Cỗ quan tài cổ trên vách đá và lời nguyền bí ẩn

Cỗ quan tài cổ trên vách đá và lời nguyền bí ẩn
Nhìn bề ngoài, cỗ quan tài cổ ngàn tuổi này chỉ là một khúc gỗ chẻ đôi, có hai mặt úp vào nhau rộng hơn một vòng tay. Nhưng người dân nơi đây vẫn truyền miệng về lời nguyền bí ẩn của cỗ quan tài...
Cỗ quan tài cổ chưa hề xê dịch.
Cỗ quan tài cổ chưa hề xê dịch..

Bí ẩn quan tài trên vách đá

Làng Cùng (Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, trước kia có tên làng Liên Sơn) cũng có nghĩa là đường cùng, bởi lẽ chỉ có một con đường duy nhất để có thể đi vào làng. Có thể nói, đây là con đường độc đạo với hai mặt núi non cách trở và được che chắn bởi dòng sông Mã cuồn cuộn.

Nhìn từ phía xa, người ta có thể thấy được một chiếc cờ lớn trên vách đá phía tiếp giáp bờ sông. Đi men theo dốc núi dựng đứng ấy chừng một cây số sẽ gặp được nơi đặt cỗ quan tài huyền bí kia. Nơi chiếc quan tài ngự trị có địa thế hiểm trở, trên là núi cao dựng đứng.

Dưới là hang sâu có thể chứa vài trăm người không bị ngạt, vì thế nó còn có tên là hang Gió hoặc hang Mắng Khăng tức hang cỗ quan tài. Từ nơi đặt quan tài, tầm mắt có thể bao quát được toàn làng Liên Sơn một màu xanh mướt, yên ả. Nhưng để tới được đó thì cần có người bản địa dẫn đường, người đi rừng, trèo núi không quen dễ bị trượt xuống vách đá. Nhẹ thì thương tật, nặng thì có khi mất mạng.

Để tìm hiểu về sự huyền bí quanh cỗ quan tài ngàn tuổi kia, chúng tôi đã đến gặp ông Trương Quản Trọng, một người dân tộc Mường sinh ra trên mảnh đất này. Đối với ông Trọng, những sự tích về chiếc quan tài kia giống như câu chuyện kể lớn lên cùng năm tháng với ông.

Theo như lời kể, vào đầu thế kỷ thứ 16, dòng họ nhà ông Trọng di chuyển từ trên các vùng núi cao về nơi đây để khai hoang lập ấp. Cũng vì là dòng họ đầu tiên đặt dấu chân lên mảnh đất này nên nhiều người trong họ được giao cho việc chăm lo những việc tâm linh của làng. Từ đó cho đến nay, qua biết bao nhiêu thế hệ cha ông truyền lại, cỗ quan tài vẫn nằm im lìm ở đó không hề xê dịch.

Được sự giúp đỡ của ông Trọng, vất vả lắm tôi mới có thể leo lên được nơi đặt chiếc quan tài mà không tránh khỏi vài lần trượt chân. Chiếc quan tài này dài khoảng hơn 2m, nằm trên một mỏm đá nhô ra khỏi vách núi, tạo nên mặt phẳng khá rộng rãi, xung quanh là những hòn đá to nhỏ khác nhau.

Theo như quan sát của phóng viên thì chiếc quan tài cổ ngàn tuổi này là một khúc gỗ chẻ đôi, có hai mặt úp vào nhau rộng hơn một vòng tay. Hai đầu quan tài được kê trên 2 tảng đá lớn, cách mặt đất chừng gang tay có thể ngăn thấm nước và mối mọt.

Hình dáng này làm tôi liên tưởng đến một số loại quan tài treo được phát hiện ở trong các hang đá thuộc vùng Quan Sơn - Thanh Hóa cách đây ít lâu. Chỉ khác lạ ở chỗ chiếc quan tài này nằm chơ vơ ở trên mỏm đá, không dịch chuyển hàng trăm năm kể từ khi dòng họ nhà ông Trọng tới đây khai hoang.

Ông Trọng cho biết: "Chiếc quan tài này nằm đây lâu rồi nên cũng bị bào mòn nhiều, có một lỗ thủng nhìn vào khoảng trống bên trong nhưng nhìn chung thì còn chắc chắn lắm. Các cụ trong làng am hiểu về cây gỗ thì bảo rằng quan tài này được làm từ loại gỗ đinh thối, một loại gỗ cực kì hiếm có...".

Loại cây được nói tới là một dạng gỗ có thớ dọc bền và rắn chắc. Đặc biệt, cây này có một mùi rất khó chịu với công dụng xua đuổi thú dữ, ngăn mối mọt đục khoét.

Lời nguyền hay sự trùng hợp?

Cột cờ dùng để đánh dấu vị trí cỗ quan tài cổ.
Cột cờ dùng để đánh dấu vị trí cỗ quan tài cổ.

Cũng từ khi có lời "nhận xét" của các cụ bô lão về sự quý hiếm của loại gỗ làm ra chiếc quan tài bí ẩn này, nhiều người dân trong làng và ở các nơi khác cũng từng có ý định mang về nhà. Nhưng theo ông Trọng thì những người có ý định không tốt ấy đều gặp phải tai họa.

Theo như lời kể thì trước đây đã có một nhóm người làng trèo lên vách đá để mang chiếc quan tài xuống. Trong lúc leo lên trên vách núi đá cheo leo thì vài người "bỗng dưng" bị trượt chân ngã xuống, rất may không ai bỏ mạng. Thấy đó giống như một điềm gở bởi đối với những người bị ngã kia, việc leo trèo lên những ngọn núi, vách đá như vậy chỉ là trò chơi không hơn không kém.

