Tư vấn của chuyên gia FAO:

Có thể ăn thịt gia cầm được tiêm phòng sau 14 ngày

Có thể ăn thịt gia cầm được tiêm phòng sau 14 ngày
Ngày 14/11, cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm (PCDCGC) đã diễn ra tại Hà Nội xoay quanh các vấn đề như: có cần thiết phải cấm tiêu thụ gia cầm, thủy cầm, hỗ trợ các gia đình chuyển đổi phương thức chăn nuôi…

Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Trong đợt đi kiểm tra dịch vừa qua cho thấy chính quyền các cấp còn rất thờ ơ, không tham gia trực tiếp với Sở Y tế và Nông nghiệp trong công tác PCDCGC, cần giám sát chặt chẽ hơn nữa, nếu phát hiện ổ dịch thì ngành nông nghiệp xử lý ngay ổ dịch còn ngành y tế giám sát trên người. Tăng cường thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức, phát hành sổ tay PCDCGC đến từng gia đình…”.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu: “Tất cả các địa phương nhanh chóng triển khai quyết liệt các biện pháp PCDCGC, lưu ý tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ gia đình, huy động các tổ chức đoàn thể, phối hợp thực hiện. Kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng 3 km không cho vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, thủy cầm đối với vùng phát dịch…”.

Theo tư vấn của chuyên gia FAO, các thành phần trong vắc xin không độc, đề nghị cho phép sử dụng thịt gia cầm sau khi tiêm phòng mũi vắc xin cuối cùng là 14 ngày chứ không phải là 28 ngày như các khuyến cáo trước đây. 

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “Ban chỉ đạo PCDCGC quyết định tiêm phòng triệt để tất cả gia cầm trong khu vực nông thôn… Sắp tới Bộ NN & PTNT sẽ in khoảng 10 triệu tờ rơi phát đến từng hộ gia đình và 300.000 sách PCDCGC cho cán bộ  tham gia trực tiếp vào công tác PCDCGC…”.

Nhiều ý kiến của thành viên trong Ban chỉ đạo PCDCGC cho rằng: “Không cần thiết phải cấm tiêu thụ gia cầm bởi nếu chúng ta sử dụng thịt gia cầm đúng cách và qua kiểm dịch  vẫn an toàn. Vi rút cúm sẽ chết ở nhiệt độ 70 độ C trong vòng 5 giây”.

Đại diện Chính phủ cho rằng, trong các văn bản chỉ đạo công tác PCDCGC mà Chính phủ ban hành thời gian qua không có văn bản nào nói là cấm tiêu thụ, vận chuyển gia cầm, do vậy địa phương nào ban hành quy định này cần phải xem xét lại. Ông Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế thì tỏ ra e dè: “Cần phải hết sức thận trọng và  nấu chín trước khi ăn…”.

Mức hỗ trợ cho người tiêm phòng  gia cầm ông Phát kiến nghị với Bộ Tài chính: “Qua khảo sát mức tiền tiêm phòng 50 và 100 đồng/con gia cầm là quá thấp, cả ngày chỉ tiêm được từ 10 đến 20 nghìn đồng là nhiều, tính theo mức 50.000 đồng như đối tượng trực tiếp dập dịch  là hợp lý nhất…”.    

Nhật Ninh

Chính phủ đã có dự thảo Quyết định về  một số chính sách khuyến khích chuyển đổi phương thức chăn nuôi, giết mổ, chế biến kinh doanh gia cầm. Theo Quyết định dự thảo này, từ ngày 15/11/2005 đến 31/1/2006, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm tập trung triển khai thu mua gia cầm sống, trứng sống của các cơ sở chăn nuôi gia cầm đã được kiểm dịch và được UBND huyện xác nhận để giết mổ, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Mức hỗ trợ thu mua gia cầm sống là 4.000 đồng/ 1kg gia cầm hơi và trứng sống là 200 đồng / quả. Không hỗ trợ cho các trường hợp mua đi bán lại gia cầm sống, trứng sống. Hộ gia đình có thu nhập khoảng 30% trở lên dựa vào nguồn thu từ chăn nuôi gia cầm được ngân sách hỗ trợ 50% lãi suất trong 2 năm đối với vốn vay tới 10 triệu đồng để thực hiện  chuyển sang chăn nuôi gia súc khác hoặc chuyển đổi nghề…

MỚI - NÓNG