Có một làng như thế ở vùng biên

Từ khi A Nông tái định cư xuống chỗ ở mới, các thôn sống quây quần dưới một thung lũng. Ảnh: Đào Phan.
Từ khi A Nông tái định cư xuống chỗ ở mới, các thôn sống quây quần dưới một thung lũng. Ảnh: Đào Phan.
TP - Xã A Nông (huyện Tây Giang, Quảng Nam) nằm sát vùng biên giới Việt - Lào với 99% dân số là đồng bào Cơ Tu. Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để nhờ những cánh rừng cao su bạt ngàn và những trang trại chăn nuôi bò. Điều đặc biệt, nhiều năm qua không gia đình nào sinh con thứ 3.

Nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng già, A Nông hiện lên với những mái nhà san sát nhiều màu sắc thấp thoáng dưới mây. A Nông nay đã đổi khác, những cánh đồi trọc bỏ hoang xưa kia được phủ đầy một màu xanh bạt ngàn của hàng trăm héc ta cao su và keo sắp đến mùa thu hoạch. Dưới tiết trời dày đặc sương mù, buổi sáng ở A Nông đẹp đến lạ thường.

Từ bỏ hủ tục để thoát nghèo

Dân làng ANông trước kia sống xa cách trên các sườn núi, cuộc sống cách biệt nên quanh năm nghèo đói. Nhưng  từ năm 2009, khi UBND tỉnh có chủ trương tái định cư tập trung, tin về đến bản, dân làng tự nguyện làm đơn hiến đất để xã có mặt bằng. Nhà ít thì hiến một héc ta, nhà nhiều thì 5 đến 7 héc ta. Những người hiến đất đều được ghi vào một cuốn sổ của xã, bà con gọi đó là “cuốn sổ vàng”. Ai hiến bao nhiêu, ở đâu đều được ghi trang trọng vào đó.  Ông Alăng Láy cho biết: “Với dân làng ANông, cuốn sổ ấy chính là niềm tự hào và cũng là nơi ghi nhận tấm lòng của dân bản. Hằng năm, trước cuộc họp toàn dân, lãnh đạo xã đều trịnh trọng đọc lại để động viên và thôi thúc tinh thần cho bà con”.

Bỏ tập tục sống du canh du cư, săn bắt hái lượm, bà con A Nông sau đó quần tụ thành bản làng sầm uất để định cư. Bà con A Nông nay đã bỏ hẳn tập quán đốt rừng để làm nương rẫy, khai hoang đồi trọc gần nhà để trồng keo, cao su và lúa nước. Theo số liệu thống kê của UBND xã A Nông, toàn xã hiện có hơn 84 héc ta lúa nước, gần 300 héc ta cao su và keo. Mỗi tháng, thu nhập kiếm được từ việc hỗ trợ chăm sóc rừng lên đến 5 - 6 triệu đồng/hộ. Nhờ thế, cuộc sống bà con Cơ Tu nay không còn khổ cực như trước, nhiều nhà có của ăn của để, sắm sửa các vật dụng đắt tiền. Con cái họ cũng được học hành tử tế, thậm chí, có nhà có tới 5 người con học đại học.

“A Nông là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là một kỳ tích đối với một xã miền núi như A Nông. Huyện đã ra chỉ đạo các địa phương khác học tập mô hình ở A Nông, góp phần đưa Tây Giang phát triển lên tầm mới”.  

Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tây Giang 

Đường vào thôn A Nông phủ nhựa thẳng tắp, thôn này sát vách thôn kia. Điện, đường, trường, trạm xây mới sáng sủa. Trường Tiểu học A Nông rộng cả hecta được xây dựng khang trang. Khuôn viên trường có hẳn một sân bóng rổ và bóng chuyền cho học sinh thỏa sức chơi.  Kề bên, trạm y tế xã mới toanh luôn có y tá trực 24/24. Alăng Láy cho biết, từ khi có trạm y tế, người dân ốm thì đến khám bệnh và lấy thuốc chứ chẳng phải giấu bệnh hay mời thầy cúng về chữa như trước.

