Trước tiên, đây là chuyến thăm “trả nợ”, bởi năm 2013, ông Obama đã hủy bỏ chuyến công du châu Á để ở nhà giải quyết sự cố nước sôi lửa bỏng “đóng cửa chính phủ” và nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ.
Việc Tổng thống Mỹ không thể tham dự Thượng đỉnh APEC ở Indonesia và Thượng đỉnh ASEAN vô tình trao cho Trung Quốc một món quà tuyệt vời để mở cuộc “tấn công quyến rũ” thông qua đầu tư, thương mại nhằm vào khu vực Đông Nam Á, và tận dụng cơ hội phô trương sức mạnh.
Sự vắng mặt của ông Obama càng tai hại hơn, chất chứa thêm những nghi ngờ về khả năng triển khai chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Các đồng minh và đối tác trong vùng của Mỹ không thể không tự hỏi Mỹ mắc kẹt với mớ bùng nhùng trong nhà, liệu có còn đủ sức thực hiện tái cân bằng châu Á như đã tuyên bố?
Một trong những nhiệm vụ chính yếu của ông Obama lần này là phải giải tỏa cho được những nghi ngại của các đồng minh và đối tác châu Á. Tổng thống Mỹ phải đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng chiến lược “xoay trục” không bị đổ bể và chứng minh bằng những hành động cụ thể thay vì khẩu hiệu suông.
Ông Obama càng có lý do thúc đẩy mạnh mẽ hơn chiến lược tái cân bằng để “gỡ điểm” sau ván cờ tàn Ukraine mà người thắng đã được xác định rõ ràng.
Mỹ cần phải sửa chữa sai lầm chiến lược mà học giả Ted Galen Carpenter thuộc Viện Nghiên cứu Cato đã chỉ ra tình thế cực kỳ rủi ro: cùng lúc “lưỡng đầu thọ địch” hai đối thủ lớn là Nga và Trung Quốc. Đây là điều mà các chiến lược gia Mỹ đã hết sức tránh trong Chiến tranh Lạnh.
Nguy hiểm hơn, sai lầm này có cơ trở thành “cơn ác mộng địa chính trị” nếu Mỹ cứ nhất quyết dồn ép Nga, buộc Nga không còn cách nào khác phải bắt tay liên thủ thật sự với Trung Quốc để đối phó Mỹ.
Mỹ thừa biết ván bài Ukraine đã hạ màn, chấp nhận “buông” Ukraine, nên chỉ chủ yếu hô hét khích lệ, còn lại đẩy trách nhiệm giải quyết mớ hỗn độn cho EU để tránh sa lầy.
Sẽ khôn ngoan hơn nếu Mỹ thôi chọc giận Nga, tập trung dồn sức vào một đối thủ là Trung Quốc. Ở châu Á, lúc này, hầu như Mỹ có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa hỗ trợ chiến lược “xoay trục”.
Những việc ông Obama được trông đợi thực hiện trong chuyến thăm này ít nhất sẽ là: Công khai cam kết đứng về phía Nhật Bản, bảo vệ đồng minh trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự Trung-Nhật liên quan tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hơn bao giờ hết, Nhật Bản đang rất cần một sự đảm bảo từ Mỹ, nếu không xứ Phù Tang buộc phải tìm cách tự cứu mình. Mỹ cũng cần trấn an Hàn Quốc, kiểm soát các nguy cơ từ Triều Tiên, đồng thời nỗ lực hàn gắn rạn nứt giữa hai đồng minh thân thiết Hàn - Nhật.
Đến Philippines, ông Obama chắc chắn sẽ công bố thỏa thuận hợp tác quân sự song phương mới, tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, hậu thuẫn mạnh mẽ nước này trong việc đối phó sự lấn lướt của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ khu vực biển Đông.
Đây thực sự là cơ hội tốt để ông Obama gỡ điểm bằng cách tiếp thêm “công lực” cho chiến lược tái cân bằng châu Á, thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), khẳng định cam kết duy trì trật tự khu vực theo luật pháp quốc tế, phù hợp quan điểm chiến lược của Mỹ.