Chuyện một gia đình chín mẹ con đều là tỷ phú

Chuyện một gia đình chín mẹ con đều là tỷ phú
TP - Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Vinh và ông Trần Hậu Thể ở xóm 7 xã Kỳ Phong - Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Nhà có chín người con (2 gái, 7 trai) đều được đặt theo vần T: Thu (con gái), Thi, Thanh, Thành, Thạnh, Thạch, Thủy, Thúy (con gái), Thiên.
Chuyện một gia đình chín mẹ con đều là tỷ phú ảnh 1

Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh đang thu hoạch gỗ

Chị Thu sinh 1959 lấy chồng về xã Kỳ Bắc chuyên chăm lo nghiệp ruộng đồng không có vườn rừng.

Còn lại 8 người con và ông bà có tổng diện tích rừng khoảng 250 ha và số trâu bò đàn lên tới hơn 100 con.

Với giá thị trường như hiện nay chia bình quân thì ai cũng vượt trên mức tỷ phú.

Năm 1990, Đại thủy nông Sông Rác ngăn dòng, một phần lớn đất đai xã Kỳ Hương bị ngập trong lòng hồ và đường 24 nối QL 1A đi qua Kỳ Hương lên Kỳ Tây nhập vào đường 22 cũng xóa luôn phiên hiệu.

Từ đây hình thành một vùng đồi trọc nằm phía Đông lòng hồ Sông Rác có đến hàng ngàn ha đất bỏ hoang. Con đường lên lòng hồ cheo leo phải qua rất nhiều núi đá không ai màng ngó tới.

Năm ấy bà Nguyễn Thị Vinh đã bước vào độ tuổi gần 50, do nhiều năm buôn bán dành dụm tích luỹ được nguồn tài chính vào loại khá. Nhà có mảnh vườn sát QL 1A rộng gần ngàn m2 cho UBND xã mượn họp chợ, gia đình xin chính quyền cho đóng trại ở ven xứ lòng hồ Sông Rác để chăn nuôi trâu bò đàn.

Kế hoạch bà vạch ra là bám trụ vùng đất này lâu dài nên gia đình đã bao quanh một vùng đồi thượng nguồn và mấy chục thửa ruộng, trồng 20ha cây với mục đích vừa lấy bóng râm cho đàn trâu bò, giữ nguồn nước cho ruộng và tự túc củi đun bếp.

Thấy bà Vinh rời nhà trèo đèo lội suối vượt hàng chục cây số lên rừng, nhiều người chê bà dại: “Nhà chẳng ở, đất mặt tiền không bám mà cho xã mượn… lên rú đóng trại làm mồi cho muỗi đốt sên ăn”.

Chồng bà, ông Trần Hậu Thể đang là cán bộ ngành lương thực cũng đã can ngăn. Bà Vinh cự lại nói giọng quả quyết: “Nhà chín đứa con, tui không bươn chải lấy chi mà sống, lấy chi mà nuôi con cái học hành…”.

Nguồn vốn ban đầu bà Vinh mang lên trang trại  là chục con trâu sinh sản. Sống ở vùng đất mênh mông, lau cỏ bạt ngàn lại có cả lòng hồ chứa hàng trăm triệu khối nước, đàn trâu nhà bà Vinh ăn no tắm mát chóng lớn khác thường, sinh lợi rất nhanh.

Sau dăm năm cả trâu lẫn bò có đến 60 con. Tại thời điểm ấy bà Vinh là người xếp nhất tỉnh về số lượng trâu bò đàn. Sẵn phân trâu bò gia đình đã khai hoang trên mẫu ruộng cấy lúa, mỗi mùa thu hoạch trên 2 tấn thóc ăn đủ cho gia đình, chăn nuôi lợn gà hàng trăm con và thuê mướn nhân công.

Chuyện một gia đình chín mẹ con đều là tỷ phú ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Vinh bên cánh rừng của gia đình

Cuối năm 1994 có 85 người dân thuộc các xã Kỳ Bắc và Kỳ Phong… dồn lên một chiếc thuyền vượt qua lòng hồ lên rừng thuộc xã Kỳ Tây lấy củi.

Ra giữa hồ, không may thuyền quá tải bị chìm 31 người dân thiệt mạng. Hôm ấy nhờ có trại của bà Vinh làm nơi nương thân cho những người sống sót.

