Con chó xấu xí khác

Minh họa: Trương Phương Hoa.
Minh họa: Trương Phương Hoa.
TP - Nhà báo, nhà phê bình T.B được biết đến nhiều với những bài phóng sự cặn kẽ, sâu sát và những bài phê bình sắc sảo. Đối với tôi, ông còn là một người thầy, một người đỡ đầu trong nghề, tuy ông không bao giờ tỏ ra quan trọng điều đó, và luôn sửa tôi mỗi khi tôi theo lẽ thường gọi ông bằng bác.

Bản thân là một nhà báo, nhưng ông lại có xu hướng ít tiếp xúc với những nhà báo khác, nhất là giờ đây, ông cũng đã phần nào trở thành một nhân vật để họ tìm đến. Ông đôi khi tỏ ra phiền phức với những giải thưởng báo chí và cả danh tiếng từ những bài phê bình đủ thứ trên blog. Có lẽ tôi là một trong những phóng viên hiếm hoi có thể tiếp cận ông cho một bài phỏng vấn.

- Thôi, mình biết rồi! – Ông đưa tay chặn lại khi tôi mới đang dợm mở lời – Phỏng vấn chứ gì? Thằng Hải sếp cậu khôn lắm! Uống, uống nước đi rồi nói chuyện!

- Dạ vâng ạ! – Tôi đón lấy tách trà từ tay ông, thở phào vì không phải giải trình hết những điều đã chuẩn bị.

T.B vẫn kiệm lời như với bất kì phóng viên nào trước đây. Cho đến khi tôi hỏi tới một câu tưởng chừng chẳng có gì quan trọng.

- Vậy thưa chú, trong các phóng sự chú đã viết, chú nhớ nhất hay ấn tượng nhất với nhân vật nào ạ?

- Ừm… – Ông trầm ngâm – Có một nhân vật mình từng gặp, nhưng chưa từng viết phóng sự nào về nó cả.

- Dạ vâng, được chứ ạ! – Tôi bấm cây bút bi, dù máy ghi âm vẫn mở sẵn.

- Không phải người có được không?

- Dạ… cũng được ạ!

- Ừ… Trong đời viết báo của mình, mình nhớ nhất một… con chó.

- Con chó ạ?

- Ừ, một con chó xấu xí… Một con chó xấu xí khác…

* *
*

“Ấy là một buổi sáng mùa hè cách đây hai năm, khi tôi đang ngồi bên li cà phê sáng ở một quán lạ trên một con phố lạ trên đường đi thực tế cho loạt phóng sự kế tiếp. Mới đầu ngày thôi mà nắng đã khá gắt rồi, đoạn đường trước mắt tôi hẳn sẽ vô cùng đáng nản nếu như không phải tôi sẽ tới đó trong chiếc xe hơi mới, thành quả của nhiều năm lao động không ngừng nghỉ. Chiếc RAV sẽ đưa tôi đến nơi cần đến trong chốc lát, ngăn cách tôi với cái không gian oi bức bụi bặm bên ngoài. Không có gì phải vội lắm, tôi nghĩ mình có thể nán lại một chút ở nơi này. Quán café rộng rãi và thoáng đãng với toàn bộ nội thất gỗ, mùi cà phê rang xay ấm nồng trong không khí, lịch thiệp và tinh tế. Gác một cánh tay lên ô cửa sổ cạnh bên, tôi mơ màng ngắm những người phụ nữ đi chợ sáng đang râm ran trò chuyện, những bà mẹ vừa đút cho đứa con nhỏ từng thìa bột vừa làm đủ thứ trò cho chúng cười lên khanh khách. Con phố nhỏ cũng mang một dáng vẻ thân thiện trong một buổi sáng như thế này. Trong nghề, tôi tiếp xúc với nhiều hơn những mảng tối của xã hội, những câu chuyện thương tâm, những số phận u sầu, thành thử vẻ yên bình trong buổi sáng này khiến tôi cảm thấy nhiều phần được thư giãn, ít nhất là khi tôi đang chuẩn bị sẽ tới một chốn gần như là đối cực. Nhưng tâm trạng thư thái của tôi cũng chẳng kéo dài được đến thế. Đúng hơn là bị cắt phựt một cách sỗ sàng.

