Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2:

Coi bệnh nhân như người thân

Lương y như từ mẫu. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Lương y như từ mẫu. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, GS.TS Nguyễn Viết Tiến (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế đã dành cho phóng viên Tiền Phong cuộc trao đổi khá cởi mở về những trăn trở của ông với việc khám chữa bệnh cho người nghèo, những sự cố nghề nghiệp, việc thực hiện y đức và cả “nạn phong bì”.

Ông Tiến cho hay: Tôi tương đối yên tâm và cũng chưa thật sự yên tâm, nói góc độ nào cũng đúng cả. Vì nếu anh thực sự trau dồi, lo lắng thì được thế hệ này nhưng thế hệ sau anh lơ là đi một chút thì lại xảy ra những sự cố.  Chúng ta phải biết đến mức độ nào đấy là tương đối hài lòng, chấp nhận được. Ngay cả những sự cố về y khoa thì ngay cả nước tiên tiến như Mỹ hằng năm có hàng trăm ngàn trường hợp.

Trong y tế có y lý, y thuật, y đạo. Y lý là anh phải nắm được kiến thức, y thuật là kỹ thuật y học, anh biết nhưng phải làm được, chứ biết mà không làm được là chưa đủ. Còn y đạo là đạo đức nghề nghiệp vì chữa cho con người thì phải thể hiện tình cảm. Anh làm bác sĩ mà vô cảm thì không được, nên đòi hỏi y đức rất quan trọng, chỉ cần tình cảm rất chân thật của bác sĩ thì người bệnh đã vợi đi phần nào rồi. Vì thế, dù giỏi mà không tận tâm thì hiệu quả không cao bằng anh thật tận tâm mà chưa giỏi.  Thế hệ trước mà tốt thì làm gương cho thế hệ sau. Tất nhiên nhìn lại thì nhân viên y tế cũng phải chân thực, trung thành. Những sự cố thì cứ phải nói thẳng ra, gì mà phải nói thế này, thế nọ. Phải nhìn nhận vấn đề thẳng thắn thì sự việc bao giờ cũng êm hơn, dễ chia sẻ với nhau hơn.

Ông nghĩ sao về những ý kiến cho rằng y đức đang đi xuống, nhân viên y tế vẫn cầm phong bì từ bệnh nhân?

Theo phong tục của người Á Đông, khi chúc mừng hay cảm ơn ai đó một điều gì thường hay tặng quà. Nhiều bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân cũng chọn cách cảm ơn kiểu này (quà bằng phong bì) với bác sĩ. Nhưng theo thời gian, hình thức này bị lạm dụng khiến biến mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân thành mối quan hệ như mua-bán. Để hạn chế tình trạng này tại bệnh viện chúng tôi cho dán giấy ghi rõ quy định nhân viên y tế không được nhận tiền của bệnh nhân và ngược lại bệnh nhân không được đưa tiền cho nhân viên y tế. Thật ra những người biến mối quan hệ “Lương y” thành quan hệ thương mại đó không chỉ là người làm trong ngành y mà cả bệnh nhân. Có những ứng xử từ phía bệnh nhân khiến thầy thuốc chúng tôi chạnh lòng, thậm chí thấy bị xúc phạm.

Coi bệnh nhân như người thân ảnh 1

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những lúc chạnh lòng đó không?

Làm trong ngành y đã quá lâu nên tôi có đủ kinh nghiệm để phân biệt đâu là cách bệnh nhân cảm ơn thật lòng, đâu là cảm ơn kiểu mua-bán. Tôi cũng chia sẻ thật là với những người cảm ơn chân thành không bao giờ chúng tôi từ chối phong bì của họ. Là bác sĩ, chúng tôi hiểu số tiền ít ỏi nhưng trong đó là tất cả tình cảm, sự trân trọng đối với những người làm thầy thuốc như chúng tôi. Nếu chúng tôi từ chối họ, nghĩa là chúng tôi làm họ tủi thân và lo lắng vì mắc vào tâm lý sẽ không được điều trị đến nơi đến chốn. Mặc dù trong nghề y, tôi khẳng định rằng không bao giờ xảy ra chuyện này do bản năng nghề nghiệp, lương tâm của một con người và quan trọng là danh dự trước đồng nghiệp không cho phép thầy thuốc làm như vậy. Tôi đã từng từ chối thẳng thừng  kiểu cảm ơn “tiền nào của nấy”. Bác sĩ học bao nhiêu năm trời, rèn luyện khổ sở không phải ra hành nghề để nhận mấy đồng bạc ấy. Những nhân viên y tế tiêu cực chỉ là số rất ít, kiểu “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Ông đánh giá thế nào về việc giảm tải bệnh viện, sắp tới có gì đột phá trong lĩnh vực này?

