Cô gái trẻ quên mình cứu 300 người
> Những người đàn ông cứu 240 người trong lũ dữ
> Xả thân cứu người trong rốn lũ
Trong ký ức của nhiều người dân làng Bình Túy (xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), hình ảnh chị Trương Thị Xáng gắn liền với gương mặt sáng, hiền dịu và mái tóc dài mượt được tết đuôi sam.
Trong câu chuyện về chị, người dân nơi đây luôn khắc khoải cái ơn lớn của chị đối với hơn 300 người.
Chúng tôi về làng Bình Túy vào một buổi trưa tháng mười. Đường vắng người qua lại, chỉ thi thoảng thấy có người tạt qua sân nhà ông Trương Hoàng Lâm, đốt nén nhang lên ngôi miếu nhỏ trước cửa nhà ông. "Ngôi miếu này được lập nên từ năm 1996, khi gia đình tôi, nhất là mẹ tôi và làng xóm không thể nén được nỗi tiếc thương cho dù sự việc đã đi qua hơn 30 năm.
Bà con xung quanh cũng không nguôi tiếc nhớ, ai cũng day dứt nên gia đình quyết định lập ngôi miếu này, trước là để ghi nhớ công ơn và tấm gương hy sinh của chị tôi, hai là để những người mang ơn chị ngày trước thỉnh thoảng được thắp cho chị nen nhang tri ân, bày tỏ tấm lòng". Ông Trương Hoàng Lâm, người em út của chị Xáng trầm ngâm kể.
Ngôi miếu ghi nhớ công ơn chị Xáng. |
Sâu nặng ân tình
Những ngày khốc liệt ấy diễn ra cách đây đã gần 50 năm, nhưng với nhiều người lớn tuổi trong làng, từng chi tiết vẫn hiện rõ mồn một. "Xáng bằng tuổi tôi, vẫn thường đánh chắt, đánh chuyền chơi chung. 18 tuổi, Xáng lấy chồng là một du kích ở xóm dưới" - bà Lương Thị Hồng, một người dân ở làng, cũng là người chứng kiến sự việc bồi hồi kể lại.
Trong chiến tranh, Bình Giang là vùng đất giàu truyền thống trong đấu tranh chống giặc, nuôi giấu cán bộ nên luôn là tâm điểm chú ý của địch trong những trận càn. Những năm 64 -65, địch điên cuồng bố ráp, thẳng tay đàn áp, giết hại những gia đình có người đi tập kết hoặc theo cộng sản. Để tránh bom đạn địch, đồng thời có chỗ ẩn náu cho cán bộ, du kích, những gia đình có dính đến cộng sản; người dân trong làng quyết định đào một địa đạo dài từ đầu đến cuối làng, thông ra bờ sông Trường.
"Cả làng tập trung vào đào, cứ hai người phụ trách một đoạn chừng 5m. Đường hầm chạy dích dắc qua nhiều nơi, có chiều dài hơn 2km. Miệng hầm được chống đỡ bằng các nhánh cây, bề rộng khoảng hơn một mét, người lớn có thể cúi lom khom di chuyển trong hầm"- bà Hồng tả. Để thông thoáng không khí trong hầm, du kích làng nảy ra sáng kiến dùng ống tre đục thủng các mắt làm ống thông hơi, thông từ hầm lên giữa các bụi tre rậm nơi đường hầm chạy qua. Nhờ vậy, mọi người có thể trú ẩn dưới hầm cả ngày mà không bị ngạt. Miệng hầm đặt ở nhiều nơi, trong đó có một miệng nằm ngay sau hè nhà chị Xáng. "18 tuổi, khi ấy chị tôi đã làm giao liên được khá lâu, chị cũng vừa kết hôn với anh Anh, một du kích ở xóm dưới". Ông Lâm bùi ngùi nhớ lại.
Ngày 21/2/1965, địch mở cuộc hành quân lớn về làng. "Ngày hôm trước, có 20 anh bộ đội về làng cõng gạo, có lẽ bọn chúng đánh hơi được thông tin ấy nên quyết định tìm diệt". Khi ấy, tuy chỉ mới 12-13 tuổi nhưng ông Lâm vẫn nhớ rất rõ đường hành quân của địch khi nghe người lớn lo lắng bàn tàn với nhau. Và sự thực đúng y như vậy.
Địch huy động một lực lượng lớn gồm 3 tiểu đoàn chính quy, một tiểu đoàn địa phương quân và 12 xe bọc thép chia làm 4 mũi kéo về làng: 1 ngã từ núi Quế (huyện Quế Sơn) kéo xuống, một ngã từ Hội An kéo vô, một ngã từ Hà Lam xuôi theo chợ Được đi vào, và 1 mũi từ Chu Lai bọc tới theo đường biển. Trong làng lúc ấy có hơn 300 cán bộ, du kích, bộ đội và những người được xem là có "dính líu" tới cách mạng. Từ sáng sớm, địch đã có mặt tại Bình Túy, tỏa khắp các nhà mà chúng nghi là có miệng hầm trong làng. Mọi ngả đường đều được lính canh phòng cẩn mật. Âm mưu của địch là chờ đến khi đêm xuống sẽ bao vây và tiêu diệt cả địa đạo.
Nhiệm vụ của chị Xáng khi ấy là tìm cách binh vận, tìm đường rút cho hơn 300 người đang nấp dưới địa đạo. Đến bây giờ, mọi người vẫn không hiểu chị đã làm cách nào để 2 tên lính canh tại nhà chị đồng ý quay đầu theo cách mạng, ngoảnh mặt làm ngơ cho chị đưa mọi người thoát. Phần chị, với thân phận là người hợp pháp, chị tìm cách đi vòng quanh, thám thính xem nơi nào có địch, nơi nào không để tìm đường đi an toàn cho mọi người.
