Ngày 24-2, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm Lê Quốc Việt (SN 1982, trú Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội) cùng sáu đồng phạm đều làm việc tại Cty cổ phần United Moto Việt Nam (Cty UMV), thuộc khu công nghiệp Nội Bài. Cả bảy người bị truy tố về hành vi trộm cắp tài sản của Cty, theo khoản 1 Điều 138 BLHS.
Theo cáo trạng, dễ nhận thấy hành vi trộm cắp của các bị cáo có tổ chức, có sự bàn bạc, phân công, có người chủ mưu cầm đầu.
Cụ thể, tháng 3-2011, Lê Quốc Việt là Chủ nhiệm, Trần Văn Lộc là Trưởng chuyền, Tạ Duy Hiền là nhân viên bốc xếp của phân xưởng sơn khung, cùng nhau phát hiện một số khung xe máy Super Dream “thừa”, không có trong sổ kho.
Việt, Lộc và Hiền bàn với Nguyễn Thị Dung là thủ kho xuất hàng của Phòng tiêu thụ, Tạ Thị Yên là thủ kho nhập hàng, đem 40 bộ khung xe máy đi cất giấu ngay trong nhà máy, khi nào có điều kiện thì đưa ra ngoài bán.
Để đưa được số hàng này ra ngoài, Hiền tìm gặp Trần Quang Trung (chuyên vận chuyển hàng hóa cho Cty UMV) đưa ô tô đến kho của doanh nghiệp chở hàng như thường ngày, nhưng “quá tay” chở thêm 40 khung xe máy. Số khung xe này sau đó đã được các đối tượng bán, lấy tiền chia nhau.
Tháng 4-2011, với thủ đoạn tương tự, Việt và các đối tượng lấy tiếp 20 bộ khung xe, bán lấy tiền chia nhau. Vụ việc bị phát giác nhờ hệ thống camera của Cty, các đối tượng đồng loạt sa lưới pháp luật. Theo CQĐT, tổng trị giá số tài sản các đối tượng đã trộm cắp là 27,1 triệu đồng.
Trước vành móng ngựa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng cáo buộc. HĐXX đã đánh giá cụ thể vai trò của từng bị cáo trong vụ án, tuyên phạt Lê Quốc Việt, Trần Văn Lộc cùng mức án 18 tháng tù cho hưởng án treo. Các bị cáo còn lại từ 9 tháng đến 15 tháng tù, và đều được hưởng án treo.
Nhiều người theo dõi phiên toà nhận định, tuy các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt - lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả... nên việc một số bị cáo được hưởng án treo là thoả đáng.
Tuy nhiên, “hạt sạn” trong bản án này, đó là cơ quan công tố và cơ quan xét xử đã bỏ qua tình tiết định khung “phạm tội có tổ chức”, nên đã... chuyển khoản cho các bị cáo, thay vì khoản 2 của Điều 138 BLHS có khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù, là khoản 1 có khung hình phạt cao nhất chỉ 3 năm tù.
Luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định phạm tội có tổ chức thể hiện qua việc có nhiều người tham gia phạm tội, có sự bàn bạc, phân công, có người chủ mưu cầm đầu.
Rất dễ nhận thấy, nếu ý tưởng trộm cắp của một vài kẻ chủ mưu trong vụ án này không được bàn bạc, đồng thuận, giúp sức của các đồng phạm khác ở các vị trí công tác khác nhau, chắc chắn 60 chiếc khung xe máy không thể lọt qua xưởng máy, để mang ra ngoài tiêu thụ. Vì sao các cơ quan tố tụng bỏ qua tình tiết định khung này của các bị cáo, là câu hỏi chưa có câu trả lời.