Ngày 12/6, Công an TP Đà Lạt cho biết vừa bắt quả tang Nguyễn An (27 tuổi, trú TP.Tuy Hòa, Phú Yên) và Văn Tiến Quang (30 tuổi, ngụ TP.Phan Rang, Ninh Thuận) hành nghề “cò” đặc sản. Lực lượng chức năng đã yêu cầu các đối tượng về cơ quan công an làm việc.
Kết quả điều tra bước đầu, An làm “cò” cho cơ sở kinh doanh mứt Trung Thành, còn Quang đang làm cho cơ sở kinh doanh mứt Thùy Trang trên đường Nguyên Tử Lực (Phường 8). Đội điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ đã tạm giữ 2 xe máy và xử phạt vi phạm hành chính mỗi đối tượng 3 triệu đồng.
Các đội nghiệp vụ của Công an TP. Đà Lạt đã tiến hành kiểm tra nhanh 2 cơ sở kinh doanh đặc sản Trung Thành và Thùy Trang; qua đó phát hiện nhiều thùng ngâm dâu tây, dâu tằm, lên men nha đam chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thu giữ hàng trăm gói mứt (hoa hồng, xí muội, chanh non sấy…) không có nguồn gốc, xuất xứ.
Theo phản ánh của du khách, “cò” đặc sản thường tập trung mồi chài, chèo kéo trước cổng các điểm du lịch nổi tiếng như Thung lũng tình yêu, Vườn hoa thành phố…; dí những chiếc card visit (có tên cơ sở kinh doanh đặc sản, địa chỉ các vườn dâu) tận tay để mời chào, chèo kéo họ đến tham quan vườn dâu tây. Tuy nhiên mục đích chính của “cò” là đưa khách đến mua hàng tại các cơ sở bán đặc sản để hưởng tiền hoa hồng.
Nhiều du khách than vãn vì quá mệt mỏi với kiểu chèo kéo này mà mất cả hứng thú đi chơi. Một số người phản ánh đã bị “cò” đặc sản lừa đi tham quan những vườn dâu èo uột và bị ép mua đặc sản với giá quá cao.
Từ đầu năm 2019 tới nay, Công an thành phố đã xử lý 23 “cò” đặc sản và phát hiện, xử phạt các cơ sở kinh doanh đặc sản không có nguồn gốc (chủ yếu trên các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương, Nguyên Tử Lực…) với số tiền trên 50 triệu đồng, tạm giữ hàng chục xe máy các loại.
Công an TP Đà Lạt cho biết sẽ kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh đặc sản sử dụng “cò” để chèo kéo du khách, làm xấu đi hình ảnh của Đà Lạt. Cơ sở nào tái phạm nhiều lần sẽ bị chính quyền thành phố rút giấy phép kinh doanh.