Trong tầm mắt của tôi qua ô cửa sổ quán café, xuất hiện một cô gái đang bước dần vào trung tâm của khung hình ấy. Thoạt nhìn, trông cô không khác mấy một người đang dắt chó đi dạo trong một buổi sáng an nhàn. Cô gái cũng gọi là trên mức ưa nhìn, gương mặt để mộc và mái tóc đen dài đôi chút xác xơ. Dáng người nhỏ nhắn gọn gàng trong chiếc áo sơmi kẻ caro và quần jeans. Có lẽ cô cũng sẽ không kém mấy những cô diễn viên mà đôi khi tôi vẫn bất đắc dĩ tìm đến để phỏng vấn, dù trong mắt số đông thì cô cũng bình thường như bao cô gái khác thôi. Mặt khác thì con chó cô đang dắt liệt vào hàng thảm hoạ cũng chẳng sai. Con chó khá lớn, đến độ ục ịch, cái đầu lúc lắc cao gần đến hông cô gái. Lớp lông trắng mỏng lơ thơ, lộ ra một vài mảng da loang lổ đỏ như bị tróc vảy, đôi tai dài ủ rũ và khuôn mặt đặc biệt chảy xệ lại được nối dài hơn bởi cái lưỡi đu đưa không chịu cất đi. Con chó xấu xí của Kim Lân có lẽ cũng chỉ đến thế này là cùng!

Cái cặp đôi cộc lệch ấy thu hút sự chú ý của tôi trong chốc lát, khi cả hai lững thững băng qua đường. Lúc ấy tôi mới để ý thấy vẻ thất thần nơi cô gái, đôi mắt cô nhìn thẳng về phía trước mà lại như đang không nhìn gì cả. Đến nỗi mà tôi phải thấy giống như con chó xấu xí đang dắt cô hơn là cô dắt nó. Hay là mắt cô gái này không nhìn thấy? Ý nghĩ đó đến khi tôi trông thấy cô gái cũng dừng bước khi con chó chợt đứng sững lại giữa đường. Và rồi trong mắt tôi, cả con chó và cô chủ nó chợt trở nên xấu xí hơn lúc nào hết. Ấy là khi con chó bắt đầu kiễng chân sau, cong mông, vểnh đuôi lên rồi điểm nhiên phóng uế ra ngay chỗ nó đứng, tức là ngay giữa đường, ngay giữa đường. Xong xuôi, nó lại điềm nhiên hếch đuôi dắt cô chủ nó đi tiếp. Mà mắt cô ta sáng đấy chứ, bằng chứng là cô vừa mới khẽ nhấc cao chân bước qua những khối phân khô mà con chó của cô vừa mới bậy ra, với vẻ lơ đãng đến dửng dưng. Cái đống chất thải chó ấy điềm nhiên nằm chềnh ềnh ngay chính giữa ngã ba nơi con phố nhỏ đâm ra phố lớn, chính giữa khung hình tôi đang thu lại lúc ấy. Một con chó xấu xí và một người chủ vô ý thức. Cảm thấy tức giận khủng khiếp, tôi đứng dậy gọi thanh toán rồi trở ra xe.

Quay trở lại lộ trình mà vẫn chưa hết bực tức, tôi nhận ra cô gái và con chó xấu xí đang đứng trước cửa một chiếc xe bus. Có vẻ như cô gái không thể lên xe vì con chó. Cũng phải thôi, ai mà biết được lúc nào nó sẽ lại nổi hứng trưng dụng xe bus làm nhà cầu, như nó đã làm với góc phố yên bình của tôi. Chiếc xe bus nhận và trả khách xong lại phóng đi, để lại cô gái với đôi mắt như đang rưng rưng. Lộ trình chiếc xe ấy cũng trùng với lộ trình dự định của tôi hôm nay. Tôi lái xe lại chỗ cô, định bụng sẽ tiện thể nhắc nhở cô về ý thức với cộng đồng và vệ sinh môi trường.

- Em gái ơi – Tôi kéo cửa kính xe xuống, cất tiếng gọi – Giờ em đi đâu?

- Dạ – Cô gái ngẩng lên, nhìn tôi dè ngại – Cháu đi sang Đông Anh ạ.

- Chỗ nào Đông Anh?

- Dạ, nhà giam B14 ạ – Cô lí nhí, phải chú ý lắm mới nghe ra được.

“Ra thế! Bảo sao…”, chẳng hiểu sao tôi lại có cái ý nghĩ đó. Tôi chép miệng, bấm nút mở cửa sau.

- Chẳng xe bus nào cho thú nuôi lên đâu. Lên đây đi, chú cũng đang định đi sang đấy đây!

