Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với GS.TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ủy viên Hội đồng tư vấn kinh tế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Không đổi mới, không thể phát triển
Khi thảo luận về Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng, nhiều ý kiến cho rằng, Đại hội Đảng lần thứ XII tới đây cần phải đổi mới mạnh mẽ thì mới tạo ra “lực đẩy” cho phát triển. Nếu không đổi mới mạnh mẽ thì chúng ta rất dễ bị tụt hậu. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Năm 1986 chúng ta đã đổi mới mạnh mẽ, xóa bỏ cơ chế quản lý theo kế hoạch, mệnh lệnh, tập trung, bao cấp để chuyển sang nền kinh tế hàng hóa. Công cuộc đổi mới thời đó cũng rất khó nhưng cuối cùng cũng đem lại những thành công nhất định.
Bây giờ, chúng ta đang đứng trước những bối cảnh rất mới. Sức mạnh của những ý tưởng, những đột phá trong đổi mới của Đại hội VI đề ra chúng ta đã thực hiện hết rồi, không còn khả năng tạo ra “lực đẩy” cho sự phát triển nữa. Chúng ta giờ đây đứng trước sự lựa chọn là: Nếu không tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ như tinh thần của năm 1986 thì không thể phát triển, thậm chí có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp; nhưng nếu đổi mới thì đổi mới theo hướng nào, đổi mới cái gì, đổi mới bắt đầu từ đâu? Đó là những điều phức tạp mà chúng ta phải giải quyết.
Chúng ta đưa thủ khoa về mà chỉ bố trí cho họ làm nhiệm vụ bưng bê, pha trà, rót nước thì ai người ta về… Đấy chính là nút thắt của sự phát triển và chúng ta cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, nếu không người tài, người giỏi sẽ lại ra đi hết.
GS. TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Ủy viên Hội đồng tư vấn kinh tế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Qua nghiên cứu, thảo luận về các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII, tôi thấy có những tư tưởng, định hướng hết sức quan trọng. Trong đó Dự thảo Văn kiện đề cập rằng: phải đổi mới thể chế kinh tế thị trường theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Đây là những điều rất đúng và trúng. Nhưng vấn đề đặt ra là hiện đại như thế nào? Hiện đại như các nước phát triển hay hiện đại như theo ý của chúng ta, theo mong muốn của chúng ta? Cái này Văn kiện chưa nêu rõ. Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, hiện đại có nghĩa là phải lựa chọn những thể chế kinh tế, xã hội… tiên tiến nhất để chúng ta thực hiện.
Nhưng lựa chọn được cái “hiện đại” không phải là chuyện dễ. Vậy có cách nào để chúng ta thực hiện được mục tiêu này không thưa ông?
Hiện đại phải hiểu theo nghĩa là áp dụng những thể chế kinh tế, xã hội… tiên tiến nhất trên thế giới và những thể chế đó phải được thử nghiệm thành công trong một khu vực nào đó của nước ta rồi mới áp dụng rộng rãi. Thực tế cho thấy, trong công cuộc đổi mới năm 1986 rồi tiếp đó là năm 1991, chúng ta cũng phải trải qua rất nhiều thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm thành công rồi mới áp dụng, nhân rộng.
Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu xây dựng các đặc khu kinh tế như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong… Đây là những đặc khu dự kiến sẽ áp dụng những cơ chế đặc thù, có tính chất khá riêng biệt. Chúng ta hãy chọn những nơi đó để thử nghiệm những thể chế kinh tế, xã hội… theo hướng hiện đại, hội nhập. Nhìn sang Trung Quốc, chúng ta thấy, người ta cũng thử nghiệm các thể chế mới ở các đặc khu sau đó mới nhân rộng ra cả nước. Bây giờ họ cũng tiếp tục thử nghiệm các thể chế. Con đường đi như thế tôi nghĩ là sẽ hợp lý hơn.
Trì trệ vì bộ máy thiếu người tài
Nếu có đổi mới thì nên đổi mới bắt đầu từ khâu nào, thưa ông?
Đó là trọng dụng nhân tài. Không có gì quan trọng hơn bằng việc trọng dụng nhân tài. Lịch sử của các quốc gia phát triển trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc cho thấy, chỉ có trọng dụng nhân tài mới tạo ra sự đột phá cho sự phát triển của quốc gia.
