Xây dựng hệ giá trị văn hóa: Mấu chốt là đề cao vai trò đầu tàu gương mẫu của lãnh đạo

TPO - Để triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của vùng Đông Nam bộ trong thời kỳ mới, trước hết cần quan tâm vấn đề con người và đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, vấn đề mấu chốt vẫn là phải đề cao vai trò đầu tàu gương mẫu của các tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội.

Ngày 16/10, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đông Nam bộ (gọi tắt là hệ giá trị). Hội thảo có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa: Mấu chốt là đề cao vai trò đầu tàu gương mẫu của lãnh đạo ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi kết luận hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân để xây dựng, hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, cường thịnh.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên Khoa Văn hóa học, Đại học KHXH&NV TPHCM, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM cho rằng để triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của vùng Đông Nam bộ trong thời kỳ mới, trước hết cần quan tâm cho vấn đề con người và đào tạo nguồn nhân lực.

Trong đó, vấn đề mấu chốt vẫn là phải đề cao vai trò đầu tàu gương mẫu của các tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, bên cạnh đó là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, qua đó phát huy vai trò của hệ thống chính trị gắn với sứ mệnh của văn hóa và văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó còn phải dựa trên sức mạnh của toàn dân.

“Đặc biệt, phải xem sức lao động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật trong tình hình mới hiện nay là hàng hóa đặc biệt để đảm bảo nguyên tắc thực hiện tiêu chuẩn hóa, đồng bộ về nhiều mặt cùng lúc”, ông Thắng nói.

Xây đắp các nhóm “tiểu văn hóa”

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết tỉnh này triển khai thực hiện các hệ giá trị đất nước gắn với những đặc điểm rất riêng của địa phương. Theo đó, Bình Dương tập trung vào hai việc: Xây dựng con người có nhân cách, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Cụ thể, tỉnh này một mặt bồi dưỡng các hệ giá trị tinh hoa của đất nước, đồng thời cũng xây dựng các không gian văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần với tiêu chí vui tươi, hạnh phúc, chú trọng khắc phục những chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các nhóm, cộng đồng xã hội với nhau để làm cho các hệ giá trị của đất nước trở thành tiêu chuẩn, chuẩn mực trong nếp sống, giao tiếp, ứng xử.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa: Mấu chốt là đề cao vai trò đầu tàu gương mẫu của lãnh đạo ảnh 2

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh trao đổi cách làm đặc trưng tại địa phương. Ảnh: Ngô Tùng

Tốc độ phát triển đô thị khá nhanh đã tác động rất lớn đến việc xây dựng và thực hiện các hệ giá trị của đất nước và đặc thù tỉnh Bình Dương. Bình Dương nhận thấy không thể “gieo” những hạt giống giá trị về văn hóa một cách chung chung mà phải có sự phân loại, chọn đối tượng phù hợp để “gieo” những giá trị văn hóa và dần hình thành nên những nhóm “tiểu văn hóa”.

Đó là những nhóm “tiểu văn hóa” của người dân khu nhà trọ, “tiểu văn hóa” của khu đô thị mới gắn với những khu trung tâm, những tòa nhà cao tầng, chung cư hay “tiểu văn hóa” ở những khu nhà ở xã hội do cả Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng...

Chẳng hạn trong các khu nhà trọ, người dân từ các tỉnh thành đến đây sinh sống thì việc đầu tiên là phải giữ gìn, phát huy được những nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền. Mặt khác, ở khu nhà trọ những người dân lao động cũng thể hiện rất tốt tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia với nhau. "Đối với công nhân khi ở nhà trọ, ngoài những giá trị văn hóa tốt đẹp của các vùng miền, chúng tôi bồi đắp thêm cho họ ý thức kỷ cương, kỷ luật trong một tập thể, đặc biệt là có lối sống văn hóa, nhân văn”, bà Hạnh nói.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá, hội thảo đã đem lại nhận thức chung, nhất quán về phát triển văn hóa, xây dựng con người là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt, chiến lược. Hội thảo cũng đã đặt ra nhiều vấn đề hay, có giá trị cả lý luận và thực tiễn để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hệ giá trị trong thời kỳ mới.

Tin liên quan