“Thật ra những người biến mối quan hệ “Lương y” thành quan hệ thương mại đó không chỉ là người làm trong ngành y mà cả bệnh nhân. Có những ứng xử từ phía bệnh nhân khiến thầy thuốc chúng tôi chạnh lòng, thậm chí thấy bị xúc phạm” 

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến 

Thời gian qua giảm tải rất tốt. Hiện các bệnh viện tuyến tỉnh bệnh nhân đến khám rất đông, trung ương giảm rất nhiều vì nâng cao được năng lực bệnh viện tuyến dưới. Hệ thống bệnh viện vệ tinh thường lấy các bệnh viện trung ương làm hạt nhân, bệnh viện tuyến tỉnh làm bệnh viện vệ tinh. Khi nâng cấp được họ thì một bệnh viện có thể vừa vệ tinh, vừa là hạt nhân và Bộ Y tế đã làm như thế khá nhiều rồi. 

Trước trung ương chỉ đến tỉnh, tức là bệnh viện tỉnh làm vệ tinh, nhưng giờ trung ương có thể xuống tận huyện thì huyện cũng gọi là bệnh viện vệ tinh được. Giờ tuyến tỉnh đã được nâng cấp lên cao thì có thể tỉnh A giỏi hơn tỉnh B nên tỉnh A có thể làm hạt nhân, giúp cho bệnh viện tỉnh B, hoặc bệnh viện tỉnh xuống giúp bệnh viện huyện. Như vậy, một bệnh viện có thể là vệ tinh, có thể là hạt nhân. Giờ hệ thống đó lan tỏa thì sẽ giảm tải được các bệnh viện tuyến trên, nhưng cái quan trọng nhất là người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, không phải đi đâu.

Giá thuốc và viện phí luôn là vấn đề người bệnh nghèo quan tâm, theo ông cần làm gì để giảm bớt gánh nặng cho dân?

Việc tăng viện phí đúng là tạo được nguồn lực cho các bệnh viện, nhất là những bệnh viện tự chủ, nhưng trong bối cảnh hiện tại thì lãnh đạo bệnh viện phải quan tâm, sâu sát, thậm chí phải thông minh để có những giải pháp phù hợp. Ví dụ như các loại vật tư tiêu hao, trang thiết bị thì lẽ ra ở mức độ này đã điều trị đạt yêu cầu rồi mà cứ đòi vươn ra như những nước rất giàu, cứ đòi hỏi mua những cái đó áp vào cho bệnh nhân thì là quá sức, rất nặng nề. Thứ hai nữa, đối với người bệnh, với bác sĩ, với các kỹ thuật viên phải thực hiện thế nào cho tiết kiệm nhất. Ví dụ có bác sĩ chỉ khâu hết 1 sợi chỉ nhưng có người khâu hết 2-3 sợi chỉ. Như thế anh nào mổ kém thì phải phê bình người ta. Tôi cho rằng có nhiều giải pháp chứ không phải hô hào không.

Coi bệnh nhân như người thân ảnh 2

Chăm sóc trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

Rất nhiều loại hình chăm sóc sức khỏe người dân, công, tư, xã hội hóa, bác sĩ gia đình... theo ông nên duy trì và phát triển như thế nào?

Dù bệnh viện gì thì cũng phải kiểm soát tốt, không phải thích gì làm nấy trên sức khỏe con người. Thứ hai, trong lĩnh vực khám chữa bệnh hiện người dân tiếp cận các dịch vụ y tế cũng đang tương đối khó khăn, cũng chưa phải ở đâu cũng tốt, thì phải tạo ra một cơ chế thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh để bệnh viện công, bệnh viện tư đều phát triển. Ngay cả giá viện phí của bệnh viện công hay tư cũng phải được kiểm soát để giá chấp nhận được, vừa có thể cho bệnh viện tái đầu tư, trả công được cho nhân viên.

Thứ trưởng muốn nhắn gửi gì với đội ngũ ngành y trong ngày đặc biệt này?

Không phải với tư cách thứ trưởng, mà với tư cách một bác sĩ, tôi cho rằng không bao giờ thỏa mãn với mình mà cho rằng trình độ như thế đã đạt rồi. Trong nghề y thì thận trọng bao nhiêu cũng chưa đủ nên không được chủ quan, phải coi người bệnh như người nhà của mình để ứng xử, có hành vi thân thiện, tốt đẹp và luôn hỗ trợ đồng nghiệp. Thực tế vẫn có những người tự kiêu tự phụ, coi thường đồng nghiệp. Đối với người làm ngành y thì phải thẳng thắn, chân thành, trung thực. Nhưng với người dân thì tôi cũng mong muốn sự chia sẻ vì ngành y rất vất vả và không bao giờ tránh được những tai biến, chỉ cố gắng giảm đến mức tối thiểu nên khi xảy ra chuyện gì, người dân chia sẻ một cách khách quan, nhân văn để anh em làm việc tốt hơn, đừng đẩy người ta vào đường cùng, bất mãn, chán nản...

Cảm ơn Thứ trưởng.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.