Các cô em, Đặng Thị Tâm, Giáo sư Tiến sĩ ngành Tâm lý trẻ em tại Illinois (Hoa Kỳ), Giáo sư Đặng Văn Kỳ đang dạy ở Polytechnique (Pháp) và bà chị gái sống ở Sydney (Úc).
Như một đoạn mờ nhòe, một khúc quanh trong lý lịch mà sau này, ông Việt không muốn nhắc, cũng chẳng muốn luyến láy mà làm chi điệp khúc của ngày buồn ấy?
Từng chỉ huy Trung đoàn có những người lính, những tài năng quân sự hiếm hoi như Chính trị viên Chu Huy Mân, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu An mà chỉ sau một thời gian ngắn họ trở thành những danh tướng nước Việt, ông Đặng Văn Việt vẫn chỉ là trung tá. Vâng, thời điểm chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và dằng dặc lê thê mãi cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, người lính ấy vẫn mãi đeo hàm trung tá, hàm cấp mà năm 1947 tướng Giáp đã phong tặng cho ông!
Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt sẽ phải tạm biệt Trung đoàn 174 thân yêu suốt gần 7 năm trận mạc cùng vào sinh ra tử đi nhận nhiệm vụ mới. Đó là việc phụ trách trường Sĩ quan Lục quân đóng ở Trung Quốc. Trong khi đó Trung đoàn 174 của Đặng Văn Việt được lệnh hành quân gấp lên chiến trường Điện Biên.
Vị chỉ huy trung đoàn tài ba thời điểm ấy tuy muộn nhưng cũng nhận được tin dữ từ Diễn Châu loang ra. Nỗi buồn mất bố cùng gia đình ly tán không rõ sống chết lành dữ thế nào?
Sao lại không tâm tư, không suy nghĩ cho được?
Có lẽ tài danh trên Mặt trận Đường 4 đã cứu con hùm xám Đặng Văn Việt khỏi mắc vào cái nạn cùng cái hạn là bị buộc phải rời quân ngũ để lê gót về quê nhà Diễn Châu chịu cảnh đấu tố với cha mình như nhiều sĩ quan quân đội khi ấy?
Và sau khi hoàn thành nhiệm vụ phụ trách Trường lục quân, việc chuyển ngành đầu năm 1960 làm Cục phó Cục xây dựng cơ bản thuộc Bộ Xây dựng cũng là thứ may mắn, an ủi với trung tá Đặng Văn Việt?
Những ngày tàm tạm yên hàn sau này, ông Việt bất ngờ có thời điểm sững sờ, nỗi mừng biết lấy chi cân khi đột ngột nhận được tin nhắn của một người em ruột ly tán ngày ấy đang yên ổn định cư ở xứ người.
Một ngày cuối xuân 1998, chuông điện thoại nhà ông Việt đổ từng hồi dài. Người con dâu nhận ra giọng của một người nước ngoài. Ông Việt cầm lấy máy.
Đầu dây bên kia văng vẳng chất giọng đặc Pháp.
… Người ấy xưng là Marcel Bigeard, thiếu tá cựu tù binh trong trận Điện Biên Phủ. Sau người ấy là Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hoà Pháp, hiện đã nghỉ hưu. Ông nói hiện đang ở khách sạn Thăng Long Hà Nội. (Chỗ này cần nói rõ, hiện có chỗ ghi ông Marcel Bigeard là trung tá thời ở Điện Biên Phủ. Người viết ghi theo tư liệu của ông Đặng Văn Việt là thiếu tá).
Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Marcel Bigeard sang du lịch Việt Nam cùng với một số cựu binh đường 4 năm xưa. Ông thay mặt anh em cùng đi muốn mời “đại tá” Đặng Văn Việt chỉ huy Mặt trận đường 4 năm xưa đến dự bữa cơm thân mật tại khách sạn Thăng Long!
Cú điện thoại đột ngột khiến ông Việt suy nghĩ rất lung. Sau mới biết thông qua Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp đã hồi hưu mới biết số điện thoại nhà riêng của ông Việt.
Hai người Âu cao lớn đón ông Việt tận cổng khách sạn Thăng Long. Sau ông Việt mới biết hai ông ấy đều là đại tướng. Đại tướng Bigeard, nguyên chỉ huy quân dù ở Điện Biên Phủ; và đại tướng Bizard, năm 1950 là trung úy, Phó Chỉ huy phân khu Na Sầm năm xưa.
