Tuyên dương những thầy thuốc trẻ bám bản

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trao hoa và biểu trưng Thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu cho nữ hộ sinh Nin. Ảnh: Xuân Tùng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trao hoa và biểu trưng Thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu cho nữ hộ sinh Nin. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Ngày 7/1, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ 3, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra phiên trọng thể. Đại hội đã tuyên dương 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu có thành tích xuất sắc.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch danh dự Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam biểu dương những nỗ lực, cống hiến, thành công của Hội Thầy thuốc trẻ trong nhiệm kỳ vừa qua.

Đại hội đã thông qua kết quả hiệp thương Ban Chấp hành T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 108 anh, chị. PGS.TS Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, tiếp tục làm Chủ tịch Hội.

Tuyên dương thầy thuốc bám bản

Đại hội tuyên dương 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu xuất sắc là những người không ngại khó khăn bám bản chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã nghèo 135, trạm xá các trại giam, trại tạm giam, bệnh xá, phòng khám quân dân y kết hợp.

Tiêu biểu, nữ hộ sinh Nin (SN 1972, dân tộc Sê Đăng) có 16 năm công tác tại Trạm Y tế xã Ea Yiêng (Krông Pắc, Đắk Lắk), nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Chị đã làm tốt công tác tư vấn, thường xuyên tư vấn cho các chị em về tâm lý, vật chất chuẩn bị cho sinh nở; tư vấn chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, vận động và thực hiện tốt chương trình chống suy dinh dưỡng ở trẻ.

“Hội cần phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đội ngũ thầy thuốc trẻ vì sức khỏe nhân dân. Sự tham gia của lực lượng thầy thuốc trẻ sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng góp phần tạo cơ hội cho những người dân tộc, người nghèo, người ở vùng khó khăn tiếp cận với những dịch vụ y tế có chất lượng”.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Chị Nin cho biết, Ea Yiêng là xã nghèo nhất huyện, có 1.120 hộ dân phần lớn là dân tộc Sê Đăng. Đời sống khó khăn, trình độ dân trí hạn chế. Kể về lý do quyết tâm theo học ngành hộ sinh tại Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk, chị Nin bảo: Trước đây, thai phụ ở Ea Yiêng, đến kỳ sinh nở thường nhờ người thân đỡ đẻ tại nhà và cắt rốn cho trẻ bằng cây lồ ô (gần giống tre nứa – PV) hoặc dao lam. “Không ít trường hợp trẻ sơ sinh sau khi cắt rốn bằng cây lồ ô, dao lam bị viêm nhiễm, đến ngày thứ 6 thì ra đi”, chị Nin nói.

Năm 1999, tốt nghiệp ra trường và được phân công về Trạm Y tế xã Ea Yiêng, chị Nin không quản ngại khó khăn cuốc bộ vượt núi đến từng buôn làng để tuyên truyền, vận động sức khỏe sinh sản, công tác chuẩn bị sinh nở, gây dựng mạng lưới y tế bản... Bên cạnh đó, chị còn phụ trách chương trình phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, chương trình lao và góp phần làm giảm đáng kể bệnh sốt rét, sốt xuất huyết trên địa bàn.

Hơn 15 năm nay, bác sĩ Vũ Hoàng Toàn (SN 1980, Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Lai) là chỗ dựa vững chắc của đồng bào dân tộc Tày, Dao và Cao Lan tại xã đặc biệt khó khăn Xuân Lai (Yên Bình, Yên Bái). Những ngày đầu bám bản công tác, anh Toàn phải đối diện với những thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe là sự nghèo đói, hủ tục trong đời sống đồng bào. Bác sỹ Toàn vẫn nhớ và ám ảnh trường hợp sản phụ người Cao Lan đến trạm y tế trong tình trạng nguy kịch. “Theo phong tục của người dân tộc Cao Lan, sản phụ này sinh con tại nhà và đã đau đẻ hai ngày. Đến trạm, đứa bé đã mất trong bụng mẹ, chúng tôi chỉ có thể cứu được sản phụ”, anh Toàn cho hay. Sự ám ảnh ấy chính là động lực giúp anh Toàn quyết tâm bám bản chia sẻ khó khăn với đồng bào; đồng thời không ngừng nâng cao chuyên môn tay nghề. Anh còn tham mưu cho Ban chỉ đạo chuẩn Quốc gia về y tế xã kịp thời triển khai các nội dung xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã Xuân Lai theo tiêu chí mới đúng tiến độ. Năm 2012, xã Xuân Lai đã đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế mới đầu tiên của huyện Yên Bình.

Đại úy, bác sỹ quân y Nguyễn Nam Giang (SN 1973, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Hà Tĩnh) công tác trong lĩnh vực y tế từ năm 1997. 5 năm nay, anh gắn bó với tổ công tác cắm bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê), chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Chứt. Anh Giang vẫn nhớ lần cấp cứu một nam thanh niên uống rượu cầm dao tự đâm vào tay. Khâu vết thương xong, anh cẩn thận kê đơn thuốc uống một tuần. Nhưng ngày hôm sau, nam thanh niên này quay lại xin thuốc khiến bác sỹ Giang tá hỏa. “Đây là kỷ niệm và cũng là bài học cho tổ quân y chúng tôi về đảm bảo an toàn trong kê đơn thuốc. Những lần sau rút kinh nghiệm, bệnh nhân được phát thuốc theo ngày và uống thuốc trước sự giám sát của bác sỹ”, anh Giang nói.

MỚI - NÓNG