Liên quan tới lao động Việt Nam bị nhà thầu Trung Quốc tại Algeria hành hung, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước, cho biết, lao động Việt Nam sang các nước châu Phi chủ yếu làm xây dựng, trả lương theo ngày công. Tuy nhiên, với một số lao động Việt Nam nếu có đốc công họ làm tốt, nhưng khi vắng liền tìm cách trốn, không có ý thức làm việc. Do đó, ban đầu nhà thầu Trung Quốc (Cty TNHH Xây dựng Công trình Đông Nhất Giang Tô) ký hợp đồng công nhật, sau đó khoán theo khối lượng công việc liền bị một số lao động phản ứng.
Theo ông Nam, sau khi xảy ra mâu thuẫn giữa người lao động và chủ sử dụng, 55 lao động Việt Nam phản đối bằng cách không đi làm, ảnh hưởng tới những lao động khác và tiến độ công trình. Kết quả xảy ra xô xát giữa nhóm lao động Việt Nam và Trung Quốc, khiến 1 người phiên dịch, và 1 người lao động bị đánh.
Ông Nam cho biết, Cục đã yêu cầu các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn cho người lao động. Sau đó, nếu lao động muốn ở lại tiếp tục làm việc có thể chuyển những lao động trên sang chủ sử dụng khác.
Về một số lao động muốn về nước, họ có thể phải đền bù cho chủ sử dụng lao động từ 3-4 nghìn USD, ông Nam cho biết: Thông tin này ông chưa nắm được. Tuy nhiên, ông thừa nhận, chủ sử dụng lao động có bỏ trước một số chi phí như bảo lãnh, làm thủ tục… “Trước mắt, đơn vị cung ứng lao động (Cty CP SIMCO Sông Đà - PV) phải ứng tiền chi trả cho lao động muốn về nước. Sau đó, tùy thuộc vào việc xác định các bên đúng, sai để chia sẻ, nếu người lao động sai cũng phải chịu một phần trách nhiệm”, ông Nam nói. Nếu số tiền đền bù quá lớn, theo ông Nam, sẽ xin phép Thủ tướng sử dụng một phần Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước để chi trả.
Việt Nam có khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại Algeria, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Vài năm trước, các công trình xây dựng tại nước này chủ yếu do nhà thầu Nhật Bản đảm nhận. Tuy nhiên, vài năm gần đây các nhà thầu Trung Quốc đang chiếm ưu thế, nên lao động Việt Nam sang Algeria làm việc phải chuyển sang nhà thầu Trung Quốc.