Cô gái chần chừ, rồi cũng rón rén lại mở cửa sau xe tôi, rón rén bước lên. Hẳn là vẻ trí thức đường hoàng và mái đầu đã pha muối tiêu của tôi cũng gây được lòng tin nơi cô. Con chó ngẩng lên nhìn theo cô chủ một giây, rồi cũng điềm nhiên nhảy lên xe, bốn chân cào cào vu vơ xuống sàn xe. Tôi nhíu mày khi nhìn lên gương sau, tôi đâu có muốn con chó xấu xí này làm bẩn xe mình cơ chứ! Như thể nhận ra điều đó, cô gái khẽ mắng con chó:

- Nào, Ghẻ! Không được làm bẩn xe của bác!

Ra con chó tên là Ghẻ, cái tên cũng hợp với nó đấy, tôi gật gù. Con chó chừng như cũng nghe ra, nó ngừng cào mà chuyển sang gác đầu lên đùi cô chủ, nhễu dãi lên lớp quần jeans của cô.

- Sang B14 thăm ai à? – Tôi hỏi, cốt cho có chuyện, chẳng phải cứ thế mà lên lớp người ta về chuyện vi cảnh được.

- Dạ, cháu thăm anh trai cháu – Ngừng một chút, cô sửa lại, giọng càng lúc càng khẽ – Tiễn anh cháu ạ.

Thì ra là thế. Tôi thở dài rồi cũng không hỏi thêm gì nữa. Có lẽ tôi biết cô gái này đang nói về ai. Ở tuổi có thể là anh trai của cô mà lại chuẩn bị thụ cái án cao nhất ấy chỉ có một người thôi. Tuổi đời còn rất trẻ nhưng hắn cũng đã nhúng mình rất sâu vào tội ác rồi. Buôn ma tuý, chống đối người thi hành công vụ, cướp của, giết người. Trong cuộc vây bắt sau cùng cái băng đặc biệt nguy hiểm ấy, một chiến sĩ trẻ đã hy sinh. Chỉ một nửa trong số những tội trạng ấy thôi cũng đủ để đưa hắn ra pháp trường rồi. Cướp đi tương lai của bao người trẻ khác, hắn phải đánh đổi bằng chính tương lai của mình. Luật đời là vậy.

Thoạt đầu, người cảnh vệ trước cửa nhà giam B14 tỏ ý không cho phép chúng tôi vào trại, cũng bởi vì con Ghẻ của cô gái. Không nỡ để cô đứng ngoài trời nắng, tôi phải gọi cho trung tá C., khi ấy đang là người phụ trách chính ở B14. Tôi có quen biết anh sau một vài lần đến đây viết về đời sống phạm nhân.

- Vâng, anh chờ tí em xuống đây!

Chúng tôi được vào cổng ngay sau đó, nhận ra trung tá C. đã đang đứng chờ ở bãi xe rồi. C. bắt tay tôi nồng nhiệt, đoạn gật đầu với cô gái. Tôi thoáng thấy con chó nghiêng nghiêng đầu tỏ vẻ thắc mắc. C. mời tôi lên văn phòng uống nước, trong khi để chủ tớ con Ghẻ ngồi chờ ở phòng ngoài.

- Cái thằng ấy, em nhớ rõ lắm – C. vừa rót nước mời tôi vừa kể – Vào trại làm tử tù mà mặt cứ lạnh tanh. Nó hay nói chuyện đùa, nhiều khi buồn cười bỏ mẹ! Hỏi nó có tâm nguyện gì không, nó bảo muốn gặp con chó ghẻ một lần cuối. Chẳng ai hiểu là gì!

Tôi giải thích cho C. Ghẻ là tên con chó mà em gái kẻ tử tù dẫn theo. Anh gật gù ra chiều thấu hiểu rồi hạ giọng bảo tôi.

- Thằng ấy nó điên rồi anh ạ! Lúc nào em cũng cảm giác mấy thằng giết người như ngoé như nó chắc là điên hết rồi! Giờ thì… có em gái mà không muốn gặp, chỉ đòi gặp con chó! Mẹ nó, điên hết rồi…

Lát sau, người tủ tù được đưa ra gặp người thân lần cuối trước sự chứng kiến của tôi và mấy người cán bộ. Hắn có một gương mặt xương xẩu, ánh mắt ráo hoảnh, sắc lạnh đủ làm gai người những ai đối diện. Tôi biết hắn còn trẻ, nhưng hàm râu để lâu ngày không cạo đã giấu điều đó đi.

- Thanh đấy à? – Nhận ra em gái, kẻ tử tù cất tiếng – Có đưa con Ghẻ theo không?

