Các đối tượng ở 2 cơ sở đặc sản gần Thung lũng tình yêu cầm dao gậy rượt đuổi, đánh nhau |
Ngày 22/7, UBND TP Đà Lạt cho biết vừa có văn bản yêu cầu các phòng ban liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc kinh doanh hàng đặc sản, không để tình trạng một số cơ sở sử dụng các đối tượng tiếp thị không lành mạnh chèo kéo du khách mua đặc sản gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh du lịch Đà Lạt; tạo dư luận không tốt trong xã hội, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
"Cò" đeo bám, chèo kéo du khách trước cổng Vườn hoa Đà Lạt |
Đoàn liên ngành phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành lập ngay 3 tổ để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh hàng đặc sản có sử dụng hoạt động tiếp thị không lành mạnh; bán đặc sản không rõ nguồn gốc, không niêm yết giá và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công an kiểm tra, lập biên bản về các vi phạm tại cơ sở bán hàng đặc sản |
Công an TP Đà Lạt chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, Công an phường, xã tăng cường lực lượng chốt trực, kiểm tra, xử lý tình trạng tiếp thị không lành mạnh, đặc biệt tại các khu/điểm du lịch, chợ Đêm Đà Lạt.
Lực lượng này sẽ rà soát các đối tượng tiếp thị không lành mạnh, không để các đối tượng tập trung, mời chào tại các khu du lịch; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera an ninh để làm cơ sở xử lý nghiêm, dứt điểm và răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm.
Đặc biệt, công an phối hợp UBND phường, xã khảo sát, lắp đặt camera tại các vị trí hay xảy ra “cò kéo”, đồng thời kết nối vào hệ thống chung của thành phố để theo dõi, kịp thời phát hiện vi phạm.
"Cò đặc sản" xung đột với hướng dẫn viên du lịch khi không được lên ô tô tiếp thị bán mứt |
Như Tiền Phong đã có nhiều tin bài phản ánh, Đà Lạt có lực lượng “cò” hùng hậu: Từ cò mứt, cò dâu tây đến cò nhà hàng, cò khách sạn… Các đối tượng này thường xuyên đeo bám, chèo kéo, quấy nhiễu, thậm chí lừa đảo khiến du khách dễ bị hớ bởi phải trả tiền cao so hơn giá trị thực của hàng hóa, dịch vụ.
Nguyên nhân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch đua nhau chi phần trăm cho “cò”, hướng dẫn viên du lịch và tài xế khi đưa khách tới cơ sở của mình lưu trú, ăn uống, mua sắm với mức chi lên tới từ 25-35% so với tổng số tiền trong hóa đơn mua hàng. Từ đó hình thành những “luật ngầm”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa điểm kinh doanh này.
Chiêu bài phổ biến nhất của “cò” là hứa hẹn đưa khách đi tham quan vườn dâu tây để hái dâu, thưởng thức miễn phí tại vườn, mua dâu giá rẻ, chỉ từ 20.000 đồng/kg... Tuy nhiên, trước đó, du khách bị “áp tải” tới những “cơ sở đặc sản Đà Lạt”, bị nài ép mua nhiều loại trà, mứt, khoai củ sấy… với giá cao gấp đôi, gấp ba so với ngoài chợ. Nói là đặc sản Đà Lạt nhưng đa số là hàng hóa Trung Quốc đội lốt.
Công an Đà Lạt niêm phong một số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tại cửa hàng mứt |
Sau khi du khách mua “đặc sản”, các đối tượng đưa họ đến vườn dâu nào đó rồi nhanh chóng bỏ đi. Khách vào vườn hái dâu, khi ra tính tiền mới biết 1kg dâu tây có giá từ 200.000 – 400.000 đồng. Khi du khách phản ứng thì chủ vườn cho biết không có quan hệ gì với nhóm “cò” trên. Lúc này, du khách mới ngớ người vì đã bị “cò” lừa.