Cơn gió mát từ Geneva

0:00 / 0:00
0:00
Cơn gió mát từ Geneva
TP - Mối quan hệ Nga - Mỹ luôn đầy trắc trở, cũng có lúc thuận lợi nhưng không được bao lâu. Đặc biệt từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cả Mỹ, Nga và thế giới đều nhận thấy quan hệ này hiện đã chạm đáy và rất khó cải thiện.

Dù tiềm lực kinh tế của Nga hiện yếu hơn Mỹ, nhưng không ai, kể cả những nước thù địch với Nga, có thể phủ nhận vai trò và vị thế của Mátxcơva trong các vấn đề quốc tế. Mối quan hệ Nga - Mỹ có thể đóng vai trò bình ổn của thế giới hoặc ngược lại.

Mỹ và Nga dù đã xuống đáy hay thủng đáy nhưng vì danh dự và trách nhiệm với quốc gia và thế giới, hai bên phải tránh đổ vỡ và cải thiện mối quan hệ. Trong bối cảnh đó, theo đề xuất của Mỹ, hai bên đồng ý ngồi lại với nhau. Đó là điều tuyệt vời, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đầy sóng gió, mâu thuẫn, thù hằn và khủng hoảng do COVID-19.

Một cuộc gặp diễn ra khi quan hệ song phương đang thù địch như thế nhưng không có ngôn từ nặng nề tay cái đập bàn nào ở Geneva, chứng tỏ hai nhà lãnh đạo đều kiềm chế rất tốt.

Cả hai ông Putin - Biden và các cộng sự của họ đều không đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp này, mà chỉ coi đó là bước thăm dò. Thế nhưng, sau khi nói chuyện gần 4 tiếng đồng hồ, hai bên đều không ngờ đã đạt những kết quả tương đối cụ thể, dù không lớn. Hai bên đi từ chỗ không kỳ vọng nhiều đến chỗ đạt được một số kết quả tương đối rõ ràng ở những lĩnh vực có thể giải quyết được bất đồng, như đồng ý đưa đại sứ trở lại, kiểm soát bất đồng, xây dựng mối quan hệ ổn định và dễ dự đoán. Tính dễ dự đoán là điều rất quan trọng, để nếu bên này định tấn công bên kia thì bên kia và thế giới có thể dự đoán được, nói nôm na là không bất ngờ chọc lưng nhau.

Trong cuộc gặp ấy, hai bên không xới tung tất cả bất đồng lên. Cái nào cảm thấy lớn quá và không thể giải quyết được thì họ để yên, như ông Biden nói rằng sự kiện lần này tạo cơ sở cho những cuộc gặp tiếp theo. Vì thế, hai bên không thảo luận sâu về vấn đề nhân quyền hay tấn công mạng. Hai bên đang giận nhau mà trong cuộc gặp lại xới tung hết lên thì sẽ không thể đi đến đâu cả.

Cuộc gặp lần này chưa thể mang lại bầu không khí mát, nhưng chí ít cũng là một cơn gió mát trong một thế giới đang “nóng”.

Cả Mỹ và Nga sẽ không dùng nhau để tập hợp lực lượng chống lại bên thứ ba và cũng không làm được điều này trong quan hệ quốc tế hiện nay. Ông Biden có vẻ muốn tập trung cải thiện quan hệ với Nga vì Washington quá hiểu rằng các quan hệ quốc tế hay quan hệ của Mỹ với bất kỳ đối tác nào cũng sẽ khó khăn nếu căng với Nga hoặc không chú ý đến các lợi ích của Nga. Vì thế, Mỹ cần ổn định quan hệ với Nga để xây dựng những quan hệ khác, để có thể trở lại vị trí lãnh đạo thế giới như ông Biden nói.

Quan hệ Mỹ - Nga có vai trò dẫn dắt các mối quan hệ khác. Nhiều quốc gia nhìn vào đó để điều chỉnh quan hệ của mình với hai cường quốc, dù không đến mức như hồi Chiến tranh Lạnh.

Từ nay, châu Âu có thể sẽ không làm quá với Nga nữa, mà sẽ phải lựa chọn. Dù có nền kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn sẽ phải để ý đến cặp quan hệ Nga - Mỹ. Trung Quốc có thể có những điều chỉnh phù hợp với Nga và Mỹ sau cuộc gặp ở Geneva. Các mối quan hệ khác ở Trung Đông như Iran hay ở Đông Bắc Á cũng tương tự.

Nếu Mỹ - Nga cứ theo đà từ Geneva mà tiếp tục cải thiện quan hệ thì sẽ khiến những vấn đề khó giải quyết lâu nay như hạt nhân Iran, hạt nhân Triều Tiên, xung đột Trung Đông, Bắc cực trở nên dễ dàng hơn.

Có thể coi thượng đỉnh Geneva là chút ánh sáng cuối đường hầm.

MỚI - NÓNG