Chuyện tình nữ sinh trường y với chàng trai liệt tứ chi

Chuyện tình nữ sinh trường y với chàng trai liệt tứ chi
Vượt qua bao nhiêu rào cản và sự dị nghị, họ đã đến với nhau bằng tình yêu chân chính. Không ai ngờ rằng một cô gái xinh đẹp lại lấy một chàng trai mất hết sức lao động làm chồng.

Chuyện tình nữ sinh trường y với chàng trai liệt tứ chi

Vượt qua bao nhiêu rào cản và sự dị nghị, họ đã đến với nhau bằng tình yêu chân chính. Không ai ngờ rằng một cô gái xinh đẹp lại lấy một chàng trai mất hết sức lao động làm chồng.

Tình yêu của hai người như một câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại mà ai một lần được nghe qua cũng cảm thấy khâm phục. Và ông trời cũng đã không phụ lòng người khi giờ đây vợ chồng anh chị đang có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Đó là sự báo đáp xứng đáng cho những gì mà hai người đã phải vượt qua bao gian nan vất vả mới có được.

Anh Hiền hạnh phúc bên gia đình mình
Anh Hiền hạnh phúc bên gia đình mình.
 

Đôi bàn tay chiến thắng số phận

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Tấn Hiền (SN 1981, quê ở xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và chị Nguyễn Thị Lý (SN 1985, quê huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, bố mất sớm, gia cảnh lại khó khăn nên anh phải tạm gác chuyện học hành sang một bên, ở nhà phụ giúp gia đình. Năm 1999 nhận được giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự anh lên đường nhập ngũ.

Sau khi kết thúc khóa huấn luyện anh xuất ngũ và làm hồ sơ dự thi rồi trúng tuyển vào khoa sư phạm toán Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. “Ngày đó do gia đình khó khăn, thấy bạn bè đi học mà mình ở nhà cũng buồn lắm. Tới khi vào trong trại huấn luyện vừa có điều kiện hơn nên mình cũng tích cóp tiền mua sách vở về tự học. Nghĩ sau này nếu có thi đậu đi nữa thì việc gia đình lo được cho mình ăn học cũng là một vấn đề nên tôi quyết định thi vào trường sư phạm mong có thể giảm bớt đi phần nào chi phí, không ngờ trong lần đầu tiên dự thi lại thi đỗ”, anh Hiền tâm sự.

Nhà cách trường hơn 10 cây số anh không ở trọ mà hằng ngày đạp xe đi về vừa để tiết kiệm chi phí vừa thuận tiện chăm sóc mẹ già neo đơn. Một lần trên đường đi học về do bị lóa đèn pha của xe khách ngược chiều, dù đã cẩn thận tấp sát vào lề đường nhưng do không may anh bị trượt chân hố ga bên đường không có nắp đậy. Cú ngã định mệnh ấy cướp đi không chỉ sức khỏe của chàng thanh niên khỏe mạnh là chỗ dựa cho mẹ già, mà nó còn cướp đi ước mơ cháy bỏng trở thành một người thầy ngày nào của anh chỉ sau 27 ngày ngồi trên ghế giảng đường.

Được đưa vào bệnh viện điều trị với tình trạng: gãy đốt sống cổ, giập tủy sống, các bác sĩ cho biết anh có sống cũng bị liệt toàn thân suốt đời. Vừa mới nghe qua dường như cả bầu trời sụp xuống trước mắt. “Đó là khoảng thời gian tôi chán nản nhất, chỉ muốn chết đi cho xong. Nhiều đêm nằm một mình ở bệnh viện tôi lại thấy tủi thân và khóc một mình”, anh kể. Thương anh, người thân đã tìm đủ mọi phương cách để chữa trị. Suốt bảy năm ròng rã là những tháng ngày cuộc sống của anh gắn liền với giường bệnh. Anh chuyển từ bệnh viện này đến bênh viện khác từ Chợ Rẫy đến Bình Dương…

Hoàn cảnh gia đình suy kiệt hoàn toàn khi phải điều trị cho anh trong suốt một thời gian dài. Nhận được tấm lòng hảo tâm của một số cá nhân cũng như tổ chức nhân đạo anh được chuyển ra điều trị tại bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Anh bộc bạch “Tôi phải mất mấy tháng để vượt qua sự đau khổ và chán nản ban đầu. Nghĩ lại dù sao mọi chuyện cũng đã qua nên bây giờ tốt nhất là mình phải biết chấp nhận số phận, tuy tàn nhưng không phế. Suốt quãng thời gian bảy năm ròng rã sau đó mình chưa từng có một ý nghĩ đầu hàng số phận, chưa một lần muốn rời bỏ cuộc sống này”. Tuy bị liệt toàn thân nhưng anh vẫn luôn tham gia các hoạt động văn nghệ. Năm 2009 khi kết thúc quá trình điều trị anh được giữ lại làm nhân viên xã hội Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Lấy bệnh viện làm hôn trường

Ở tại Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng anh không chỉ tìm lại được những giá trị của cuộc sống mà đây còn là nơi anh tìm được một nửa yêu thương, người mà tới giờ vẫn đang cùng anh chung sống trong một mái nhà hạnh phúc. Hai người gặp nhau lần đầu tiên trên danh nghĩa là bệnh nhân với sinh viên trường y thực tập. Chị Nguyễn Thị Lý (vợ anh) lúc ấy đang là sinh viên năm 2 của Trường cao đẳng Y tế trung ương II. Vốn là một cô gái xinh đẹp, hiền lành, bên chị luôn không thiếu những chàng trai theo đuổi. Nhưng suốt quảng đời sinh viên chị chỉ biết chú tâm vào việc học để theo đuổi ước mơ trở thành một cô điều dưỡng chứ không hề nghĩ đến chuyện yêu đương.

