Khó dồn xe “đầu gấu” ngồi chung “mâm”
Chủ trương chuyển tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng thành buýt được Bộ GTVT kỳ vọng loại được nạn “xe dù, xe đầu gấu” vốn gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, xe buýt chạy trên một tuyến phải do một doanh nghiệp (DN) điều hành, toàn bộ xe cùng một màu sơn... Điều đó có nghĩa, để chuyển đổi từ xe khách thành xe buýt sẽ phải gộp tất cả các DN hiện tại làm một hoặc cho giải thể tất cả để chọn một DN duy nhất vào cung cấp dịch vụ xe buýt trên tuyến. Điều đó gần như là không thể trong vận tải, đặc biệt là tuyến thường xuyên có va chạm giữa các chủ DN vận tải như ở Hải Phòng. Tình hình phức tạp đến mức, có chủ hãng xe tiết lộ, lúc xảy ra căng thẳng, mỗi khi di chuyển phải bố trí một xe 12 chỗ chở vệ sỹ phía sau để tránh bị DN đối thủ hành hung.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc hãng xe Đất Cảng cho rằng: Xe buýt đúng nghĩa phải được điều hành tập trung một đầu mối, cho xuất bến vào ngày/giờ thấp thưa đi, ngày/giờ cao điểm cao hơn... Điều đó khó thành hiện thực vì các DN không chấp nhận mất thương hiệu để “ngồi chung mâm”. “Ngoài ra, xe buýt phải có 2 cửa lên xuống, hiện các DN đã đầu tư xe 1 cửa, trị giá hàng tỷ đồng/xe, thay xe mới không chi phí nào bù đắp được” – ông Hải nói.
Nếu theo phương án cho xe khách và xe buýt cùng tồn tại song song sẽ đẩy hoạt động xe khách trên tuyến này thêm rối. Chẳng hạn, như tuyến Huế - Quảng Ngãi cho chạy song song giữa xe buýt và xe khách một thời gian, các DN đề nghị chuyển hết thành xe buýt vì không cạnh tranh nổi. Ông Vũ Đức Hoàng, Phó Giám đốc Cty xe khách Hoàng Long cho rằng: Xe buýt phải dừng đúng điểm còn xe khách không bị hạn chế điểm dừng đỗ nên không ai dại gì đầu tư chạy xe buýt.
Chỉ là bố trí điểm dừng?
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 11/10 về những khúc mắc nêu trên, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ (đơn vị trực tiếp được Bộ GTVT giao nghiên cứu triển khai đề án) hầu như chưa đề cập đến phương án chuyển xe khách thành xe buýt.
Bà Hiền cho hay: Trên cơ sở hiện trạng hoạt động của các DN, công tác quản lý nhà nước của địa phương, Tổng cục Đường bộ đang tổ chức nghiên cứu thí điểm điều hành tập trung hoạt động của tuyến. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT đã hoàn thành cắm biển và cho các DN đăng ký điểm dừng đón trả khách trên tuyến. Tổng cục đã: Xây dựng phần mềm riêng quản lý hoạt động của toàn bộ phương tiện trên tuyến (trên cơ sở dữ liệu từ phương án hoạt động của DN và chiết xuất từ thiết bị giám sát hành trình; Phân công một đơn vị cùng các Sở GTVT Hà Nội, Hải Phòng theo dõi hoạt động của tuyến thông qua phần mềm và màn hình online trực tuyến. Các Sở GTVT Hà Nội và Hải Phòng sẽ chủ trì quản lý tuyến theo quy định thông qua phần mềm điều hành tập trung.
Tuy nhiên, đại diện các DN vận tải trên tuyến cho rằng, ngay cả phương án “xe buýt sơ khai” chỉ bao gồm điểm dừng đỗ này nếu được thực hiện cũng cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng. Làm sao kiểm soát được xe khách dừng không quá ba phút tại điểm chờ như quy định? Rồi xe vượt nhau đua điểm chờ hoặc án ngữ hàng chục phút tại điểm chờ để chặn xe “cùng hội” vợt khách phía trước. “Nếu không chuẩn bị kỹ, có biện pháp xử lý triệt để, việc cắm điểm chờ khách cũng chỉ mang tính khuyến khích, dần tạo thói quen cho khách, chưa thể tạo đột phá trong dịch vụ” – ông Khúc Hữu Thanh Hải nhìn nhận.
Ngày 19/7/2016, Thủ tướng có công điện về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Sau đó, ngày 28/7, Bộ GTVT ban hành công văn triển khai công điện này. Trong văn bản này, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện công điện theo chức năng, nhiệm vụ. Ngoài ra, văn bản này cũng giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu thí điểm chuyển tuyến xe khách cố định thành tuyến xe buýt.