Thu phí bất hợp lý
Câu chuyện “mệt mỏi” mà bà Trịnh Tú Anh- Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Xây dựng An Đô đem đến Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015 nhận được nhiều đồng cảm từ các DN qua những tràng vỗ tay. Bà cho biết, công ty kinh doanh mặt hàng dệt may và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nên rất vất vả với kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, việc kiểm tra chuyên ngành lặp đi lặp lại, sinh phiền toái. Cùng một ngày, bà mở 3 bộ tờ khai cho mẫu hàng, nhưng cũng cần tới 3 giấy kiểm tra chất lượng, dù cùng một loại hàng. Theo bà, nhiều việc kiểm tra vô lý, như cái ô (che), vì liên quan đến vải, cũng bị đè ra kiểm tra chất lượng.
“Chẳng hạn, tôi nhập 1 ngày tới 4 mẫu vải (khoảng 1 tấn), tiền thuế chỉ mất vài triệu đồng, nhưng 4 lô đã mất tới 8 triệu đồng tiền kiểm tra chất lượng. Chính sự phiền toái này, nhiều DN nhỏ, họ tìm cách lậu thuế cho nhanh, tiết kiệm thời gian. Còn những DN làm ăn đàng hoàng, rất vất vả”- bà Tú Anh nói.
Theo bà, với mặt hàng thuốc BVTV, việc kiểm tra chất lượng trước khi thông quan là cần thiết, nhưng thủ tục hành chính rườm rà. “Khi chúng tôi làm văn bản hỏi chi cục BVTV, họ bảo sang hỏi ý kiến Hải quan, còn bên Hải quan lại bảo sang hỏi bên BVTV. Như vậy là đùn đẩy cho nhau”- bà Anh nói.
Ngoài ra, DN còn phải chịu nhiều chi phí không hợp lý, như kiểm dịch y tế. “Trong trường dịch bệnh, kiểm dịch là đúng. Nhưng với hàng chúng tôi nhập khẩu, kiểm dịch y tế thấy vô nghĩa. Khi xe Việt Nam vào bãi, chỉ cần đăng ký và nộp phí, chứ chả thấy kiểm dịch gì cả”- bà Anh nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hợp lực (Thanh Hóa), xã hội hóa dịch vụ y tế đã diễn ra 10 năm nay, chưa có chính sách cho khối này phát triển, mà chủ yếu tiêu tiền ngân sách. Đến nay, việc khấu trừ đầu vào VAT, dù đã kiến nghị cho phép các ông chủ bỏ tiền ra đầu tư vào lĩnh vực y tế được khấu trừ thuế VAT, nhưng vẫn chưa được phê duyệt.
Theo ông Đệ, lâu nay nguồn ODA và vốn từ các quỹ hỗ trợ chỉ dành cho các DN nhà nước, tuy nhiên, nhiều DN nhà nước đang làm ăn thua lỗ, mất vốn. “Tôi khẳng định, nếu đưa nguồn vốn này cho doanh nghiệp tư nhân, thì khối này sẽ rất phát triển và tỷ lệ thất thoát chắc chắn sẽ rất ít. Tôi kiến nghị để khối DN tư nhân được tiếp cận nguồn vốn này”- ông Đệ nói.
Đại diện DN cũng phản ánh, họ đang gặp khó khăn hoàn thuế VAT từ năm 2014 về trước, do nhiều thủ tục chưa thống nhất. Nhiều DN từ năm 2012 đến 2015 vẫn chưa được hoàn thuế.
Doanh nghiệp “làm dối”
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, năm 2015, khi tham gia một dự án, khảo sát trực tiếp 30 DN (15 DN FDI, còn lại là DN Việt Nam), cho thấy nhiều điều đáng lưu ý.
Bà cho biết, 100% số DN FDI được khảo sát thực hiện tốt về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Và ngược lại 100% số DN trong nước khảo sát đều làm dối. “Họ tránh bảo hiểm xã hội bằng cách làm hợp đồng lương tối thiểu theo vùng để nộp bảo hiểm xã hội”- bà Cúc nói.
“Chi phí bảo hiểm xã hội còn cao gấp đôi thuế, rõ ràng là có vấn đề. Bảo hiểm xã hội cao, sau này sẽ rất tốt cho người lao động, nhưng hiện, cái họ cần là công ăn việc làm, chứ không phải nộp cho tương lai mà chưa biết tương lai thế nào”- bà Cúc phân tích.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét giãn lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, để DN có lộ trình thích ứng đối với chi phí trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Ghi nhận nhiều ý kiến của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hầu hết các phản ánh về thuế đều diễn ra trước năm 2015. Một số nội dung DN quan tâm như vấn đề ưu đãi thuế cho DN đầu tư mới; vấn đề khấu trừ VAT…Ông Tuấn đã yêu cầu Tổng cục Thuế, Hải quan rà soát các chính sách, để gỡ khó cho DN.
Theo VCCI, một số DN phản ánh cán bộ hải quan có thái độ không thực sự hợp tác cùng DN, thờ ơ với những vất vả của DN, vẫn còn hiện tượng vòi vĩnh. Một số cán bộ chưa cập nhật kiến thức, nên giải thích cho DN không phù hợp.