Cơ sở giáo dục có thẩm quyền chọn SGK lớp 1: Ai nên được chọn?

Nhà trường lựa chọn sách giáo khoa lớp 1. Ảnh minh họa
Nhà trường lựa chọn sách giáo khoa lớp 1. Ảnh minh họa
TPO - Nhiều nhà giáo đồng tình với việc giao quyền cho nhà trường lựa chọn sách giáo khoa. Khi đó, chính giáo viên sẽ tham mưu cho nhà trường dựa trên mặt bằng chất lượng của học sinh để sử dụng bộ sách giáo khoa nào cho phù hợp. Thậm chí môn này ở bộ sách này, nhưng môn kia ở bộ sách khác.

Việc chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 sẽ do các trường học quyết định; đến năm học sau, thẩm quyền lựa chọn này mới thuộc về UBND các tỉnh.

Theo các thông tin đưa ra trước đây thì Bộ GD&ĐT chuẩn bị hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo hướng UBND các tỉnh thành có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, trong phiên họp của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sáng 26/11 lại yêu cầu thực hiện theo Nghị quyết 88, tức là thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2020 - 2021 sẽ thuộc về các cơ sở giáo dục. 

Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông quy định: Cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn lựa chọn SGK theo quy định nói trên trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực.

Ai sẽ được lựa chọn sách?

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), các trường sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn, người đứng đầu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; thành viên hội đồng là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên đứng lớp và đại diện cha mẹ học sinh.

Bộ cũng sẽ quy định trách nhiệm phòng, sở; chẳng hạn như tiếp nhận báo cáo của trường lên, tổng hợp các trường, để từ đó có thông tin để công bố cho công chúng.

Trao đổi về vấn đề trên, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng, theo Luật giáo dục thì các Tỉnh, thành lựa chọn sách cho địa phương của mình trong số các sách giáo khoa do các đơn vị, nhà xuất bản và các nhóm tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa tham gia và được Bộ giáo dục thẩm định đạt chuẩn về chương trình khung và đưa vào sử dụng là một tín hiệu tốt cho thị trường sách giáo khoa và thúc đẩy sự tham gia của xã hội.

Tuy nhiên Nghị Quyết 88 của Quốc Hội cho phép các trường lựa chọn sách giáo khoa cho phù hợp với tình hình, điều kiện và đặc điểm riêng của từng trường dựa trên mặt bằng chất lượng của học sinh cũng như sự tham gia của giáo viên và phụ huynh.

“ Tôi đồng tình với Nghị Quyết 88 của Quốc hội là giao quyền cho nhà trường lựa chọn sách giáo khoa. Khi đó, chính giáo viên sẽ tham mưu cho nhà trường dựa trên mặt bằng chất lượng của học sinh để sử dụng bộ sách giáo khoa nào cho phù hợp. Thậm chí môn này ở bộ sách này, nhưng môn kia ở bộ sách khác”- cô Huyền Thảo nêu quan điểm.

Cũng theo cô Thảo cho rằng, cách giao quyền cho nhà trường lựa chọn sách mới đặt được mục tiêu giáo dục là dạy học phát huy năng lực người học.

“Mặt khác, giáo viên mới phát huy được sự sáng tạo, tận tâm với nghề và tài năng của giáo viên mới được phát huy. Chứ để địa phương lựa chọn 1 bộ cho tất cả thì việc đổi mới giáo dục về cơ bản không đạt được yêu cầu đổi mới. Vì nó cũng lại bình cũ rượu mới”- cô Thảo nêu quan điểm.

Việc chọn sách giáo khoa lớp 1 năm sau là các trường sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn, người đứng đầu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; thành viên hội đồng là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên đứng lớp và đại diện cha mẹ học sinh.

Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong hội đồng tuyển chọn có thể không cần ý kiến của cha mẹ học sinh mà quan trọng nhất phải có  ý kiến của học sinh. Bởi vì, quyển sách nào hấp dẫn trẻ thì trẻ học sẽ hứng thú hơn.

TS Hương cho rằng, nên cho học sinh lớp lớn chọn cho học sinh lớp bé. Ví dụ: trong hội đồng chọn sách lớp 1 nên có đại diện học sinh lớp 2 – 5.