Lần đầu gặp nhau cô gái xinh đẹp mới tròn hai mươi tuổi ngay lập tức cảm mến nghị lực sống, sự lạc quan yêu đời mãnh liệt của chàng trai bị liệt toàn thân ấy. Trái tim chị bắt đầu có sự rung động đầu đời. Rồi chị đã thương thầm nhớ trộm anh lúc nào không hay. Quãng thời gian sau đó, chị luôn tranh thủ tìm cơ hội để gặp gỡ trò chuyện với anh, chỉ mong cho đến cuối tuần để được gặp nhau. Sáu tháng kể từ ngày hai người gặp nhau lần đầu tiên chị đã chủ động tỏ tình với anh.

Khi trả lời câu hỏi: Chị không sợ sẽ khổ nếu lấy một người bị liệt tứ chi, trong khi có rất nhiều người khác khỏe mạnh theo đuổi mình? Chị không ngại ngần chia sẻ: “Mình cảm phục nghị lực sống, sự lạc quan yêu đời của anh ngay từ lần đầu găp gỡ, muốn ở bên chia sẻ chăm sóc và trở thành một phần cuộc sống của anh”.

Nhìn vợ, anh xúc động kể: “Dù bị tôi tránh mặt nhưng cô ấy vẫn tìm gặp tôi cho bằng được. Suốt hơn ba năm, thứ bảy, Chủ nhật nào Lý cũng đạp xe hơn mười cây số từ trường sang đây bất kể mưa gió để trò chuyện, giúp tôi tập luyện, ở lại với tôi đến khuya mới về lại trường”.

Từ chỗ bị liệt tứ chi chỉ nằm một chỗ đến nay anh Hiền có thể ngồi xe lăn, tự làm các hoạt động vệ sinh cá nhân. Thời gian rảnh, anh bắt đầu làm quen với hội họa, vừa giúp anh vận động được ngón tay lại có thêm niềm vui trong những tháng ngày điều trị tại bệnh viện. Và chính chị luôn ở bên động viên và giúp đỡ anh trong những ngày đầu tiên anh bước vào con đường nghệ thuật.

Nhưng tình yêu ấy cũng gặp phải sự phản đối quyết liệt. Biết tin người yêu của chị Lý là một người khuyết tật, gia đình và họ hàng ra sức ngăn cản từ nhẹ nhàng khuyên giải về tương lai sẽ gặp phải những khó khăn như thế nào như lấy anh chị phải lo toan mọi nhu cầu cho gia đình; một mình gánh gồng mọi việc trên đôi vai nhỏ bé của mình mà không có sự sẻ chia chung sức của chồng. Khuyên giải không được bố mẹ chị đã nhiều lần bắt xe từ quê (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) vào để ngăn cản hai người.

Anh Hiền đã viết một bức tâm thử gửi cho bố mẹ người yêu mong muốn nhận được sự đồng ý của họ. Trước tình yêu của đôi trẻ dành cho nhau, bố mẹ Lý cuối cùng cũng đồng ý cho đám cưới diễn ra.

Anh chị quyết định tổ chức đám cưới tại bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng vào đầu năm 2010 sau hơn ba năm yêu nhau. Đám cưới được tổ chức đơn giản nhưng ấm áp bởi tình cảm của các y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng cùng toàn thể bệnh nhân đang điều trị, tập luyện phục hồi chức năng ở đây. Ai cũng mừng cho hạnh phúc của đôi trẻ. Bệnh viện cũng là nơi ghi lại những kỷ niệm tình yêu ngọt ngào của anh chị. Hạnh phúc nhân đôi khi 1 năm sau ngày cưới, đứa con trai đầu lòng của họ chào đời.

Tuy cuộc sống hai người vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng anh cảm thấy hạnh phúc với một người vợ tảo tần hết mực yêu thương chồng con, một cậu con trai kháu khỉnh khỏe mạnh. Anh chia sẻ: “Cuộc đời tôi thực sự may mắn khi có được cô ấy, bây giờ dù có đánh đổi cả ngàn vàng để lấy đi hạnh phúc này tôi không bao giờ đồng ý.

Theo Dân Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
TPO - Dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội lần đầu được thông qua năm 1994. Kiến trúc sư, GS.TS Hoàng Đạo Kính - người chủ trì hội đồng trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội 30 năm trước - nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ông tiết lộ quá trình trùng tu công trình kiến trúc gắn liền với tên tuổi Thủ đô Hà Nội.