Còn nhiều băn khoăn về sách giáo khoa vừa công bố

Ai sẽ được chọn SGK mới? Ảnh: Nghiêm Huê
Ai sẽ được chọn SGK mới? Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Bộ GD&ÐT chính thức công bố 32 cuốn SGK theo chương trình giáo dục mới được phê duyệt. Cùng với đó, việc chọn SGK như thế nào đang là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Là đơn vị tham gia xuất bản 1 bộ SGK thuộc NXB GD Việt Nam, ông Vũ Bá Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội nhìn nhận việc 1 chương trình nhiều SGK có rủi ro không nhỏ. Nếu hướng dẫn chọn SGK của Bộ GD&ĐT không mở, cùng với tâm lý đám đông, tâm lý e ngại sẽ dễ dẫn đến tình trạng các địa phương chỉ chọn 1 bộ SGK cho dễ quản lý.  Mặc dù vậy, ông Khánh tin tưởng thông tư hướng dẫn của Bộ sẽ khắc phục được lo ngại hiện nay của dư luận là tính cục bộ, lợi ích nhóm, áo gấm đi đêm.

“Thực ra khi thực hiện 1 chương trình, nhiều SGK, các NXB đều phải tuân theo quy luật của cơ chế thị trường. Chất lượng không tốt chắc chắn sẽ bị đào thải. Vì vậy, tôi tin rằng “người tiêu dùng” (các thầy cô giáo, phụ huynh - PV) sẽ luôn có lựa chọn thông minh, tốt nhất cho con em mình” - ông Vũ Bá Khánh nói.

Theo quy định được ghi trong Luật Giáo dục sửa đổi, UBND các tỉnh, thành phố sẽ thành lập hội đồng chọn SGK và chịu trách nhiệm. Nhiều người băn khoăn ngoài việc lo chỉ định thầu thì trong giai đoạn đầu, có địa phương sẽ chỉ chọn 1 bộ SGK để dễ quản lý. Và như thế, mục tiêu một chương trình, nhiều SGK có thể xem là thất bại ngay từ khi mới đi vào thực tiễn

. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, việc điều chỉnh quy định, giao quyền chọn SGK cho UBND cấp tỉnh, đó là một bước lùi trong việc thực hiện chương trình - SGK mới hiện nay. Khi thẩm quyền chọn sách được giao cho UBND áp đặt chung với toàn tỉnh, rất có thể sẽ nảy sinh tình trạng chọn sách do quan hệ, do lợi ích cá nhân, không phù hợp với yêu cầu giáo dục.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong quá trình được sử dụng, tổ chức dạy học và trải nghiệm, giáo viên sẽ hiểu rõ cuốn sách nào là phù hợp, vì thế việc lựa chọn SGK sẽ không cứng nhắc.

Đối với chương trình mới, trong quá trình thực hiện, từ ý kiến của giáo viên trong các nhà trường, UBND các tỉnh/thành phố có thể thành lập hội đồng để xem xét, cập nhật, bổ sung.

“Như vậy, các thầy cô giáo và học sinh sẽ có cơ hội thể hiện ý kiến trong suốt quá trình triển khai thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Chúng ta không nên suy nghĩ rằng ý kiến của giáo viên về lựa chọn SGK chỉ được thể hiện trong một thời điểm ban đầu” - PGS. TS Nguyễn Xuân Thành nói.

MỚI - NÓNG