“Các con vừa học xong, cho ý kiến lựa chọn sách lớp 1 là hợp lý nhất. Các con sẽ cùng ngồi chọn với nhau. Có thể thành lập 1 nhóm chừng 4 - 6 em học sinh, ngồi chọn và chấm điểm hấp dẫn của các bộ sách sau đó gửi kết quả để người lớn cân nhắc. Tôi nghĩ  là nên thí điểm 1 hội đồng tuyển chọn để thử xem kết quả thế nào”- TS Hương nêu quan điểm.

Sở dĩ TS Hương cho rằng, không cần ý kiến đại diện cha mẹ học sinh vì họ sẽ  không có nhiều kinh nghiệm để chọn cũng như học không có tâm lý như  của trẻ con. Phụ huynh có thể lựa chọn theo cảm nghĩ của chính họ, dễ làm sai lệch kết quả.

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo lại cho rằng, trong hội đồng tuyển chọn không thể bỏ phụ huynh ra được. Vì họ chính là một phần quan trọng tham gia các hoạt động giáo dục của trường học. Họ sẽ góp ý, phản biện và giám sát các hoạt động dạy học và liệu sách giáo khoa có đạt được mục tiêu giáo dục mà con em học đạt được khi theo học ở trường.

Trước băn khoăn việc chọn sách năm nay sẽ do các trường quyết định; còn những năm sau sẽ do UBND tỉnh. Như vậy, có thể xảy ra những tình huống như: Hội đồng trường chọn sách lớp 1 là sách một đơn vị, lên lớp 2 tỉnh chọn sách đơn vị khác.

TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc thay đổi cũng cần thiết nếu nhà trường thấy bộ sách giáo khoa cũ không còn hợp lý. Điều quan trọng là thành viên hội đồng tuyển chọn thế nào.

Cần "cởi trói" cho sách?

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục học, Đại học Newcastle (Australia) cho rằng, đã đến lúc sách chỉ là tài liệu giảng dạy chứ không phải là pháp lệnh như hiện nay.

Ông Hiền cho rằng, ở Úc, học sinh đi học không phải mang sách. Ở đây, tài liệu dạy do giáo viên biên soạn và thiết kế rồi phát cho các em. Giáo viên dạy môn nào thì biên soạn tài liệu học môn đó. Chỉ một số ít môn mới có sách giáo khoa.

Cũng theo ông Hiền, giáo viên làm sách dựa trên chương trình khung chung của trường. Sách chỉ là tài liệu dạy học chứ không phải là chương trình cố định phải dạy như Việt Nam. Họ dựa trên tiêu chí dầu ra của mỗi bài học, môn học được thống nhất căn cư vào đó giáo viên xây dựng học liệu theo cách sáng tạo của riêng mình.

“Họ dựa trên đầu ra tức là dựa trên kết quả mong muốn của mỗi trường xây dựng cho học sinh của mình để biên soạn chương trình và học liệu”- ông Hiền cho biết.

Cũng theo ông Hiền, việc coi sách giáo khoa là độc tôn chỉ còn lại của một số rất ít nước coi trọng giáo dục hàn lâm tức là chỉ muốn định hướng học sinh mình theo con đường đại học .

“ Đó là trọng bằng cấp mà không chú trọng năng lực, đánh giá con người theo học vị chứ không theo tài năng, phân biệt địa vị xã hội theo bằng cấp. Hệ lụy là tạo ra mất cân đối trong nguồn nhân lực khi mà thầy thì nhiều mà đội ngũ lao động quan trọng nhất cho phát triển kinh tế xã hội là những người thợ có kỹ năng cao lại không đủ đáp ứng”- ông Hiền nêu quan điểm.

Ông Hiền cho rằng, những quốc gia có nền giáo dục phát triển họ tạo ra mọi điều kiện tốt nhất để giáo viên có thể phát huy hết phẩm chất và năng lực sư phạm của mình trong công việc của họ trong đó việc chủ động tham gia và thiết kế học liệu cho môn học của mình hết sức quan trọng.

“Vì điều kiện mỗi trường, mỗi vùng không giống nhau. Nếu luật giáo dục đã thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt thì hà cớ gì sách giáo khoa lại thiết kế để dùng chung cho cả nước”- ông Hiền nêu quan điểm.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng, đã đến lúc sách giáo khoa cũng chỉ nên là tài liệu để giáo viên tham khảo và giảng dạy để  cho thấy sự đa chiều trong cách tiếp cận vấn đề chứ không phải là pháp lệnh như hiện nay.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.