Chuyện Hùm xám đường 4: Châu về hợp phố

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chuyến du lịch Paris tháng 9/2005, người lính già Đặng Văn Việt cũng đã hoàn thành một sứ mệnh ngoại giao độc đáo!

Những dòng chính sử về trận Đông Khê và Chiến dịch Biên giới vẫn rạng son trong quân sử. Đại tá Charton - Chỉ huy trưởng trung đoàn số 3 Lê dương và chỉ huy Lepage bị bắt làm tù binh. Charton bị bắt ngày 8/10/1950 tại Cốc Xá, Quang Liệt.

Hồ Chủ tịch có một cuộc vi hành độc đáo trong vai Cố vấn chính trị của Mặt trận. Theo tài liệu hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Hồ sơ 1490, phông Phủ Thủ tướng), Cụ Hồ theo chân sĩ quan Phan Phác đi thăm 2 đại tá tù binh. Qua mấy vạt ruộng đến một cửa hang thấy Charton nằm trên chiếc chõng tre. Áo hở bụng lộ vết thương băng bó. Râu ria xồm xòa.

Chuyện Hùm xám đường 4: Châu về hợp phố ảnh 1

Đại tá Charton (ngậm tẩu) và đại tá Lepage trước thời điểm bị bắt

Tất nhiên viên đại tá Charton không biết cụ già này là ai. Nhưng ông ta cũng thoáng nhận ra ánh mắt nể trọng của những người lính đi theo cụ.

Khi được hỏi han về vết thương, ông ta nói ngay:

- Tôi định giơ tay hàng thế mà lính của các ông vẫn đâm thủng bụng tôi.

- Anh bị thương ở bụng? Thế cái băng nói lên điều gì? Nếu không có bộ đội Việt Nam băng bó cho liệu anh có còn sống? Trong chiến trận nhiều tình huống phức tạp không thể lường hết được!

- Các ông giam tôi ở cái hang đá ẩm thấp cực khổ thế này? Thế các ông không có trại tù binh à?

- Chỉ là tạm thời, đang đánh nhau mà! Anh phải biết điều đó chứ?

- …

- Các anh nghĩ gì về những chiến sĩ của chúng tôi?

- Thưa ngài, quả thực người lính của các ngài là những người không bình thường, họ không bị rập khuôn theo một cuốn sách nào cả!

- Chẳng có gì lạ, họ chỉ là những người yêu nước muốn giành độc lập tự do cho Tổ quốc mình!

Hồ Chủ tịch thong thả đưa tay vào túi áo. Người đưa Charton một bao thuốc lá Phillip Moris.

Lúc ra khỏi hang, Người hỏi phái viên mặt trận Phan Phác:

- Hai đại tá tù binh, chú thấy chúng thế nào?

- Dạ thưa, Charton đáng ghét hơn. Là hắn cứ chửi ta luôn mồm…

- Không chú ạ, Charton phổi bò. Còn Lepage mới là nguy hiểm.

Muốn biết đại tá Lepage nguy hiểm thế nào xin khất bạn đọc một dịp khác. Bây giờ trở lại viên quan năm Charrton. Y quen hút tẩu, sẵn bao thuốc của Hồ Chủ tịch cho, y nhấm nháp dần. Rồi Charton lâm bệnh. Có ngơi hút tẩu.

Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt gọi Trần Năm - một sĩ quan dưới quyền vốn thạo tiếng Pháp. Lệnh là phải chăm sóc lẫn coi sóc vị quan năm này chu đáo bởi cấp trên còn rất cần đến tù binh này.

Được chăm sóc chu đáo, đỡ dần rồi dứt sốt. Charton cảm mến Trần Năm tặng anh cái tẩu.

- Ông giữ lại mà dùng!

Charton đưa ra một cái khác:

- Có rồi, dự phòng đây…

Trần Năm cũng tặng vị quan năm tù binh này chiếc gậy cầm tay của mình.

Chiếc tẩu được Trần Năm cất giữ cẩn thận. Trước khi mất, ông trao lại cho người bạn thân là đại úy Trương Sáng - một đồng đội.

Hơn nửa thế kỷ sau, mùa thu năm 2003 trong dịp trung tá Đặng Văn Việt thăm Lạng Sơn, ông Trương Sáng đã trao lại chiếc tẩu cho ông Đặng Văn Việt.

