'Cô Nết' Như Quỳnh kể chuyện 'Đến hẹn lại lên'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Được coi là một bộ phim kinh điển về chiến tranh cách mạng của điện ảnh Việt Nam, “Đến hẹn lại lên” còn là cầu nối để một cô đào cải lương trở thành diễn viên Như Quỳnh ngày nay. Khi tham gia bộ phim đặc biệt này, Như Quỳnh mới 20 tuổi, và gần như ngay sau đó, chị trở thành người “được nghề chọn”.

Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở tuổi 20

“20 tuổi, lần đầu tiên tôi làm việc với đạo diễn Trần Vũ, ông rất kỹ lưỡng từ những tiểu tiết nhỏ. Để tìm được những bộ áo tứ thân, áo the khăn xếp, ô lục soạn, bộ dây xà tích... người của đoàn phim phải đi khắp 49 làng quan họ ở Bắc Ninh để gom góp. Khi nhận vai Nết, tôi cũng không hiểu vì sao mình được chọn. Mãi sau thấy đạo diễn cầm tấm ảnh đời thường của tôi, tôi mới biết mình được chọn nhờ tấm ảnh này. Cho đến giờ tôi vẫn chưa tìm ra ai là người chụp mình vào khoảnh khắc ấy”, NSND Như Quỳnh chia sẻ.

'Cô Nết' Như Quỳnh kể chuyện 'Đến hẹn lại lên' ảnh 1

NSND Như Quỳnh vai cô Nết trong phim “Đến hẹn lại lên”

Như Quỳnh cũng cho biết, khi được vào vai nữ chính trong “Đến hẹn lại lên”, chị mới có kinh nghiệm đóng một bộ phim, gần như chưa có tiếng tăm gì, diễn viên đóng vai Chi (người yêu Nết) là Vũ Tự Lẫm, cũng là tay ngang - một anh Hai quan họ chưa từng có kinh nghiệm đứng trước ống kính. Nhưng đạo diễn Trần Vũ vẫn chọn họ. Con mắt xanh và quyết định táo bạo của ông chẳng những không gây thất vọng mà còn đạt thành công ngoài mong đợi. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III (năm 1975), phim đã giành được giải Bông sen vàng, Như Quỳnh được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Sau đó, “Đến hẹn lại lên” cũng đoạt Giải thưởng chính tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary năm 1976.

Như Quỳnh sinh năm 1954, là con của cặp vợ chồng diễn viên cải lương nổi tiếng thời bấy giờ là Tiêu Lang và Kim Xuân. Tốt nghiệp ngành diễn viên cải lương khóa đầu tiên của Trường Nghệ thuật Hà Nội, năm 1972, chị gia nhập sân khấu cải lương Chuông Vàng.

“Cải lương là nghề của gia đình tôi, từ cụ, ông ngoại cho đến bố mẹ. Trước khi đóng phim, tôi cũng đã theo cải lương được 10 năm… Nhưng cuối cùng tôi lại chọn điện ảnh. Khi được mời tham gia “Đến hẹn lại lên”, bố mẹ rất lo lắng vì tôi là con gái Hà Nội, lại phải vào vai một cô gái nông thôn những năm 40. Chính mẹ là người đã dẫn tôi đến gặp GS Hoàng Như Mai để tìm hiểu về người phụ nữ Kinh Bắc”, Như Quỳnh nhớ lại.

'Cô Nết' Như Quỳnh kể chuyện 'Đến hẹn lại lên' ảnh 2

NSND Như Quỳnh vai cô Nết trong phim “Đến hẹn lại lên”

Một kỷ niệm khiến chị không thể quên trong quá trình đóng "Đến hẹn lại lên" là cảnh Nết gặp lại người yêu sau nhiều năm xa cách: "Tôi phải khóc nhưng là khóc trong nụ cười hạnh phúc. Đây là cảnh rất khó vì khi đó, tôi mới chỉ 20 tuổi chưa có kinh nghiệm, phải diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần".

Gần 50 năm sau, xem lại “Đến hẹn lại lên”, đạo diễn Phan Đăng Di nhận xét: “Nết dường như đứng ra khỏi dòng chảy thời cuộc hay tính tuyên truyền của nội dung bộ phim, để giữ cho mình một hình tượng xuyên suốt, một vẻ đẹp bất biến với thời gian. Quả thực, xem lại bộ phim đôi chỗ thấy cũ, thấy đã lỗi thời, nhưng nhân vật chính của bộ phim vẫn quyến rũ người xem bằng sự nguyên bản đó. Vẻ đẹp của Nết trong bộ trang phục truyền thống của liền chị quan họ với đôi mắt lá răm lúng liếng bước ra từ cánh cổng làng để dự hội Lim - với tôi đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng của điện ảnh Việt Nam”.

Là một tác phẩm kinh điển của phim truyện Việt Nam, hình thành ý tưởng từ một bộ phim tài liệu, “Đến hẹn lại lên” (đạo diễn Trần Vũ) là câu chuyện cảm động về số phận cô Nết - người con gái quan họ “phận mỏng cánh chuồn” trong quãng thời gian đầy biến động ngay trước cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ.

Nàng thơ của các đạo diễn quốc tế

Nhờ sự bắc cầu của “Đến hẹn lại lên”, Như Quỳnh được nhiều đạo diễn quốc tế để mắt đến.