Sau vụ đắm đò thương tâm ấy nhìn bạt ngàn núi đồi sim mua, bỏ hoang không một bóng cây, trong đầu bà Vinh bật lên ý nghĩ  phải trồng rừng.

Bà đã về gặp một cán bộ xã đưa ra ý kiến: “Nếu mọi  người nghe lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích 10 năm trồng cây” thì cả xứ đồi hoang này đã thành rừng lâu rồi, bà con ta khỏi phải vượt lòng hồ đi lấy củi đường vừa xa vừa nguy hiểm. Từ nay xã cho phép gia đình chúng tôi ngoài 20ha đã trồng từ lâu xin nhận thêm 100 ha nữa…”.

Thời ấy xã sẵn sàng cho bà bao vùng đất xung quanh trang trại. Đây là lần thứ hai bà Vinh huy động tổng lực vốn vàng bạc dự trữ tung ra thuê mướn nhân công đào hố trồng cây.

Trong gia đình có người thiếu quyết tâm, bà Vinh đưa ra lời giải thích: “Chỉ sau độ 10 năm, chẳng cần làm gì, khi rừng đã lên xanh  ngồi ở đây chặt cây bán củi không những đủ sống mà còn làm giàu”.

Từ đó bà đã xây dựng kế hoạch làm vườn ươm và điều hành nhân lực, luân phiên đào hố đến đâu trồng cây đến đó. Thời kỳ này huyện đang triển khai chương trình 327 trồng cây thuộc vùng thượng nguồn Sông Rác, vùng đồi núi mà gia đình bà Vinh đóng trại thuộc hạ lưu nhưng Ban dự án thấy gia đình này có tinh thần quyết tâm dám nghĩ, dám làm cũng đã hỗ trợ một nguồn cây giống gồm tràm, keo và bạch đàn.

Tính đến cuối năm 1996 gia đình bà Vinh đã trồng được 100 ha cây các loại, rừng đang từng bước lên xanh phủ kín những đồi sim mua năm nào xơ xác còi cọc.

Theo gương mẹ, người con trai thứ 3 tên là Trần Hậu Thanh có vợ là Nguyễn Thị Thành vừa lập gia đình riêng ra phía đồi hoang gần đập Bảy Sào bao một vùng đất trống đồi trọc 8ha làm nhà ở và tiến hành trồng rừng. Khi cây của Thanh lên xanh nhiều người cũng làm theo.

Tiên lượng được trong tương lai đất đai sẽ có giá, vợ chồng Thanh và Thành còn mua lại của nhiều gia đình hơn 30 ha nương rẫy dưới chân Động Voi rồi thuê nhân lực trồng rừng. Nay Trần Hậu Thanh có đến 2 khu vườn rừng tổng cộng có hơn 38 ha với đàn trâu bò hàng chục con.

Người con thứ 4 là Trần Hậu Thành có vợ là Nguyễn Thị Liên tính chuyện xa hơn. Thành đã đóng chiếc thuyền ngược lòng hồ đi về mạn rú Hương và khu Hậu Cần, sát biên giới nông trường 12/9 xưa (nay là xã Kỳ Trung) bao đất trồng 80 ha rừng.

Cách đây khoảng 4 năm, anh Thành không may thiệt phận vì một vụ tai nạn giao thông, để lại cho vợ và 2 con nhỏ 80 ha rừng đã lên xanh và đàn bò 7 con. Chị Liên kế tục sự nghiệp của chồng bảo quản rừng và nhân đàn bò từ 7 con, hiện đã lên đến 30 con.

Trần Hậu Thạnh, vợ là Nguyễn Thị Oanh làm nhà sát cửa chợ, Thạnh làm nghề vận tải nhưng đôi vợ chồng này cũng có khu vườn rừng 15 ha giáp với xã Kỳ Trung. Bà Vinh đã cho Thạnh một phần diện tích vài chục ha để mỗi đứa con trai chuyên chú nghề vườn rừng đều có khoảng 30 ha.

Trần Hậu Thạch là người con thứ 7, đã bước sang tuổi 34, do say nghiệp trồng rừng Thạch vẫn chưa có thời gian lấy vợ. Hiện tại Thạch chuyên quản 80 ha vườn rừng và đàn trâu bò hàng mấy chục con.