Trong chuyến đi du lịch Pháp năm 2005, người lính già Đặng Văn Việt đã tặng lại chiếc tẩu này cho ông Giám đốc Bảo tàng Lê dương Paris. Kèm theo là lá thư do chính Đặng Văn Việt viết bằng tiếng Pháp.

Thưa Ngài!

Nhân dịp đến thăm nước Pháp, tôi có mang theo chiếc tẩu thuốc - mà theo gợi ý của đồng đội cũ đường số 4 của tôi, để được tặng lại bảo tàng của Ngài.

Chiếc tẩu thuốc này là một kỷ vật có ý nghĩa lịch sử mà Ðại tá Charton luôn dùng trong tất cả các cuộc hành quân mà ông từng điều binh với tư cách người chỉ huy Trung đoàn 3 Lê dương (REI-3) ở Ðông Dương từ năm 1947 đến năm 1950 trên các đường số 4 và số 3 nằm trong các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn mà lúc ấy bản thân tôi đối diện làm nhiệm vụ bảo vệ các vùng đó.

Ngày 8/10/1950, tại Cốc Xá - Quảng Liệt, Ðại tá Charton đã bị bắt làm tù binh. Trong thời gian bị giam giữ, ông ta bị ốm và đã được ông Trần Năm, một trong những sĩ quan của tôi giúp đỡ và chữa khỏi bệnh. Như một cử chỉ tri ân, Ðại tá Charton đã tặng chiếc tẩu thuốc lá kỷ vật của mình cho ông Trần Năm và ngược lại, ông Năm cũng tặng lại chiếc gậy đang dùng cho Ðại tá Charton.

Trước khi mất, ông Trần Năm đã di tặng chiếc tẩu thuốc đó cho Ðại úy Trương Sáng và ông Sáng đã trao lại cho tôi nhân chuyến đi thăm Lạng Sơn tháng 10/2003 để tưởng nhớ lại những năm tháng chiến tranh mà tôi đã từng là chỉ huy của ông...

Trung tá quân đội Nhân dân Việt Nam Ðặng Văn Việt.

Cựu chỉ huy mặt trận đường 4 (1947 - 1950)

Ký tên

Đặng Văn Việt

Cứ day dứt mãi cảm giác áy náy băn khoăn khi nghĩ đến thông tin từ người con dâu cụ Việt hôm gặp bữa trước: căn hộ này là vợ chồng ông bà thuê. Với mong muốn là gia đình có chỗ rồng rộng. Và nữa, cuối đời cụ Việt có chỗ định cư tàm tạm?

Cụ bà thiệt phận đi sớm thì đã đành một nhẽ. Thôi cũng mừng cho cụ ông, cao niên vậy vẫn còn nhúc nhắc đi lại được, già còn cậy nhờ được con. Một quá vãng tất tả phải ở dưới làng Khương lóc cóc lúi húi với mớ rau và hoa tự trồng vườn, rồi tất tả sớm chiều ra chợ để kiếm thêm nay đã lùi vào lăng lắc! Nghe thêm chuyện người con dâu rằng mấy năm trước cụ còn cỡi được xe máy. Và trước nữa cụ rất ham thích thể thao!

Môn thể thao mà cụ đam mê nhất là quần vợt. Nhiều năm tham gia thi đấu đoạt giải nhất, nhì của Hội người cao tuổi thành phố. Đầu 2010 các cụ rủ đi khiêu vũ, cụ hăng hái hưởng ứng ngay!

Tại Câu lạc bộ khiêu vũ ngoài trời Thăng Long ở Công viên Tuổi trẻ hay Câu lạc bộ khiêu vũ Bình Minh cụ thường xuyên có mặt. Năng khiếu từ những năm xa hướng đạo sinh và thời tuổi trẻ đã giúp cụ nhanh chóng làm quen với Rumba, Boston Valse…

Cụ vui vẻ bộc bạch trong vài vần thơ vui.

Đầu óc luôn thảnh thơi/ Khiêu vũ rồi đi bơi/ Luôn vui cùng thơ phú/ Còn giờ thì vi vu/ Sinh hoạt và sinh lý/ Nhịp nhàng và hợp lý/ Đời ta là hết ý/ Nếu không thì hết hơi!