Phim lớn đầu tiên của nước ngoài mà chị tham gia là “Đông Dương” (Oscar Phim nước ngoài hay nhất) của đạo diễn Regine Wagnier. Trong phim, Như Quỳnh vào vai bà Sao - người đàn bà Việt Nam quyết chạy trốn khỏi sự tối tăm, đói khát mà số phận định sẵn để đi tìm một cuộc sống mới. Có một kỷ niệm đặc biệt ở phim này: khi quay đến cảnh gia đình bà Sao cùng Camile (Phạm Linh Đan) chạy trốn lên đến đèo Hải Vân, bà Sao nhìn qua màn sương mù biết sắp thoát nạn, phía trước là một chân trời mới; đạo diễn muốn bà Sao quay sang chia sẻ sự vui sướng với nhân vật chính Camile, nhưng Như Quỳnh phản bác: “Người phụ nữ Á Đông, nhất là ở thời kỳ ấy, bao giờ cũng chỉ hướng đến chồng con và nếu có gì để chia sẻ thì người đầu tiên nghĩ đến sẽ là chồng”. Đạo diễn suy nghĩ một hồi rồi cũng đồng ý, sau đó còn cảm ơn Như Quỳnh.

'Cô Nết' Như Quỳnh kể chuyện 'Đến hẹn lại lên' ảnh 3

NSND Như Quỳnh của hiện tại

Sau này, Như Quỳnh có dịp cộng tác với Trần Anh Hùng và Lương Triều Vỹ trong phim “Xích lô”. Dù đạo diễn đã được giới thiệu một diễn viên khác nhưng một hôm khi ghé cà phê Quỳnh (khi ấy gia đình Như Quỳnh còn có một quán cà phê nhỏ trên phố Bát Đàn), trò chuyện với bà chủ, Trần Anh Hùng đột ngột đề nghị: “Chị vào vai bà chủ cho phim của Hùng đi". Như Quỳnh kể chị bị “choáng” vì bà chủ trong kịch bản là chủ của một băng đảng đâm thuê chém mướn, lại ôm một mối tình cuồng nhiệt, dữ dội, thậm chí đậm chất bạo lực với nhà thơ (do Lương Triều Vỹ thủ vai), trong khi từ trước đến nay Như Quỳnh trên màn ảnh bị đóng khung trong vẻ dịu dàng, đoan trang, nền nã. Nhưng chị vẫn nhận vai. “Xích lô” sau đó được giải Sư tử vàng LHP Venice 1995.

Nhờ bộ phim này, Trần Anh Hùng và vợ chồng Như Quỳnh trở thành bạn thân. Chính những bữa ăn truyền thống “rất Hà Nội” mà Như Quỳnh đích thân đứng bếp là nguồn cảm hứng để vị đạo diễn người Pháp gốc Việt viết kịch bản “Mùa hè chiều thẳng đứng”, trong đó nhân vật Sương được viết riêng cho Như Quỳnh.

Về sau, Như Quỳnh còn có dịp hợp tác với Đới Tư Kiệt- nhà văn, đạo diễn lừng lẫy người Pháp gốc Hoa trong phim “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa”. Một số phim của các đạo diễn Đức, Hàn Quốc... ở những thời điểm khác càng chứng minh Như Quỳnh không chịu “mọc rễ” ở bất cứ dạng nhân vật hay lối diễn xuất nào.

Nhận xét về nàng thơ của mình, Trần Anh Hùng nói ngắn gọn: “Như Quỳnh rất Việt Nam và rất chuyên nghiệp”.

Một ví dụ đẹp về Người Hà Nội

Gia đình Như Quỳnh hiện vẫn sống quây quần cùng mấy anh chị em (đều ở số 48 Hàng Đào - nơi trước đây là hiệu buôn Tam Kỳ), nhà này chạy sang nhà kia chỉ qua một cái cầu thang gỗ. Ở nhà, quán cà phê hay tại trường quay Như Quỳnh đều giữ thói quen nói nhỏ nhẹ, khi cười chỉ lộ tám cái răng đúng như chuẩn mực thanh lịch của các cụ ngày xưa.

Trong nhà chị, đồ đạc không nhiều nhưng mỗi thứ đều gắn với những kỷ niệm và câu chuyện văn hóa của từng vùng. Ví dụ như cái ghế mây của người Mông mang về từ Sa Pa ngồi uống trà rất tiện, lại cơ động, hợp khung xương người Việt. Hay mấy cái kén tằm vàng óng ở góc bàn, là thứ chị xin ở làng lụa Vạn Phúc, nhìn nó lại nghĩ ra bao nhiêu thứ. Mấy bông ngọc lan hay quả thị vàng óng mùa nào thức nấy là những “hương liệu” Như Quỳnh thích đưa vào không gian sống của mình.

Mặc dù là trai phố cổ, thích giao lưu tụ tập bạn bè, nhưng chồng Như Quỳnh - nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo lại chỉ thích ăn cơm nhà vợ nấu. Món phức tạp đến đâu cũng không làm khó được cô Nết. Trừ những lúc phải xa nhà theo đoàn phim, thời gian ở nhà, Như Quỳnh thích việc nấu nướng, bày biện, thích làm cơm mời khách.

MỚI - NÓNG