Cô giáo Sao Mai

TP - Cơ ngơi của Sao Mai, giáo viên tiếng Anh trường trung học X, không một giáo viên nào không ao ước.
Cô giáo Sao Mai ảnh 1

Minh họa: Huỳnh Ty

Mấy giáo viên tập sự thích nhất cái sân nhà cô tổ trưởng bộ môn. Đủ cho tất cả các loài hoa. Hồng, thược dược, phong lan. Trong năm mươi mét vuông nối sân và nhà ở là hai mươi bộ bàn ghế, gian này mới là nơi thật sự làm ra của cải, và lấy đi của cô nhiều nước miếng nhất trong sự nghiệp giáo dục. Mười năm trong nghề, nhưng thực ra cô dạy ở nhà gấp ba thời gian ở trường. Một đến ba giờ một ca, ba đến năm ca nữa, bẩy đến chín là ca cuối trong ngày. Anh văn sáu bảy tám chín cô nhai mười năm nhân ba, nhuyễn như cháo cúng thí.

Sao Mai tinh thông bộ môn lên hàng thượng thượng. Cái chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện là một minh chứng rõ nét. Và để có được nó, cô đã phải tham dự những ba năm. Vô lí mà một lô một lốc giỏi cấp trường mà khuyết cái huyện sao? Tất nhiên rồi, cứ một bài mà hát đi hát lại không ngưng nghỉ buộc phải tinh, mà tinh luôn đi với vinh như ông bà dạy. Đâu khơi khơi mà có, Sao Mai đã phải chiến đấu dữ lắm mới tồn tại, lơ mơ và không thông chữ biết, theo ý nghĩa khôn chết dại chết biết sống dễ mà ra hôm nay.

Cô vô xứ nầy với tấm bằng cao đẳng khoa tiếng Anh. Nó chỉ không ngon lành ở cái hệ. Khi đi xin trường để tham gia giảng dạy, ba từ hệ tại chức nên mấy trường ở thị trấn, hoặc mấy xã trên lộ nhựa, đều khéo léo:

- Cô thông cảm, trường đủ giáo viên bộ môn rồi.

Gần hết hè mà vẫn không tìm đâu ra nơi để không ăn nhờ. Ông cậu e hèm:

- Mi vào trong sông tau giới thiệu cho, Hiệu trưởng trong nớ là bạn tau. Xem như dạy tạm niên khóa ni, qua năm rồi tính tiếp.

Sao Mai phải khăn gói vô sâu xa. Đường sá nhìn là khỏi nhớ quê hương xứ sở. Cả thầy bà cũng đen nhẻm đen nhèm, trường lớp thì như câu đối của thầy Cao nhà trống ba gian một thầy, một cô, một chó cái. Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi. Muốn qua sông phải đi đò, Sao Mai tưởng vào Nam ngon lắm, ai ngờ vẫn khói lam chiều dàn mướp lá lên xanh, đành ngâm câu một duyên hai nợ âu đành phận. Trước mắt là vậy rồi sau tính tiếp.

Là cái trường này đây. Lúc ấy phôi thai lắm, một lớp chín, hai lớp tám, ba lớp bảy, bốn lớp sáu. Sao Mai được nhận vì, một là, mười lớp mà chỉ có hai ông già dạy tiếng Anh với tư cách hợp đồng. Hai là, cô có cái bằng còn hai ông kia không một mảnh lận lưng. Tuy bằng cấp, nhưng học kiểu nghe qua phát thanh, tương đối khâu ngữ pháp nhưng phát âm cô chệch choạc, chẫu chàng lắm. Hai tay già hỏi vài câu xã giao, có câu cô không luận nổi để trả lời. Tuy nhiên họ không chấp mà chậc:

- Nay không giỏi, mai giỏi. Nay không hiểu, mai hiểu, nghề dạy nghề lo gì.

Anh văn có ba người nên ra một tổ. Tấn, người già nhất được phân làm trưởng nhưng ông lắc đầu, ông trẻ hơn tên Tùng cũng lắc, nói:

- Cứ để cô Sao Mai làm tổ trưởng Anh văn, dù gì cô ấy cũng có cái bằng.

Vậy là cô ra tổ trưởng.

Cô đến khổ với hai cha nội già nầy. Vì họ giỏi. Cả hai đàm luận với nhau bằng tiếng Anh như hành vân lưu thủy. Sợ nhất tiết dự giờ để đánh giá tiết dạy. Họ thông cảm vì cô chưa qua sư phạm, chưa có kinh nghiệm đứng lớp, nhưng họ chê thẳng cánh khâu phát âm của cô. Không tiết nào cô được đánh giá khá, chỉ trung bình là hết mức. Chán quá, cuối niên khóa cô lại tiếp tục đi ra phố kiếm chỗ dung. Buồn thay. Có lẽ cô có duyên với sâu xa.