Tuy nhiên chính sách trọng dụng nhân tài của chúng ta hiện nay đang rất có vấn đề. Chúng ta muốn có chính sách tốt, có người thực thi tốt thì dứt khoát trong bộ máy của Đảng, Nhà nước phải có nhiều nhân tài. Có nhân tài thì mới đề xuất được những giải pháp, cơ chế chính sách tốt, chứ người bình thường khó làm được.
Hiện nay nhân tài ở nước ta không thiếu nhưng trọng dụng thì chẳng được bao nhiêu. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế… dẫn đến người tài không có chỗ đứng, không có nơi để phát huy năng lực. Đây chính là lí do làm trì trệ sự phát triển của đất nước.
Nhưng làm thế nào để trọng dụng được nhân tài khi mà cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ đang có quá nhiều bất cập như ông nói?
Chúng ta phải nhìn vào lịch sử trọng dụng nhân tài của cha ông mà học tập. Ngày xưa cứ đi thi, cứ đỗ thủ khoa là được phong Trạng nguyên, Thám hoa, bổ làm quan dù tuổi đời còn rất trẻ. Những ông quan trẻ tuổi đấy thực tế đều làm rất tốt công việc được giao. Còn thời nay chúng ta có dám làm như thế không? Chúng ta cũng cần phải tự tổng kết xem có bao nhiêu người tài, người giỏi vừa qua vào làm ở bộ máy công chức nhà nước? Nói thật là rất ít.
Nguyên nhân là do chúng ta chưa biết trọng dụng, chưa biết phát huy năng lực của họ. Chúng ta đưa thủ khoa về mà chỉ bố trí cho họ làm nhiệm vụ bưng bê, pha trà, rót nước thì ai người ta về… Đấy chính là nút thắt của sự phát triển và chúng ta cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, nếu không người tài, người giỏi sẽ lại ra đi hết. Tôi hy vọng rằng, Đại hội Đảng lần thứ XII tới đây sẽ có những giải pháp đột phá, đổi mới mạnh mẽ trong công tác trọng dụng nhân tài, cũng như đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Có như thế mới tạo ra “lực đẩy” giúp đất nước phát triển một cách mạnh mẽ.
Cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa, Xã hội (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam)
Lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm
Năm 1986, kinh tế chúng ta xuống đáy rồi, đời sống quá khổ, không đổi mới, không phát triển kinh tế nhiều thành phần thì không thể phát triển. Tuy nhiên, tại thời điểm đó và sau này, Đảng cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, đổi mới chính trị sẽ từng bước cho phù hợp với kinh tế. Đến bây giờ thì đổi mới chính trị phải đồng thời với đổi mới kinh tế thì mới đồng bộ. Trong đổi mới chính trị, thể chế, tôi nghĩ rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác lựa chọn cán bộ. Bởi có chọn được cán bộ tốt, có năng lực, tiêu biểu thì đất nước mới phát triển. Chọn cán bộ không chỉ sạch mà còn phải là người dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nếu chỉ chọn cán bộ tốt, nhưng lại không dám làm, không dám quyết rồi sợ động chạm thì chẳng bao giờ tạo ra sự đột phá để phát triển.ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Không để cán bộ “vít” doanh nghiệp
Sau 30 năm, những động lực tạo ra sự đột phá trong đổi mới đến nay đã bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm, thậm chí có dấu hiệu kìm hãm sự phát triển nên cần đổi mới mạnh mẽ để vượt qua. Bên cạnh đó, do lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đổi mới về kinh tế, thiếu đổi mới yếu tố con người dẫn đến rất bất cập.Vì thế, con người, bộ máy lần này phải được bố trí, sắp xếp lại. Đất nước trong giai đoạn này cần những con người có phương pháp điều hành mới, ý thức trách nhiệm mới. Đã là cán bộ thì phải biết phục vụ dân, phục vụ doanh nghiệp. Có phục vụ tốt thì mới tạo ra động lực giúp người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chứ đội ngũ cán bộ, công chức mà thiếu trách nhiệm thì sẽ “vít” mất cơ hội làm ăn, phát triển kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đổi mới được điều này không phải là điều dễ vì bộ máy và thái độ phục vụ đó đã bám chặt khá lâu, thậm chí ăn sâu vào nhận thức của không ít cán bộ, công chức. Vì thế phải có tinh thần đổi mới mạnh mẽ như Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 thì mới có thể tạo ra sự thay đổi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
V.K