Một điều đặc biệt có lẽ cũng chỉ có ở chốn thâm sơn cùng cốc này, đó là phong trào thể dục thể thao lan ra khắp các bản làng. Xã có một sân vận động rộng rãi, giữa trung tâm là mái nhà gươl. Bên cạnh là hai sân bóng chuyền dành cho thanh niên và phụ nữ. Dù cả ngày lên rẫy làm việc nhưng cứ tầm 4 giờ chiều, phụ nữ trong thôn lại tập trung ra sân đánh bóng chuyền.

Có một làng như thế ở vùng biên ảnh 1

Một trong những đàn bò của gia đình ông Hier được thả tự do ở trang rộng hàng chục héc ta, nguồn thu  giúp gia đình ông thoát nghèo.

Quyết chỉ hai con

Ông Alăng Láy, phó Chủ tịch UBND xã ANông hồ hởi dẫn chúng tôi đến làng A Nonh, một thôn dẫn đầu về gia đình kiểu mẫu. “Năm 1998, xã phát động kế hoạch hóa gia đình, Anonh là thôn đầu tiên đăng ký tham gia. Kể từ năm 2001, Anonh là thôn duy nhất của huyện Tây Giang 14 năm liền chưa có một trường hợp nào sinh con thứ ba. Các thôn Arớt, Axòò, Acấp ba năm trở lại đây cũng vậy. Không nói ngoa nhưng phụ nữ xã A Nông “dị ứng” với chuyện đẻ nhiều con lắm”, Alăng Láy khoe.

Để dẫn chứng cho lời mình nói, Alăng Láy mời chúng tôi vào gia đình chị Bríu Thị Nhil. Trong căn nhà sàn, chị Nhil đang thoăn thoắt dệt vải. Nhil cho biết, chị kết hôn với người đàn ông cùng làng năm 2001, hiện có hai đứa con gái. Đứa lớn là Bnướch Thị Nháp (11 tuổi) và Bnướch Thị Nhang (6 tuổi). Chị Nhil nói vợ chồng không có ý định sinh thêm con trai. Ngày trước bố mẹ chị sinh tới 8 người con nên cuộc sống rất khổ cực. Quanh năm cả nhà làm nương không đủ ăn, chị em phải hái rau dại, đào củ rừng ăn qua bữa. Ký ức về một thời khổ cực in hằn nên sau ngày lấy chồng, chị Nhil quyết tâm chỉ sinh một đến hai con để cuộc sống đỡ cực nhọc hơn.

Nhà sát vách, chị Alăng Thị Nhi tự hào khi khoe chúng tôi những tấm giấy khen của đứa con trai đầu. Vợ chồng chị Nhi cũng có hai con. Đứa lớn năm nay lớp 8 được gửi học dưới huyện, năm nào cũng là học sinh giỏi. Đứa nhỏ tuy mới ba tuổi nhưng lại thông minh, lém lỉnh. Nhiều năm nay, kinh tế gia đình chị khấm khá nhờ vừa làm rẫy, vừa mở bán tạp hóa, đêm lại tranh thủ dệt thổ cẩm. “Công việc nhàn hạ nhưng một tháng mình cũng kiếm được dăm bảy triệu. Số tiền ấy mình dành dụm sau này nuôi các con học đại học”, chị Nhi chia sẻ.

“Bây giờ, bà con Anonh ai cũng hiểu và thực hiện răm rắp chủ trương không sinh con thứ 3, chứ những ngày đầu thì khó khăn vất vả lắm”, anh Yđêl Pía, trưởng thôn Anonh nhớ lại câu chuyện dở khóc dở cười về trường hợp của Yđel Hiêng.