Hai tay già thì kiếm thêm tí chút khoản kèm cặp. Sao Mai nẩy ra ý định dạy thêm (vì không ai thuê kèm). Họp giáo viên toàn trường, Tùng nói:

- Tôi nghĩ là thầy Hiệu trưởng nên đình chỉ việc dạy thêm của các thầy cô trong trường vì dạy thêm dứt khoát sẽ phát sinh tiêu cực.

- Thế thầy và thầy Tấn dạy kèm thì sao? - Một giáo viên Toán hỏi.

- Kèm và thêm hoàn toàn khá xa nhau. Chúng tôi kèm cho những người cần tiếng Anh cho một mục đích khác. Thầy dạy thêm là thêm cái gì, xin phân tích cho tôi nghe.

- Thầy không thấy có những học sinh…

- Tôi thấy hết và thấy rõ nữa là khác, nhưng thầy cứ dạy cho hết bài trong tiết, đừng dạy làng nhàng rồi dùng áp lực bắt học trò học thêm chỉ vì tiền.

- Thầy nhầm rồi, tôi dạy thêm cho học trò yếu và không nhận thù lao.

- Đó là thầy nói, còn tôi và cả thiên hạ không ai có công mà không cần lộc. Dạy thêm đã và sẽ bị học trò coi thường. Khi một thầy cô giáo bất kì nào nhận tiền từ tay học trò, đã mặc nhiên xem như bán chữ, trong một chừng mực nào đó, trò đã hóa thành chủ. Và người nhận tiền, tuy không tớ nhưng suy ra cũng bằng. Tôi mong các vị hiểu cho?

Các thầy cô đang cải thiện đời sống bằng cách thêm bực lắm. Nghề giáo biết làm chi với tay trái? Xã hội luôn nhìn với đôi mắt kính nể. Không thể đưa vai và lưng để làm việc bình dân. Đồng ý không có nghề chi xấu, nhưng mà… Hiệu trưởng lên tiếng: 

- Lương ngành của chúng ta nói chung là thấp, rất thấp. Trường ngơ cho các thầy cô kiếm thêm. Tôi mong các thầy cô hãy để yên việc nầy, tương lai chắc chắn sẽ có quyết định tối hậu của cấp cao. Theo tôi thì việc dạy thêm cũng không có gì xấu, nó giúp cho học sinh tiến bộ hơn.
Tấn cười nhạt: 

- Tôi đồng ý rằng thêm không xấu, nếu thầy cô đó trong sáng, và phải thêm một cách có lương tâm. Tôi chắc thầy Hiệu trưởng cũng có nghe tới một vài thầy cô dùng thủ đoạn như mắng mỏ, ai không học thêm là sẽ có vấn đề, đến nỗi đã có lời ong tiếng ve từ phía phụ huynh và cả học sinh nghe đau lòng lắm. Và đau lòng là chuyện nhỏ, học trò sẽ mất niềm tin vào thầy cô mới là vấn đề lớn. 

Cuộc họp có phần căng thẳng. Tất cả yêu cầu Tấn nêu đích danh kẻ tiêu cực, nếu không Tấn là kẻ đầu têu phá hoại tính đoàn kết nội bộ. Tấn cười:

- Tôi có đủ chứng cứ để đích danh những kẻ tiêu cực trong vụ thêm thắt này. Nhưng lúc ấy các vị sẽ đòi tôi cung cấp những phụ huynh, học sinh nào đã phản ảnh, và chắc chắn sẽ có hậu quả cho học sinh đó, vì vậy, tôi xin từ chối đích danh ai. Tôi chỉ khuyên các bạn là đừng làm mất niềm tin của học trò bởi ba đồng bạc mọn, phải hiểu rằng, điều đó tai hại lắm. Nhân đây tôi cũng thông báo cho ban giám hiệu là tôi xin ngưng hợp đồng. Bắt đầu từ hôm nay.

Một tháng sau Tấn nghỉ. Niên khóa kế Tùng cũng theo chân. Một bằng C Anh văn khác xin hợp đồng, phòng Giáo dục điều về hai giáo viên khác. Đương nhiên Sao Mai trở thành lão làng của bộ môn.

