Ngày 26/6, ngành chức năng cho biết tình trạng “cò” khách sạn, “cò” đặc sản đã xuất hiện khá lâu tại thành phố Đà Lạt.
Phần lớn là nam giới từ 20 – 30 tuổi sử dụng xe gắn máy bám theo đoàn xe du lịch hoặc các nhóm du khách tại những nơi đông người như bến xe, công viên, trước cổng các khu du lịch... “Cò” ra sức mồi chài, níu kéo khách vào các quầy hàng mua bán đặc sản Đà Lạt, “lò mứt”, “vườn dâu”…
Vì tranh giành khách mà một số “cò” đánh chém nhau gây ra án mạng. Một số “cò” còn sử dụng bạo lực và đe dọa các lái xe, hướng dẫn viên du lịch và du khách, bắt buộc phải mua sắm, sử dụng dịch vụ tại một số địa chỉ “mặc định”.
Mục đích là để được hưởng phần trăm “hoa hồng” trên doanh số bán sản phẩm của các cửa hàng cho đoàn khách mà “cò” đưa đến. Có những trường hợp tiền “hoa hồng” cho “cò” lên tới 30-40%.
Cuối tháng 4/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo các ban ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm nạn “cò du lịch” tại địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, an toàn tính mạng của du khách; tìm lại hình ảnh một Đà Lạt mộng mơ, bình yên, đẹp đẽ thường thấy trước kia.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh cam kết không sử dụng “cò” nhằm xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, văn minh và thân thiện.
Các ban ngành chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, trong đó Công an thành phố Đà Lạt tổ chức đợt cao điểm ra quân chấn chỉnh nạn “cò” đặc sản. Tuy nhiên hiện vẫn chưa hoàn toàn xóa bỏ được tình trạng này.