Nhưng hôm ấy không hiểu xui xẻo thế nào lại có nhiều người cùng bị ngã một lúc như vậy. Một trong số họ kể lại, trong lúc leo lên lưng chừng vách đá, cảm thấy như có một ngoại lực kéo chân mình và khiến ông này tuột tay rơi xuống.

Có lần, một số kẻ ở nơi khác đến định trèo lên chỗ đặt quan tài cổ để "tìm của", của đâu không thấy chỉ thấy sau đó những kẻ này chẳng bao giờ dám đặt chân lên đó lần nữa.

Theo như người dân cho biết thì sau khi trèo lên được một lúc thì những kẻ này vội vã trèo xuống, trên khuôn mặt vẫn còn lưu lại vẻ sợ hãi, ai hỏi cũng không trả lời rồi rời khỏi thôn Cùng ngay lập tức.

Không chỉ vậy, với những ai có hành động "xúc phạm" tới cỗ quan tài này cũng đều gặp đủ các tai họa lớn nhỏ khác nhau như mất đồ, tai nạn, bị ốm bệnh hay gặp xui xẻo trong công việc làm ăn.

"Nếu kể hết ra những người bị "gở" như vậy chắc mãi không hết vì nhiều người nói họ cũng không tin. Chỉ khi nào leo lên đó, nghịch phá chán rồi gặp xui xẻo thì mấy người đó mới tin...", ông Trọng cho biết.

Và rồi, sự "trùng hợp" xui xẻo ấy đến với những người cả gan leo lên nơi đặt quan tài đùa nghịch đã khiến nhiều người dân tin vào sự huyền bí của cỗ quan tài cổ. Để tránh cho những người thiếu hiểu biết gặp tai họa nên người dân làng Cùng mới cắm lên đó một lá cờ to để ngầm biểu thị sự linh thiêng, huyền bí của cỗ quan tài cổ.

Cho đến bây giờ, đã không còn ai dám mạo phạm chốn linh thiêng ấy nữa. Những câu chuyện về "lời nguyền" của chiếc quan tài cổ cũng dần trở thành chuyện truyền miệng với đầy tính răn đe.

Những bảo tàng thu nhỏ

Những cổ vật trong nhà ông Trọng
Những cổ vật trong nhà ông Trọng.

Giải thích cho việc cỗ quan tài nằm cheo leo trên vách núi tự bao giờ, trước cả khi dòng họ của ông Trọng tới đây, một số người dân cho biết nơi đây có lịch sử rất lâu đời dù nằm ở vị trí "ngõ cụt".

Cách đây khoảng hơn chục năm, người dân làng Cùng trong lúc khai khẩn ruộng nương cũng phát hiện ra nhiều cổ vật và đặc biệt là 3 chiếc trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn. Những chiếc trống này sau đó đã được giao nộp lên chính quyền và hiện tại đang được huyện Cẩm Thủy bảo quản. Như vậy, hẳn cỗ quan tài kia cũng là một trong những cổ vật của người xưa để lại khi đến đây sinh sống cả ngàn năm trước.

Có một điều đặc biệt là các hộ dân nơi đây đều lưu giữ rất nhiều cổ vật của người xưa. Ở một nghĩa nào đó có thể hiểu những ngôi nhà nơi đây đều giống như một bảo tàng thu nhỏ.

Theo như ông Trọng cho biết, gần đây nhất ông Hà Văn Minh (57 tuổi) đã phát hiện được một hũ tiền xu nặng 0,5kg trong lúc đào giếng. Riêng nhà ông Trọng còn phải mua những tủ kính nhỏ để... trưng bày đồ cổ như một bảo tàng thật sự.

"Bảo tàng" của ông Trọng dù chỉ là một căn nhà cấp 4 rộng hơn 20m2 nhưng lại chứa khoảng 1.000 hiện vật cổ đủ loại từ đồ đá, đồ gốm, đồ đồng... cho đến các loại trang sức, công cụ làm bùa chú, thần chú. Mỗi đêm, để "canh giữ" số cổ vật này, ông Trọng lại ngủ tại ngôi nhà cấp 4 để trông coi.

Nói về "bảo tàng" này, ông già người Mường cũng vui vẻ kể lại những tháng ngày khổ cực của thôn làng. Từ giữa những năm 90, người dân có thêm nghề làm gạch nên đất khắp nơi từ ruộng đồng, sân vườn đều bị đào bới để lấy đất đóng gạch. Cũng vì thế mà hàng ngàn cổ vật đã được khai quật bằng chính bàn tay bà con nông dân.

Nhưng thời điểm đó, những cổ vật này chỉ là đồ bỏ nên bị giẫm đạp không thương tiếc. Cảm thấy những đồ vật này có thể có ích trong việc lưu giữ văn hóa, ông Trọng ngày ngày đi nhặt nhạnh đồ cổ như rìu đá, rìu đồng mang về để cất giữ. Những mảnh vỡ nhỏ, ít hoa văn, ông sắp xếp quây xung quanh vườn hoa lan trước nhà.

"Một lần xem truyền hình “Những mảnh ghép thời gian” về các giá trị văn hóa vật chất của dân tộc ngày càng mai một, tôi nảy ý định lưu giữ những mảnh vỡ lại, để sau này con cháu biết từ xa xưa nơi đây đã có con người sinh sống", ông Trọng giải thích lý do sưu tầm đồ xưa của mình.

Hiện tại, ông Trọng được chính quyền giao nhiệm vụ trông giữ ngôi đền cổ bên bờ sông. Còn cỗ quan tài cổ, người dân tự bảo nhau giữ gìn và có trách nhiệm cảnh báo với khách thập phương muốn khám phá để đề phòng tai nạn khi leo lên trên vách núi.

Cảnh sát toàn cầu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG