Yêu, hy sinh tất cả cho tình yêu, đi cùng trời cuối đất với người mình yêu. Tình yêu ấy bền đẹp như tiểu thuyết không phải một năm, hai năm mà những… ngót nghét 60 năm…
Trong giới làm văn hoá, nghệ thuật ở Gia Lai hay giữa những cây bút viết về Tây Nguyên giàu bản sắc nhất như Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh..., nói đến đôi vợ chồng Lê Đức Thịnh-H’ben ai cũng quý mến, trân trọng, ngưỡng mộ. Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai khi nghe tôi hỏi về họ đã bảo ngay rằng chuyện tình ấy đẹp hơn cả diễm tình tiểu thuyết Romeo và Juliet!
...Năm 1954, trong đoàn người tập kết ra Bắc, có một cô văn công xinh đẹp, trắng trẻo, duyên dáng người Ba Na ở Plei Tơng (Gia Lai). Trên chặng đường dằng dặc tập kết, người hùng của núi rừng Tây Nguyên Đinh Núp dừng chân ở Nghệ An để xem văn công Tây Nguyên biểu diễn. Núp gan lì dũng cảm trong đánh Pháp nhưng lòng dạ xao động, rối bời bởi cô văn công đồng hương, cách làng Stơr chỉ vài chục cây số đường chim bay.
Anh hùng lụy mỹ nhân! Sau này khi ra đến đất Bắc, H’Ben về Đoàn Văn công Tây Nguyên còn Anh hùng Núp ở Trường cán bộ miền Nam. Say đắm cô thiếu nữ tuổi đôi mươi, Anh hùng Núp thường xuyên lui tới thăm Đoàn Văn công Tây Nguyên ăn ở biểu diễn. Tổ chức biết anh yêu H’ben, trong khi H’Liêu người vợ đầu của anh Núp đã mất năm 1954 trước khi Núp tập kết ra Bắc, Núp cần một mái ấm, nên tác hợp cho họ nên vợ nên chồng. Năm 1959 hai người có với nhau một người con duy nhất đặt tên là Đinh Trung Kiên. Song thật không may, trong lần H’ben đi biểu diễn xa, Đinh Núp ở nhà trông con, bạo bệnh đã khiến Kiên bị liệt cả hai chân và nói không tròn tiếng.
Năm 1960, H’ben nhận được thư trong Nam gởi ra cho biết, người chồng của chị, một nhân vật quá nổi tiếng là Anh hùng Núp, trước khi xuống biển Quy Nhơn lên tàu ra Bắc, theo phong tục của dân làng, đã làm “lễ nối dây” với người em ruột của H’Liêu là cô gái Chrơ, khi đó mới 13-14 tuổi. Hiện Chrơ đã tròn trăng vẫn còn sống và đang đợi chồng trở về!
Hay tin này, H’ben vừa đau khổ vừa áy náy bởi theo tục lệ của người Ba Na, khi người chị (hoặc anh) chết thì người em kế chưa lập gia đình đương nhiên “nối dây” làm vợ (chồng) thay người đã khuất, em vợ (chồng) còn nhỏ mấy cũng phải chờ. Chrơ đã là vợ Núp trước H’ben, người ấy đang đội bom đạn chờ Núp về. Năm 1963 họ chia tay nhau, Núp trở vào lại Tây Nguyên sinh sống với Chrơ cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời mặc dù họ không thể sinh hạ người con nào.
Năm 1966 khi chuẩn bị qua Cu Ba và các nước Đông Âu lưu diễn 8 tháng, H’ben quyết định thử tình cảm của Thịnh xem anh có thật lòng yêu mình không.“60 năm biết yêu anh, chung sống với anh, người chồng đầy vị tha, chân thành, chung thủy, sắt son đó là hạnh phúc lớn nhất của một người phụ nữ mà bà may mắn có được”.
Bà H’ben tâm sự
Hôm đó 2 người hẹn nhau đi chơi công viên, H’ben vờ trượt ngã trầy đầu gối để xem thái độ Thịnh thế nào! Phép thử thật hiệu nghiệm, anh xót xa như thân thể mình xát muối, quyết không để người yêu vịn vai nhảy lò cò đi mà cõng nàng mấy cây số về nhà.
Biết anh yêu thật lòng, H’ben nhận lời sống cùng anh. Chàng trai Hà Nội đã vượt qua tất cả, vượt lên những thị phi để đến với tình yêu. Gần 1 năm H’ben rời xa đất nước, cũng như sau này chị phải nhiều tháng lưu diễn xa Hà Nội, người con riêng tật nguyền ở nhà đều do một tay Thịnh chăm sóc. Nuôi con riêng của vợ chu toàn để vợ hoàn thành nhiệm vụ đồng thời anh cũng phải làm tròn công việc của mình dù không có vợ bên cạnh.
Mãi đến năm 1970 họ mới sinh được một người con trai và cũng là người con trai duy nhất của đôi vợ chồng này, đặt tên là Thắng. Mới sinh ra con họ mừng vui bao nhiêu thì nay khi tuổi già, xế bóng đứa con lại là nỗi đau của họ. Bây giờ khi đã qua cái tuổi 80, H’ben một thân chăm chồng tai biến ngồi trên xe lăn, chăm con bị bệnh từ nhỏ, lại phải nuôi thành quả của yêu thương bằng sự đắng lòng.
Năm 1975 khi nước nhà thống nhất, sơn ca của núi rừng Tây Nguyên nhớ rừng núi, nhớ quê, kiên quyết rời Thủ đô quê chồng về lại Gia Lai. Lê Đức Thịnh yêu vợ, theo vợ vào Tây Nguyên, vùng đất mà anh chưa một lần đặt chân. H’ben về làm Hiệu Phó rồi Hiệu trưởng Trường văn hoá Nghệ thuật Tây Nguyên, còn Thịnh làm Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Triển lãm Gia Lai đóng ở phố núi Pleiku cho đến lúc nghỉ hưu.
Ra đi từ làng Tờng bên dòng sông Ba, cả đời cống hiến cho hoạt động nghệ thuật, khi tuổi già xế bóng, H’ben lại nhớ suối, nhớ làng. Bà đưa ông về quê bà ở làng Tờng tít tận huyện Kông Chro xa ngái, cách phố núi hơn 120 cây số. Họ về dựng một căn nhà sàn, theo mô tả của nhà thơ Văn Công Hùng, rộng bằng 3 cái bàn làm việc để ở và nuôi người con bệnh tật.
Ở tuổi ông bà nhưng sáng sáng người ta nghe họ gọi nhau “mình ơi” rồi đèo nhau trên xe đạp ra chợ bán bó rau mua con cá. Có hôm nhận lương, thư thả thì dắt nhau ra phố huyện cà phê. Đi đâu cũng như đôi sam. Đêm về bà đưa ông từ làng này đến làng khác, nghe đồng bào Ba Na đốt lửa hò hát tâm tình. Bà biết tiếng thì ghi lời ca, ông kí âm nốt nhạc.
Những tưởng tình yêu và sự dịu dàng của họ đã thấu trời xanh, cho họ an hưởng niềm vui tuổi già, nào ngờ đứa con trai duy nhất của họ đủ lông đủ cánh, đã lập gia đình, có nơi ăn chốn ở, giờ hư hỏng quay về nhà tá túc khiến ông bà lại thêm gánh nặng cưu mang. Rồi bệnh ập đến, ông bất ngờ bị tai biến, giờ phải ngồi xe lăn. Chính quyền và các đoàn thể ở Kông Chro quan tâm xây cho họ một căn nhà tình nghĩa, chỗ ăn chỗ ở hôm chúng tôi đến đã khang trang.
H’ben bảo: Cầu trời cho bà được sống khoẻ, được là người ra đi sau cùng trong căn nhà này, dù bà đang là người cao tuổi nhất để bà còn thời gian chăm lo cho chồng, cho con. Không may mà bà đi trước, không biết rồi 3 người người đàn ông còn lại sẽ ra sao.
Niềm an ủi lớn lao nhất của bà là những người họ hàng của ông ở Hà Nội quí trọng và thương mến vợ chồng bà, con cháu vào ra điện thoại động viên thường xuyên. Những người bạn vong niên trong và ngoài tỉnh khi có dịp về Gia Lai, về Kông Chro là không quản đường sá xa xôi đến thăm vợ chồng bà. Bà bảo: “60 năm biết yêu anh, chung sống với anh, người chồng đầy vị tha, chân thành, chung thủy, sắt son đó là hạnh phúc lớn nhất của một người phụ nữ mà bà may mắn có được”.
Pleiku 2/10/2014