Ai cũng biết rõ, rất rõ, năm này đến năm khác, cả ty tỷ lời ong tiếng ve cho thêm thắt, có cả cấm luôn. Thoạt tiên Sao Mai cũng sợ. Nghĩ dùm đi, lương hiện tại, sâu xa nên thêm phụ cấp đắt đỏ tổng bốn triệu. Trong khi đó, mỗi lớp cô dạy thêm ba mươi em, mỗi em hai trăm nghìn một tháng (tuần hai buổi) là sáu triệu. Cô có sáu lớp thêm như vậy, là bao nhiêu? Không cho dạy, lương có thêm mười triệu một tháng cô cũng không ham. May quá, nói cấm nhưng làm sao cấm. Cấm là giáo viên bỏ lớp liền.

Ủa mà sao cô có nhiều lớp dạy thêm vậy? Thì đó, cô dạy hai lớp sáu và hai lớp chín. Mấy cô giáo kia nếu muốn thêm như cô phải giới thiệu học trò qua, bằng không, dạng mới về trường dù anh chị có tốt nghiệp cỡ nào, muốn biên chế, phải hợp đồng trước đã, và trong thời gian ấy, phải thật sự giỏi mới được tổ trưởng bộ môn đề nghị. Muốn giỏi ư? Phải biết. Khôn cũng chết mà dại thì phải chết.

Thấy Sao Mai không? Chỉ có cái tại chức. Vậy mà cô bình như vại suốt từ bấy nay, vì cô biết. Cô biết vợ thầy Hiệu trưởng cần chi, nhà cô Hiệu phó chuyên môn thiếu tiện nghi gì. Trên tất cả cô biết ai cũng thích nghe lời nói nịnh. Quan trọng là phải biết nói làm sao để lọt đến xương cùng.

Vậy mới nên nhà nên cửa, nên nhiều thứ lắm. Thậm chí đến chồng, tuy chỉ bảo vệ trường, nhưng học trò vẫn gọi thầy nầy thầy nọ.

Nhưng Sao Mai không vui. Cô buồn. Rất buồn. Sợ. Rất sợ và hằn học nữa.

* *
*

Nhà cửa, tiền tài, địa vị, thiếu cái chi mà tâm trạng thế?

Sao Mai hối không kịp khi lấy một nát rượu làm chồng. Thực ra thì chồng cô mới bê tha đây thôi. Trước, Minh cũng đàng hoàng lắm. Sao Mai thuận là vợ Minh đồng nghiệp lắm kẻ bĩu môi. Họ chê gì nhỉ? Có gì đâu, cái thói đạo đức giả đâu cũng có, ai cũng cho rằng không nghiệp chi xấu trừ bán trôn nuôi miệng, nhưng chả thần tiên nào thích bằng hữu với ma quỷ. Trí thức ít ai hạ mình chơi với ít chữ. Bảo vệ trường sánh duyên cùng cô giáo ư? Chính Sao Mai còn có cảm giác hạ mình nói chi ai.

Thực ra Sao Mai cũng thích lắm một bờ vai để tựa, khốn nổi, nhan sắc cô dạng tầm tầm, không động đậy một trái tim si nào. Minh thất nghiệp, tán tỉnh trăng gió cho vui. Ngờ đâu duyên bén quá nên đá vàng trọn kiếp. Sao Mai hết cái cô đơn ngồi đếm tiền một mình. Lấy nhau rồi cô xin chân bảo vệ cho chồng. Bảo vệ ư? Nhàn lắm. Đánh trống chào cờ, trống vào lớp, trống tiết, trống ra chơi, đi loanh quanh và đời không mỏi mệt. Nhàn nên Minh lai rai đôi sợi. Chuyện nhỏ thôi mà, đôi khi thầy giáo còn có mùi hèm nói chi bảo vệ. Tuy nhiên người ta rượu lễ rượu nghĩa, còn Minh luôn hò ra tới Huế.

Và nếu chỉ chừng đó thì Sao Mai cũng có thể cho qua, vì đời ai chả có một cái gì đó để mê. Nhưng Minh cũng như bao kẻ vì rượu khác trên đời. Tự ái lắm khi bè bạn nói mày được vợ nuôi. Trước, họ xa xôi về những cái không hay không phải của những thầy cô dạy thêm. Sau, chắc là do rượu, họ bảo con vợ mày cũng chẳng tốt lành gì. Nhà tao chạy gạo chết mẹ mà không học thêm con vợ mày, tức cô Sao Mai ghẻ lạnh, thậm chí sỉ nhục con tao trên lớp. Minh nghe mà chả chống chế chi được. Anh ta văng tục, chửi thề. Cô nhịn, Minh lấn tới. Bức bối Sao Mai cự lại, hắn bạt tai vô mặt vợ. Đỉnh điểm, cô vất ra cái giấy li hôn yêu cầu Minh kí. Giáo viên mà đi đến quyết định như thế là cực đoan lắm, nhưng cả thiên thần cũng bó tay nếu bay trong hỏa ngục.

