Cuộc thảo luận về các bản thảo đôi khi căng thẳng, thậm chí tranh cãi để đi đến thống nhất những vấn đề khoa học cho sách mới sẽ được Bộ GD&ĐT công bố vào ngày mai (22/11).
Nhặt sạn bản thảo SGK
Hoạt động thẩm định SGK được nhiều người ví von là công việc “nhặt sạn” cho bản thảo sách. Bởi lẽ, các bản thảo thường khó tránh khỏi những lỗi trong nội dung, cấu trúc, hình thức thể hiện, ở từ kênh hình đến kênh chữ thể hiện...
GS. Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán lớp 1 nói: “Thẩm định SGK lớp 1 là công việc rất khó khăn, trước hết chính bởi đặc điểm của học sinh. Thật ra không có vấn đề gì lớn về mặt khoa học nhưng các yêu cầu sư phạm như phải quán triệt những đặc điểm về nhận thức, tâm lý, sinh lý lứa tuổi của học trò, phải được đặc biệt quan tâm qua xem xét kênh hình, kênh chữ. Các Hội đồng cũng hiểu rằng, dư luận xã hội, giáo viên, phụ huynh học sinh đang rất chờ đợi sự xuất hiện của những quyển SGK đầu tiên trong lần đổi mới chương trình 2018. Do đó cần loại bỏ tốt những “hạt sạn” trong các bản thảo”.
Xác định, SGK sẽ được sự chú ý xem xét của hàng trăm nghìn giáo viên, hàng triệu phụ huynh học sinh khi sử dụng, hỗ trợ học trò lớp 1 học tập, các Hội đồng thẩm định đã cố gắng soát xét một cách chi tiết từ kênh hình đến kênh chữ các bản thảo. Mục đích là nhằm hỗ trợ tác giả nâng cao chất lượng sách và cuối cùng là có những bộ sách chất lượng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới để đưa đến tay giáo viên, học sinh.
Ở Hội đồng thẩm định môn tiếng Anh – cô Nguyễn Thị Ái Liên – chuyên viên tiếng Anh tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết, Hội đồng đã làm việc cẩn trọng theo từng vấn đề, từng trang sách, thậm chí là từng câu chữ. Trước khi thẩm định tập trung, các thành viên đã tiếp cận và nghiên cứu bản thảo sách trong 15 ngày rồi ghi lại những điều còn trăn trở. Khi làm việc tập trung, Hội đồng thẩm định môn tiếng Anh ưu tiên dành thời gian thảo luận chung để đánh giá và đưa ra hướng chỉnh sửa với các “hạt sạn” trong bản thảo sách.
“Chúng tôi đánh giá chi tiết từng nội dung kiến thức, xem xét từng hình ảnh sử dụng trong bản thảo SGK đã thân thiện, phù hợp với học trò lớp 1 chưa; lượng kiến thức, lượng từ vựng cung cấp trong từng tiết học có vượt quá khả năng của học sinh… Những video, nguồn học liệu hỗ trợ cho học trò học tập cùng với sách giáo khoa, cũng được xem xét cẩn trọng”, cô Liên nói.
“Đỏ mặt” tranh luận về bản thảo sách
“Thẩm định sách giáo khoa là chuyện không đơn giản. Có những cái tưởng là nhỏ nhưng nếu mình bỏ qua thì sẽ có rất nhiều thắc mắc sau này khi cuốn sách được đưa ra cho người học. Vì thế, chúng tôi phải rất cẩn trọng, nghiêm túc xem xét từng chi tiết, từng dòng, từng trang trong bản thảo sách”, PGS.TS Phạm Tú Hương (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) – Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Âm nhạc nói. Với tinh thần làm việc như thế, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Âm nhạc nói riêng và các Hội đồng khác nói chung nhiều khi “đỏ mặt” với nhau tranh luận về một vấn đề nào đó.
“Ví dụ, nội dung giới thiệu nhạc cụ và sử dụng nhạc cụ, có thành viên trong Hội đồng cho rằng có thể ghép với nhau trong một phân môn/bài học nhưng thành viên khác lại yêu cầu phải tách bạch ở hai bài; thế là tranh luận. Rồi cùng một nhạc cụ nhưng mỗi bản thảo SGK lại phiên âm ra tiếng Việt tên khác nhau, có sách phiên âm theo tiếng Anh, có sách theo tiếng Pháp, tiếng Nga... Mỗi cách phiên âm này đều không sai, nhưng nếu không có sự thống nhất giữa các bản thảo sách thì sẽ gây khó khăn trong học tập cho học sinh, nhất là trẻ lớp 1. Các con sẽ không thể hiểu tại sao cùng một nhạc cụ mà ở cuốn sách A thì gọi thế này, cuốn sách B lại gọi khác”, PGS.TS Phạm Tú Hương kể.
Một thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt cũng cho biết, căn cứ vào các tiêu chí/chỉ báo cụ thể, tường minh, khoa học, Hội đồng đã làm việc thuận lợi và khá đồng thuận trong đánh giá bản thảo sách giáo khoa. Tuy nhiên, tiêu chí chỉ quy định những yêu cầu khung và có tính mở để tôn trọng những sáng tạo của tác giả sách. Do đó, có những vấn đề trong bản thảo sách nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau từ thành viên trong Hội đồng.
“Trước một vấn đề, mỗi người có thể có quan điểm đánh giá khác nhau dựa trên cơ sở khoa học và bản lĩnh chuyên môn. Chúng tôi được thoải mái nêu các quan điểm này, có lúc tranh luận sôi nổi. Khi đó Hội đồng sẽ luôn tìm kiếm các cơ sở khoa học rõ ràng nhất, các số liệu xác thực nhất và thống nhất ý kiến với mục tiêu chủ yếu là các vấn đề đều nhìn nhận trên sự phát triển của học sinh gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới”, thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt nói.