Chúng tôi đến xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vào mùa thu hoạch cà phê, giữa tháng 11/2015. Hỏi về cô Nga hiệu trưởng Trường Búp Sen Hồng ở xã Cư Dliê M’nông, ai cũng biết. Chị nông dân H’Doen Niê lau mồ hôi chỉ đường, nói: “Cô Nga yêu các cháu như con. Nhiều hôm tôi thấy cô ra tận rẫy vận động bố mẹ để các cháu được đến trường. Cô nói tiếng Ê Đê còn nhanh hơn tôi”.
Trường Mầm non Búp Sen Hồng khá khang trang với 8 phòng học được đầu tư xây dựng kiên cố, công trình vệ sinh, hệ thống bếp ăn, các trang thiết bị giảng dạy đủ cho 233 cháu. Khuôn viên trường được chăm chút hài hòa, xanh, sạch đẹp, phù hợp với lứa tuổi mầm non cho các cháu vui chơi.
Nét mặt rạng rỡ, chất giọng đặc miền Trung, cô tâm sự: “Tôi sinh năm 1970 tại vùng quê nghèo khắc nghiệt của tỉnh Nghệ An, từ nhỏ đã ước mơ trở thành cô giáo.
Tháng 7/1985, tôi rời quê hương, một mình khăn gói lên đường vào Đắk Lắk. Tháng 8/1986, tôi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, được phân về dạy Mẫu giáo ở trường Nguyễn Đức Cảnh, tại phân hiệu buôn Tâng Liă, xã EaTar (huyện Cư M’gar). Từ đó, tôi gắn bó đời mình với các cháu nhỏ đồng bào dân tộc nơi đây.
Lúc bấy giờ, khung cảnh còn rất hoang sơ. Trường nằm lọt thỏm giữa một rừng cây. Buôn đồng bào dân tộc Ê Đê sâu tít trong rừng, sinh hoạt gần như thời nguyên thủy, đàn ông đóng khố, phụ nữ thân trần mặc mỗi quần địu con trên lưng đi làm.
Cuộc sống bữa đói, bữa no nên việc học của con em là điều ngoài tầm suy nghĩ của họ. Tôi luôn chạnh lòng khi bắt gặp cảnh những em nhỏ 3-4 tuổi phải cắp cơm, nước theo cha mẹ lên rẫy để kiếm cái ăn, cái mặc.
Bằng tâm huyết, lòng yêu nghề, hằng ngày cố gắng học hỏi, làm quen với ngôn ngữ của đồng bào, cô dần thông thạo tiếng Ê Đê. Với sự khéo léo, thấu hiểu tâm lý, cộng với vốn ngôn ngữ bản địa có được, cô đến từng nhà, lên từng rẫy vận động phụ huynh cho con em đến trường học cái chữ.
Năm 1994, cô giáo Nguyễn Thị Nga được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Drao (xã Cư Dliê M’nông), rồi làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Búp Sen Hồng từ năm 2011.
Với đặc thù gần 90% học sinh là đồng bào dân tộc Ê Đê, 3 phân hiệu nằm rải rác ở các thôn buôn, các thầy cô giáo huy động học sinh ra lớp rất khó khăn.
Cô Nga đã kiên trì cùng giáo viên phối hợp các già làng, trưởng buôn đến từng hộ gia đình tuyên truyền, thuyết phục, nêu lên tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi mầm non đến lớp dần đạt 100%.
Xuống một số gia đình dân tộc trong xã, chúng tôi chứng kiến cô Nga nói tiếng Ê Đê rất lưu loát. Bà A Mí H’Dương, một phụ huynh ở buôn Brãh, cho biết: “Hiếm có cô giáo chịu “cắm dùi” lâu dài trong vùng dân tộc như cô Nga.
Bà con trong buôn rất quý cái tính vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ mọi người của cô. Ban đầu, các cháu trong buôn đến trường còn rụt rè, ít nói. Cô Nga sử dụng kết hợp tiếng Ê Đê và tiếng Kinh hướng dẫn, dạy bảo các cháu. Sau một thời gian học tập, các cháu đều tiến bộ hẳn, chào hỏi rất lễ phép và tiếp thu tốt những gì đã được học trên lớp”.
Cô Nga đã đưa ra các giải pháp hữu ích về tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dạy trẻ 3-5 tuổi học tốt ngôn ngữ, nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần giúp địa phương giảm hẳn tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.
Cô chia sẻ với đồng nghiệp, nhất là những cô giáo trẻ mới ra trường, về kinh nghiệm sống, phong tục tập quán của đồng bào. Gia đình êm ấm với người chồng nông dân và 2 con đã vào đại học giúp cô Nga càng thêm toàn tâm, toàn ý với nghề trồng người của mình.
Thầy giáo Trần Đình Đào, Phó phòng GD&ĐT huyện Cư M’gar, nói: “Cô Nga là một hiệu trưởng giàu kinh nghiệm, nhiệt tình và tận tụy. Công tác lâu năm tại vùng đồng bào dân tộc nên cô có cách tuyên truyền rất đặc biệt và hiệu quả với bà con, nhiều năm liền đạt danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trường Mầm non Búp Sen Hồng, với cống hiến của cô, đang được Phòng Giáo dục giúp đỡ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”.