Cô em gái gật đầu, nước mắt đã lưng tròng. Con Ghẻ nhận ra chủ, vội chạy ào đến, gác chân lên bàn mà sủa váng lên mừng rỡ. Vừa sủa nó vừa dộng đầu vào lớp kính ngăn, chừng như muốn đập vỡ ra mà đến bên chủ nó. Thấy vậy, cậu thiếu uý hộ tống chúng tôi quay sang bảo người quản giáo.

- Đồng chí cho phạm nhân ra gặp người thân đi!

Chúng tôi được hướng dẫn sang một phòng khác, căn phòng không có lớp kính ngăn. Cả hai bên vừa vào phòng từ hai phía, con Ghẻ bỗng trở nên thật sung mãn, nó giật tung sợi dây buộc cổ trên tay cô gái, nhào về phía người anh. Kẻ tử tù dang tay đón nó vào lòng, con chó vẩy đuôi rối rít, chồm cả hai chân trước lên vai hắn, hú lên những tiếng oẳng oẳng nửa như tiếng gọi, nửa như tiếng khóc.

Vẻ mặt người tù bỗng trở nên ấm áp, hắn cười sung sướng, độ lượng với cái lưỡi con chó đang liếm láp khắp mặt. Hình như hắn định nói gì với con chó nhưng không nói được vì nhột. Tiếng oẳng oẳng của con chó hoà với tiếng cười của người tù vang lên không dứt. Bên cạnh tôi, cô em gái oà khóc. Con chó xấu xí này, nó không hiểu luật đời. Tôi nghe mắt mình cũng cay cay.

Vừa hội ngộ vừa tiễn biệt, một người một chó quấn lấy nhau trong nhiều phút đồng hồ. Rồi chừng như thấm mệt, con chó dụi cái đầu dài chảy xệ vào vai người tù, trong khi hắn ôm lấy nó, vỗ nhè nhẹ lên lớp da loang lổ. Ngẩng đầu lên, hắn nhìn cô em gái, giọng trầm lặng:

- Nhớ cho con Ghẻ ăn đầy đủ, đừng để nó nhịn ăn!

Cô gái một lần nữa chỉ im lặng mà gật đầu.

Rồi thời gian cho buổi gặp người thân lần cuối cũng kết thúc. Con chó rên lên ư ử, bốn chân bám chặt lấy mặt đất khi bị kéo đi ra khỏi phòng. Kẻ tử tù dừng chân nơi ngưỡng cửa bên kia, quay lại nói với nó:

- Ghẻ, về đi! Mấy hôm nữa tao về!

Dứt lời, hắn quay lưng, khuất bóng sau cánh cửa sắt. Con Ghẻ hú lên một hồi dài sau chót…”.

* *
*

- Thế rồi sau đó thế nào hả chú? – Tôi hỏi, giật mình nhận ra B. đã ngừng kể được một lúc rồi.

- Mấy hôm sau thì cậu ta ra pháp trường, mình cũng không quay lại đó nữa nên cũng không biết gì hơn.

- Thế còn con chó ạ?

- Mình có đến nhà thăm cô Thanh một lần – Ông thở dài – Nghe kể con chó về kiên quyết không chịu ăn gì, cứ nằm ở cửa ngóng chủ nó về. Nó chết ngay đêm ngày thi hành án.

- Ôi… – Tôi thốt lên, chẳng biết nói gì hơn.

- Con Ghẻ chết rồi, mình mới tự thấy là…

- Sao hả chú?

- Là chính mình mới là kẻ không hiểu luật đời…

Ông ngẩng lên khỏi câu chuyện với tôi, đôi mắt hấp háy nhìn ra cửa sổ. Tôi nhìn theo ông, chẳng hiểu sao lại cảm thấy đám mây đang trôi ngoài ấy trông giống một con chó ục ịch với khuôn mặt chạy xệ.

8/7/2014

Con chó xấu xí khác ảnh 1Dưới đây là một truyện ngắn rất gợi mở và không hề lên gân, dù động chạm đến những “vấn đề” to tát: Thế giới bí ẩn trong tâm hồn con người; Đạo đức; Pháp luật… Nhân vật là một con chó, nhưng là câu chuyện người trăm phần trăm. Cái khéo nằm ở đây.

Nhật Phi tên thật là Đỗ Minh Quân, sinh năm 1991, hiện là sinh viên năm cuối chuyên ngành Thương mại Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương. Viết chưa nhiều, nhưng anh đã kịp đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác văn chương “Văn học tuổi 20” 2014. Hy vọng vinh quang đến sớm không trở thành cản trở với nhà văn trẻ.

L.A.H

MỚI - NÓNG