Bí quyết để giữ gìn sức khỏe - theo cụ, cái nhất vẫn là cố tránh stress, không bức xúc, bất mãn. Và luôn lạc quan.

Một huyền thoại, có lẽ khó dùng cụm từ nào khác dành cho cụ Đặng Văn Việt? Định bụng hôm nào quấy quả cụ để rành rẽ thêm chuyện cụ từng là chủ biên tác phẩm đồ sộ Việt Nam chống xâm lược.

Đó là một công trình công phu viết đi viết lại có tới sáu, bảy lần. Đã tổ chức hội thảo từ Bắc tới Nam lấy ý kiến đóng góp của nhiều vị tướng lĩnh, nhà sử học. Trong đó có các ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà nghiên cứu, nhà sử học nổi tiếng như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Phạn Huy Lê, Hà Văn Tấn…

Đây là cuốn sách lớn nói về toàn bộ lịch sử chống xâm lược của Việt Nam từ cổ đại đến nay. Khái quát cái hay, cái độc đáo của nghệ thuật quân sự thể hiện tài thao lược trí thông minh của dân tộc ta. Là tài liệu tham khảo để giáo dục lịch sử quân sự, nghệ thuật chỉ đạo chiến đấu cho hệ thống trường học, các học viện quốc gia… (trích lời tựa của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo).

Cũng cần nói thêm, sở dĩ có cuốn sách này là do sinh thời Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - nhiều năm làm Giám đốc Nhà Xuất bản Ngoại văn - trăn trở rằng Việt Nam có thiên trường sử về chống xâm lược sao vẫn chưa có tác phẩm nào về lịch sử chống xâm lược?

Chuyện Hùm xám đường 4: Châu về hợp phố ảnh 2

Người lính già Đặng Văn Việt

Ảnh: Phạm Vân

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện luôn coi người lính già Đặng Văn Việt là nhà chỉ huy quân sự tài năng nổi tiếng thời chống Pháp, đã mời ông cộng tác. Ông Đặng Văn Việt đã mấy lần từ chối song được tướng Giáp trực tiếp động viên, ông đã tham gia với tư cách chủ biên.

Khởi xướng từ một cuộc hội thảo tại Nhà Xuất bản Thế Giới do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì từ năm 1993, cuốn sách đã được tiến hành một cách bền bỉ, thận trọng.

15 năm sau, GS Trần Văn Giàu, khi lâm bệnh nặng đã viết lời giới thiệu. Xin trích:

Tôi vui mừng thấy công trình Việt Nam chống xâm lược sau 16 năm mang nặng đẻ đau nay được ra chào đời!

… Nay tôi đã 99 tuổi (cùng thời với tướng Giáp) vốn thời gian không còn là bao, mơ ước của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng là mơ ước của tôi nay đã thành hiện thực. Tôi thấy có thể yên tâm ra đi và xin giới thiệu cuốn sách Việt Nam chống xâm lược của tác giả Đặng Văn Việt - người chủ biên, cùng toàn thể quân đội nhân dân cả nước.

Hiếm hoi dưới gầm giời Nam có một người lính già như cụ Đặng Văn Việt! Như nhận xét của Đại tướng Bruneau Cornual, một cựu tù binh đường số 4:

Ngài đã chịu khó một cách phi thường!

Vĩ thanh

Hồi 0h55 phút ngày 25/9/2021, người lính già Đặng Văn Việt đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 102 tuổi!

Tang lễ cụ Đặng Văn Việt được tổ chức trang trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa viếng!

Chuyện Hùm xám đường 4: Châu về hợp phố ảnh 3
Tác phẩm cuối cùng của cụ Đặng Văn Việt

Chủ trì lễ tang vị Trung tá lớp đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An.

Bên bàn ghi sổ tang có một chỗ phát quà của chủ tang. Đó là cuốn sách đã nói ở trên, bản in mang tên “Việt Nam bản hùng ca giữ nước”, bìa cứng tày tặn 367 trang, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông. Chủ biên Đặng Văn Việt. Lời tựa của Giáo sư - tướng Hoàng Minh Thảo. Như vậy sau 28 năm sách mới được xuất bản.

MỚI - NÓNG