã hạ nhiệt và “kén” người dùng hơn?

Thời điểm bắt đầu ra mắt, người máy “biết tuốt” (ChatGPT) giải đáp mọi câu hỏi chỉ sau vài giây đã gây ấn tượng mạnh với người dùng, kích thích sự tò mò của người trẻ. Công cụ này được ví như “cánh tay đắc lực” hay “trợ lý trực tuyến 24h” hỗ trợ người trẻ làm sáng tạo nội dung số hay hỗ trợ sinh viên học tập, hỗ trợ dân công nghệ viết code…

Tệp người dùng có chuyên môn sâu

Là một trong những người nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong viễn thông, Thạc sĩ Tô Trường An (SN 1998, quê ở Tiền Giang, hiện làm nghiên cứu sinh tại Anh) sử dụng và trải nghiệm mô hình ngôn ngữ mới này từ những ngày đầu ra mắt. An thừa nhận, thời gian đầu sử dụng theo trào lưu, không có mục đích, chỉ đơn thuần nhờ viết thơ và status đăng trên mạng xã hội.

“Muốn dùng ChatGPT hiệu quả, bạn trẻ cần trau dồi chuyên môn sâu của mình lên mức cao hơn nữa để tận dụng hết ưu thế và loại bỏ nhược điểm, gạt bỏ các ý, suy nghĩ dạng “hoang tưởng” của ChatGPT”.

TS. Trần Quốc Long - Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Sau 2 tháng dùng trải nghiệm, An nhanh chóng tích hợp ChatGPT vào trình duyệt web Google Chrome để phục vụ mục đích tìm kiếm và xử lý thông tin. An nhận thấy, so với việc ngồi chọn lọc thông tin từ hàng loạt kết quả tìm kiếm trên Google, người bạn trợ lý trực tuyến đã giúp rút ngắn thêm một công đoạn tổng hợp tài liệu.

“ChatGPT tự tổng hợp và đưa cho mình câu trả lời, không bắt mình chọn lọc lại từ vô số kết quả hay gợi ý. Nếu đủ kiến thức về lĩnh vực đó, mình sẽ biết nội dung thông tin trả về có đủ tin cậy hay không”, An nói.

Theo OpenAI, ChatGPT-4 có khả năng phản hồi các yêu cầu về nội dung không được phép thấp hơn 82% và khả năng tạo ra phản hồi thực tế cao hơn 40% so với GPT-3.5.

Do tính chất làm nghiên cứu khoa học, nên An coi việc tìm kiếm thông tin, phân tích dữ liệu giống như bước đệm để hình thành nên một công bố khoa học. Khi ChatGPT cho ra 2 dạng thức câu trả lời là “sự thật” và “ý kiến, quan điểm”, theo An, nếu một người không đủ kiến thức họ đang quan tâm, cách đặt câu hỏi thiếu hiệu quả, hoặc không có khả năng đánh giá câu trả lời sẽ sinh ra cảm giác chán nản, rồi lặng lẽ rời đi.

'Cơn sốt' ChatGPT giờ ra sao? ảnh 1

Công cụ ChatGPT có sự trồi sụt số lượng người dùng.

Trong gần một năm sử dụng, An đã tối giản được nhiều nhiệm vụ hơn và có thêm thời gian để tập trung vào những hoạt động chuyên môn sâu. Cụ thể, An đã tự huấn luyện con Chatbot bằng cách thả các đoạn dữ liệu nền về lĩnh vực của anh trước, sau đó mới đặt câu hỏi. Có khi, ChatGPT giúp An chỉnh sửa ngữ pháp, văn phong khoa học bằng tiếng Anh trước khi bản thảo được gửi đi cho các giáo sư.

Tuy nhiên, anh bạn nhấn mạnh, công cụ này không giúp nhà khoa học viết báo khoa học. Bởi lẽ, ChatGPT là mô hình ngôn ngữ được tổng hợp từ bộ dữ liệu có sẵn rồi cho ra kết quả mạch lạc, dễ hiểu có tính tổng hợp. “Nó không có ngôn ngữ khoa học, cơ sở khoa học chuyên ngành để diễn giải một cách đắt giá về một công trình nghiên cứu”, An nói thêm.

'Cơn sốt' ChatGPT giờ ra sao? ảnh 2

TS. Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT.

Theo khảo sát của Morgan Stanley với 2.000 người tham gia trong tháng 4, chỉ 19% số người được hỏi cho biết đã sử dụng ChatGPT và nhiều người chưa sử dụng nói sẽ không có nhu cầu trải nghiệm trong ít nhất nửa năm tới. Trước đó, chỉ sau 2 tháng trình làng, ChatGPT đã thu hút khoảng 10 triệu tài khoản đăng ký trên toàn cầu và tạo ra cuộc bàn luận sôi nổi xoay quanh xu hướng nghề nghiệp của người trẻ trong tương lai.