Nhưng rồi cô phải tự tay xé tờ li hôn dù phải viết lại những ba lần. Lần thứ nhất, Minh xé bỏ kèm ỉ ôi năn nỉ. Lần thứ hai, lần thứ ba. Nhưng đến lần thứ tư Minh kí. Anh ta cười khẩy:

- Mày - Minh gọi vợ bằng mày - tưởng tao hèn lắm sao? Sống với mày vinh lắm chắc?

- Không lẽ nhục?

- Chính xác là rất nhục. Mày tự đóng khung vào trong cái vỏ trí thức rởm, đâu có biết bên ngoài kia, thiên hạ nói gì về bản thân mày.
- Anh đi nghe thiên hạ, thì lấy của thiên hạ mà nhậu.

- Tao sẽ nhậu bằng cái của tao làm ra, hơn là ăn cái của mày.

- Của tôi thì sao?

- Của cô ấy à? Cô có nghe thiên hạ nói sao không? Họ bảo cô là con đỉa rút máu học trò. Đứa nào không học thêm cô đì bằng cách mắng mỏ ngay tại lớp vì dốt, cô dạy thêm bằng cách dạy trước cái sẽ học, người ta bảo cô không có lương tâm. Làm giáo viên mà bị đánh giá không có tâm cô nghĩ sao?

- Anh biết gì về Tâm mà lớn giọng? Tâm của anh là ba giọt rượu và cái vũ phu kìa.

- Tôi không nói tôi mà tôi đang lặp lại lời thiên hạ nói về cô và những thầy cô giáo dạy thêm khác. Họ và cô không xứng để học trò noi theo.
- Chúng tôi dạy thêm không bất hợp pháp, thiên hạ ghen ăn tức ở, mặc kệ họ.

- Những ông thầy bà cô dạy thêm kia thì không nói, riêng cô thì khác đấy.

- Tôi thì sao?

- Vì bằng cấp của cô là bằng mua…

- Cái cao đẳng của tôi mà mua à? Anh nghe ai nói thế?

- Tôi không nói cái cao đẳng, tôi nói cái bằng sư phạm của cô, cô qua sư phạm lúc nào mà có để vô biên chế? Bà Vân hiệu trưởng cũ tuy hưu, nhưng chưa chắc đã yên đâu. Cô liệu hồn đấy. 

Sao Mai rúng động. Nhưng cô tự trấn an mình, dễ gì người ta biết để truy. Mà nếu có truy thì sẽ bể ra từng cụm dây mơ rễ má, họ sẽ bưng lại cho kín. Không sao, trong ngành dễ gì họ giết nhau, ừ dễ gì…

Cô bâng khuâng nghĩ tiếp. Lỡ bể ra thì sao nhỉ? Rõ cái bằng của cô không biết từ đâu mà hiệu trưởng cũ có để giúp cô. Hiệu trưởng có thể không sao, vì đã hưu rồi. Nhưng còn cô? Chuyện truy căn đâu có khó. Cô bị đuổi khỏi ngành là cái chắc.

Sao Mai sợ. Ai cấm được gã say bên chén rượu huỵch tẹt chuyện nầy. Nó sẽ lọt tai mấy kẻ đố kị trong trường, một lá đơn có chữ kí của vài giáo viên đề nghị xem lại tất cả các cái về cô là sạch.

Cô xé bỏ tờ đơn li hôn mà khó khăn lắm gã chồng mới kí. Đành thôi vậy. Nhịn một tí cũng chẳng chết. Không lí là chồng mà nó đi khai chuyện không phải để sụp đổ sự nghiệp của vợ sao? Cô giận dữ chửi thầm:

- Đồ súc sinh.

Nhưng súc sinh không chịu, gã viết lại tờ đơn li hôn. Sao Mai thật sự ngạc nhiên. Cô hỏi:

- Anh muốn gì?

- Tôi muốn cô bỏ cái vụ thêm bớt đi, bằng không chúng ta chia tay nhau.

Nguyễn Trí có tài dẫn chuyện. Câu chuyện của anh đầy hứng khởi bon bon với những đoạn đường bằng phẳng vi vu gió. Bỗng thoắt lạng lách tăng tốc với những khúc cua điệu nghệ bất thần. Rồi anh nhẹ nhàng hất ngược lên núi, đưa người đọc vào chốn âm u ẩn giấu kỳ hoa dị thảo. Bất chợt, chuyến đi dừng lại khi du khách vẫn còn nuối tiếc. Nhìn lại, tác giả đã bất thần đổ đèo, xe dừng phắt lại giữa mênh mang thung lũng gợi mở. Truyện ngắn dưới đây chính là một kiểu rất Nguyễn Trí. 

L.A.H

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.