Ông Hiêng khi đó có 6 người con nhưng khi cán bộ xã đến nhà vận động không nên sinh thêm nữa thì nhất quyết không chịu, năm lần bảy lượt dọa đánh đập vợ nếu dám làm theo chủ trương. Thậm chí, Hiêng còn giận luôn cả cán bộ. Cái lý của ông Hiêng là sinh nhiều con mới có người làm rẫy, sinh ít người, gia đình sẽ đói nghèo. Cán bộ đành tổ chức cuộc họp bí mật ở mái nhà gươl, rồi nhờ hàng xóm kéo Hiêng ra. Hiêng lúc đầu còn phản ứng, nhưng sau đó ngồi nghe cán bộ phân tích cái lợi, cái tích cực của việc sinh ít con, ông dần hiểu nên đồng ý hứa trước dân làng. Quả nhiên, từ đó về sau vợ chồng Hiêng không sinh thêm nữa. Đến nay, khi 6 người con của ông đều đã lập gia đình, chính Hiêng lại là người khuyên các con sinh đẻ ít để đỡ vất vả.

Có một làng như thế ở vùng biên ảnh 2

Căn biệt thự đồ sộ của gia đình ông Hier và em trai mọc giữa rừng già nhờ mở trang trại chăn nuôi bò.

“Biệt thự” giữa rừng già

Giữa núi rừng Trường Sơn, căn biệt thự đồ sộ của gia đình ông Bling Hier (62 tuổi, thôn A Rớt) mọc mấy  tháng nay khiến bao người phải trầm trồ. Từ chỗ đông con không có cái ăn cái mặc, giờ đây, ông Hier trở thành “đại gia” nhờ mở trại chăn nuôi bò.

Hai mươi năm về trước, gia đình Hier thuộc diện đói nhất làng, vợ chồng làm rẫy quần quật nhưng vẫn không đủ gạo nuôi 6 đứa con. Đói quá sinh liều, ông mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ chương trình phòng chống lụt bão để mua năm con bò giống. Ông mua thép gai, đóng cọc rào vùng đất của gia đình thành trang trại để chăn thả. Hỏi Hier thời điểm đó, làng chưa ai dám nuôi nhiều bò, sao ông lại dám liều đến thế, ông đáp: “Khi ấy mình làm rẫy quanh năm mà vẫn nghèo, con cái đói nheo đói nhóc. Nhiều đêm trăn trở không ngủ được nghĩ cách thoát nghèo. Mình nghĩ với điều kiện ở miền núi thì chỉ có nuôi bò là dễ nhất nên cũng đành liều”.

Được cái mát tay nên đàn bò của ông năm nào cũng sinh đẻ đều đặn.  Rồi ông chi tiền mua thêm. Chỉ sau sáu năm, đàn bò gia đình ông đã lên đến hơn 50 con. Mỗi năm, ông bán rải dăm ba con để lo cuộc sống gia đình, nuôi các con đến trường. Rồi 6 đứa con Hier lần lượt xuống thành phố học đại học, ông quyết định bán hơn nửa số đàn bò. Số tiền thu được, phần lo cho các con, phần dành dụm vốn gây dựng một căn nhà kiên cố về sau.

Đến giữa năm 2014, khi các con đều đã thành đạt, ông bán thêm 20 con bò nữa, thu về 250 triệu để xây căn nhà khang trang cho cả gia đình sống quây quần. Căn “biệt thự” hơn 700 triệu đồng gồm hai tầng, rộng hơn 400 m2 với nội thất đắt tiền. Kề bên là căn “biệt thự” của người em trai ông Hier, cũng giàu lên từ chăn nuôi bò đang dần thành hình. Dân làng thấy ông ăn nên làm ra, cũng mạnh dạn vay chính quyền vốn để lập trại nuôi bò. Đến nay, A Nông đã hình thành 15 nhóm hộ nuôi bò theo mô hình trang trại, mỗi nhóm hộ từ  5 - 10 người. Những hộ lẻ còn lại mỗi nhà ít nhất cũng từ 2 - 5 con, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng. Chỉ vài năm nữa thôi, A Nông sẽ có nhiều căn “biệt thự” tương tự mọc lên.

MỚI - NÓNG