“Công nghệ lõi” cho start-up Việt

Thời điểm ChatGPT-3.5 chưa hết sốt, ngay sau đó, OpenAI tiếp tục ra mắt bản nâng cấp (ChatGPT-4) được cải tiến theo hướng sáng tạo hơn so với bản trước đó. Phiên bản mới có khả năng xử lý đa phương thức đầu vào bao gồm hình ảnh để người dùng tương tác với nhiều chế độ.

Để sử dụng loại “siêu năng lực” này, người dùng phải trả phí khoảng 20 USD mỗi tháng (khoảng 500.000 đồng). Cả hai phiên bản của ChatGPT đều mang lại những trải nghiệm đa dạng. Cụ thể, thay vì cách diễn đạt đơn điệu, lớp thông tin mỏng, công cụ này cho ra câu trả lời hài lòng, chuyên sâu hơn và phân tích vấn đề theo từng góc nhìn.

Tất nhiên mức độ câu trả lời còn phụ thuộc vào các loại câu hỏi của người dùng (tìm thông tin cơ bản, yêu cầu phân tích, đánh giá vấn đề hay liệt kê…). Đáng nói, việc trích dẫn nguồn tài liệu của GPT-4 cũng chuẩn xác hơn phiên bản trước đó giúp người dùng dễ dàng tra ngược lại để kiểm chứng thông tin.

Trao đổi thêm nội dung này, ông Ngô Hữu Thống - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, cho rằng, ChatGPT ra mắt làm cho con người quan tâm đến trí tuệ nhân tạo nhiều hơn - đây là bề nổi, được nhiều người xem như một trào lưu.

Tuy nhiên, khi mô hình ngôn ngữ dần được huấn luyện và nâng cấp phiên bản cao hơn, nó trở thành “công nghệ lõi” tạo điều kiện cho nhiều người trẻ Việt start-up trong lĩnh vực công nghệ. Ông Thống cho hay, hiện có nhiều ứng dụng “phái sinh” từ ChatGPT như công cụ riêng chuyên viết content, phần mềm tạo hình ảnh từ AI… để cá nhân hóa nhu cầu sử dụng dị biệt của công chúng, tệp khách hàng.

Ngoài ra, ông Thống lưu ý, ChatGPT có khả năng học, tiếp thu từ dữ liệu của người dùng. Vì vậy, không tránh khỏi những đối tượng cố ý đưa dữ liệu tiêu cực, sai sự thật để chi phối và định hướng sai lệch.

Lý giải sự “trồi sụt”

Qua thực tế theo dõi và trải nghiệm, TS. Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, có một số lý do dẫn đến sự sụt giảm lượng người truy cập vào ChatGPT.

“Sự tò mò, khám phá ban đầu đã trôi qua. Bất cứ ứng dụng nào cũng sẽ có tệp người dùng trung thành, vì thấy phù hợp với nhu cầu của mình và tệp người dùng kiểu “thỉnh thoảng, thử nghiệm” xem có hợp không. Ngoài ra, một số sản phẩm cạnh tranh được tích hợp vào các máy tìm kiếm sẽ lấy đi một số lượng người dùng nhất định”, ông Long nói.

Ông Long phân tích thêm, khi ChatGPT-4 ra mắt giúp tạo văn bản dài hơn, dữ liệu từ nguồn đa dạng, trả lời được bằng 25 ngôn ngữ, cho phép tích hợp với máy tìm kiếm để truy xuất thông tin cập nhật hơn; cho phép tích hợp với các ứng dụng khác… “Vì thế, mỗi lần phát triển, mở rộng, ChatGPT bổ sung thêm vào tệp người dùng những người dùng mới, người dùng có chuyên môn sâu”, ông nói.

Ngoài mục đích dùng để giải trí, thư giãn ban đầu, nhiều người hiện sử dụng ChatGPT trong công việc chính của mình. Khi kết hợp với chuyên môn của người sử dụng, nó giúp năng suất lao động tăng lên đáng kể.

“Muốn dùng ChatGPT hiệu quả, bạn trẻ cần trau dồi chuyên môn sâu của mình lên mức cao hơn nữa để tận dụng hết ưu thế và loại bỏ nhược điểm, gạt bỏ các ý, suy nghĩ dạng “hoang tưởng” của ChatGPT”, TS. Trần Quốc Long nói thêm.

Tin liên quan