Trong nhiều kỳ Đại hội những điển hình thanh niên tiên tiến làm kinh tế xuất sắc, Thạch luôn được biểu dương là điển hình của huyện.

Người con thứ 8 là Trần Hậu Thủy 30 tuổi có vợ tên là Nguyễn Thị Hợp. Thuỷ cũng là người sớm khôn, cách đây hơn chục năm khi chưa lấy vợ, Thủy đã bao cả một vùng đất rộng lớn gần 50 ha đồi trọc ở vùng khe Hũng Cuồng để trồng keo và bạch đàn.

Anh đã bỏ ra gần 10 triệu đồng kéo đường điện từ làng lên. Ngoài nguồn vốn hơn 45 ha rừng, Thủy còn có đàn gia súc hàng chục con trâu bò, hàng trăm con gà, vịt không những đủ thực phẩm dùng cho gia đình và người làm công mà còn bán ra thị trường mỗi năm hàng tạ thịt gà.

Người con trai út tên là Trần Hậu Thiên 28 tuổi. Khi chưa cưới vợ, cậu út này cũng đã có nguồn gia tài vườn rừng hơn 30 ha đã lên xanh. Hiện tại Thiên đã có vợ và 1 con. Thiên đương nhiệm là Bí thư chi đoàn thôn Hoà Bình.

Điều đáng nói là đã hai lần chi bộ Đảng ở đây đồng ý giới thiệu Thiên lên Đảng ủy xã đề xuất kết nạp người thanh niên xuất sắc này vào Đảng nhưng có một nhân vật trong Đảng ủy đã ngăn cản nhiều lần với lý do rất cá nhân. Huyện ủy Kỳ Anh đang tiến hành điều tra làm rõ sự việc.

Người con trai cả của Trần Hậu Thi và vợ đều là giáo viên bậc THPT cũng có 10 ha rừng. Trần Thị Thúy cô gái áp chót làm nghề buôn bán và nhiếp ảnh cũng có 5ha rừng đã lên xanh.

Bà Nguyễn Thị Vinh là người đi tiên phong trong việc trồng rừng sớm nhất ở Kỳ Anh. Lứa cây đầu tiên bà trồng từ 1992 đến nay đã có 15 năm tuổi, diện tích khoảng 20 ha mật độ trung bình  còn lại khoảng 1.000 cây/ ha.

Nhiều năm qua bà đã chặt tỉa bán, lô nào thu hoạch lứa cũ xong là trồng lứa mới xen vào. Mỗi cây 15 tuổi giá thành hiện nay mèng nhất với giá nguyên liệu giấy cũng thu về 150.000 đồng. Nếu thu hoạch một lần thì giá thành của 20 ha rừng ấy cho khoản tiền ít nhất cũng 3 tỷ  đồng.

Gia đình này chưa vội thu hoạch của nhà mà bỏ tiền mua một ô tô trọng tải lớn với mấy xe Hoa Mai đi mua cây của người khác đem nhập cho nhà máy gỗ dăm lấy tiền lãi.

Số còn lại khoảng 100 ha có độ tuổi quân bình từ 7-8 năm rồi đây gia đình sẽ thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, khai thác đến đâu trồng mới đến đó. Mỗi cây loại này giá thành không dưới 50.000 đồng. Mỗi ha cho nguồn thu ít nhất là 50 triệu nhân lên thành mấy chục tỷ.

Cách đây dăm năm, khi nhà máy gỗ Băm Dăm Việt - Nhật được khai trương ở Cảng Vũng Áng, những gia đình có nguồn rừng trồng bỗng chốc thu về hàng trăm triệu đồng. Thấy việc lợi ai cũng làm, nay người người trồng rừng nhà nhà trồng rừng.

Trên đất Kỳ Anh những gia đình có vài chục ha rừng mới trồng dăm bảy tuổi không ít. Nhưng một đại gia đình có 9 thành viên với nguồn rừng đã trồng từ lâu nay đến kỳ thu hoạch trên 200 ha, ai cũng có tiền tỷ như mẹ con bà Nguyễn Thị Vinh thì ở Hà Tĩnh chỉ có một không hai.

 Tháng 4/2007

MỚI - NÓNG