Khéo léo tránh sự nghi ngờ của địch, chập tối chị cầm đèn dầu đi từ nhà chồng về nhà mẹ đẻ. Dọc đường, một toán lính chặn chị lại, chị khóc bảo chị gái đang trở dạ, về nhà gọi mẹ đến giúp. Thấy vậy, đám lính thả cho chị đi. Phần miệng hầm thông ra sông Trường, chị cũng đã đi từ chiều để biết chắc không có địch ngả ấy.
Trước khi xuống hầm đưa mọi người trốn thoát ra ngả sông Trường, chị với 2 người lính gác đã giao hẹn khi chị quay trở lại đưa họ ra vùng giải phóng, đi theo cách mạng chị sẽ dùng đèn pin lóa 1 lần. Chui xuống hầm, với chiếc đèn pin trong tay, cả đoàn bò theo chị, lần lượt được đưa ra mé sông. Tại bờ sông, đã có sẵn cơ sở của ta ngoài đó, cùng với ghe từ Bình Dương qua tiếp vận, đưa cán bộ, bộ đội, du kích và người dân đi qua vùng giải phóng an toàn.
"Khi ấy, nếu chị tôi cùng đi với mọi người, đi luôn trong đêm thì có lẽ mọi chuyện đã khác", ông Lâm ngậm ngùi. Chờ mọi người di tản mất hút vào bóng đêm, chị lần mò quay trở lại xem thử còn ai mắc lại trong hầm không. Đi hết chiều dài hầm, rẽ vào các ngóc ngách coi kỹ, về lại đến nhà mình, từ trong miệng hầm chị lia nhanh bóng đèn pin để làm hiệu cho hai người lính gác. Không ngờ, khi ấy đang lúc đổi phiên, thấy ánh sáng lạ, hai tên lính mới vào đổi ca vội hỏi.
Mặc dù hai người lính cũ trấn an rằng chỉ là bóng đom đóm, nhưng chúng không tin, và xô đi. Bóng hai người lính cũ vừa khuất dạng, lập tức chúng xả súng xuống miệng hầm. Chị hy sinh ngay lúc ấy.
Địch kéo xác chị lên để ngay mé sân nhà. “Khi ấy, mái tóc con bé vẫn còn nguyên bím thắt, lấm lem đất vì chui dưới hầm lên”, một bà cụ gần nhà rơm rớm nước mắt kể lại. Đôi bông tai ngày cưới của chị được một tên lính gỡ ra và đem đưa cho một bà cụ gần nhà, bảo bà đem cho cháu nhỏ ở nhà nhưng “cẩn thận kẻo cháu giật mình”. Nhờ thế mọi người mới biết được tin chị hy sinh, hôm ấy là ngày 22 âm lịch.
Bắn chị xong, địch nhận được tin bộ đội ta đang trên đường hành quân về Thăng Bình nên chuyển quân về lại Hà Lam. Phần cái hầm với hơn 300 “cộng sản” đang xếp hàng dài phía trong, chúng tin chắc rằng như cá đã chui vào rọ, không có đường thoát. Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau khi quay lại, thả chó nghiệp vụ xuống, chúng mới thất kinh phát hiện toàn bộ “cá” mà chúng đinh ninh sẽ “dãy cỏ” được ở làng Bình Túy đã đi hết, chỉ còn đường hầm rỗng không.
Đám tang chị Xáng ngày ấy trở thành một điều không thể quên với những người dân Bình Giang lúc bấy giờ. Chừng ấy người có mặt là chừng ấy tiếng khóc thương, cảm phục tấm gương anh dũng của người con gái vùng cát. Càng đau xót hơn khi anh Anh, chồng chị (cũng là du kích xã) và mẹ chị cho biết chị đang mang thai hai tháng. Không có chị, xã Bình Giang lúc ấy có khi đã trở thành “vùng trắng” bởi những cán bộ, du kích, bộ đội, cơ sở chủ chốt của xã đều nằm cả trong hầm. Những tiếng nức nở kéo dài cả nhiều ngày sau đó, nhiều người nói chị là đã sinh ra họ lần thứ hai.
Năm 2012, hồ sơ công nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của chị mới được phê ký, tuy nhiên, với người dân Bình Giang, khi nhắc đến tên chị bao giờ mọi người cũng gọi chị Xáng anh hùng.
“Địa đạo vẫn còn nguyên dưới lòng đất”
Đó là lời khẳng định của ông Lâm và nhiều người dân xung quanh khi được hỏi về hầm địa đạo, thứ gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Bình Giang. “Mặc dù thời gian có làm hầm nhỏ lại hay bị bồi lấp, nhưng dấu tích của nó thì vẫn còn nguyên, bởi hầm được đào dưới lớp cát kết dày và cứng, năm ngoái làm đường bê-tông, khi đào xuống chúng tôi còn gặp mớ bao cát kê trong hầm và ống hầm bị thu hẹp” -bà Hồng khẳng định. Chỉ dấu tích miệng hầm xưa nơi chị gái mình hy sinh, ông Lâm cho biết những khi trời mưa, nơi đường hầm đi qua nền đất bị võng xuống dần dần. Nhiều người dân trong làng cũng cho biết vị trí những nơi hầm đi qua họ còn nhớ như in, và có thể vẽ sơ đồ dễ dàng.
Mong ước của người dân Bình Túy là hầm địa đạo được phục dựng để ghi nhớ một thời đấu tranh hào hùng của Bình Giang nói chung và tấm gương hy sinh của chị Xáng nói riêng, cũng là để lớp con cháu không quên công ơn của những người đi trước.
Theo Hà Kiều
Dòng Đời