Bigeard thân mật khoác tay ông Việt vào căn phòng rộng. Ở đó có 8 đại tá cựu binh đã chờ sẵn. Tất cả đã già. Tất cả đều nguyên là tù binh trận đường 4. Và tất thảy đều đứng dậy vỗ tay ran chào mừng vị khách mới tới!
Vào tiệc, đại tướng Bigeard nói lý do cuộc gặp và bày tỏ niềm vui được du lịch Việt Nam nên mới có cuộc hội ngộ hôm nay.
Khi được mời phát biểu, ông Việt nói chất giọng Pháp còn giòn rôm rốp: Tôi chưa bao giờ mang hàm đại tá. Các bạn hãy gọi tôi là trung tá. Hàm trung tá mà Tướng Giáp đã phong cho tôi từ năm 1947. Mà thôi, hãy gọi tôi là người lính già Đặng Văn Việt.
Tướng Bigeard đứng dậy giọng xúc động:
Thưa ngài, chúng tôi là những cựu binh Pháp đã chiến đấu trên Đường 4 và tại một số mặt trận ở Đông Dương xin được kính chào ngài là người chỉ huy, người chiến thắng tại Mặt trận Đường số 4 một người mà chúng tôi phải kính nể…
Thiếu tá Bigeard - Sau trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Pháp (giữa) thời ở chiến trường Đông Dương |
Chúng ta gặp nhau nhiều lần trên chiến trường mà chưa biết mặt nhau. Nay lịch sử sang trang, chúng ta gặp nhau không mặc cảm không hận thù. Hãy cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh xây đắp tình hữu nghị hai dân tộc Việt - Pháp các bạn đồng ý không?
Mọi người vỗ tay. Vui vẻ cùng ăn uống, chuyện trò ôn lại những kỷ niệm một thời trận mạc.
Sau cùng, tướng Bigeard ngỏ nguyện vọng đoàn sẽ đi thăm chiến trường xưa và tha thiết mời người lính già Đặng Văn Việt đi cùng!
Cuộc hành trình kéo dài 3 ngày 2 đêm.
Đoàn đến Na Sầm nơi chiến trường mà trung úy Bizard từng đảm trách. Vị sĩ quan đứng lặng hồi lâu. Rồi Bizard rẽ lá vạch lau gai tiến vào vị trí cũ của đồn binh ngày trước. Tướng Bizard bồi hồi giới thiệu đâu là nơi ở của ông ngày trước, cùng cung cách bố trí nghiêm ngặt như thế nào. Vị tướng không quên nhắc lại đồn đây từng được mệnh danh là Le NidD’Algle (Ổ đại bàng).
Dọc đường 4 nhiều cứ điểm, ổ đề kháng mà quân của Đặng Văn Việt với Pháp từng quần nhau ác liệt 2-3 lần. Khi nghe Đặng Văn Việt giới thiệu tỷ mỉ phương án tác chiến của Trung đoàn 174 trên đường 4, tướng Bizard lắc đầu: Các ngài đánh thế chúng tôi thua là phải.
Thăm pháo đài Đông Khê, cả đoàn lại nghe một lượt lời giới thiệu của tướng Bizard phân tích cách bố phòng vòng trong vòng ngoài - nơi mà đại tá Charton ra lệnh tử thủ và khẳng định Việt Minh không thể nào chiếm được!
Tướng Bizard đang nói sự thực… Ông Đặng Văn Việt chợt nhớ đánh Cao Bằng sẽ rất khó, tổn thất nhiều. Đặng Văn Việt ngày ấy đã mạnh dạn đề đạt với Võ đại tướng cho đánh cứ điểm Đông Khê và được chấp thuận. Đánh Đông Khê và bắt sống Bizard.
Trên xe hay lúc tới thăm lại chiến trường, ôn lại những trận đụng độ ác liệt… chuyện nở xôm tụ. Hai ông già Đặng Văn Việt và Bizard luôn ngồi cạnh nhau. Có lúc gà gật ngả đầu vào vai nhau. Hai đêm ngủ, hai người cùng chung một phòng ở khách sạn được coi là tươm nhất.
Năm 2005, ông Đặng Văn Việt lần đầu được đặt chân đến Paris theo lời mời của một người em từng lưu lạc sau biến cố cải cách ruộng đất. Một khung cảnh, một cuộc hội ngộ khá là ngoạn mục. Được đại tướng Bigeard báo trước nên hàng trăm cựu binh đường số 4 và Điện Biên Phủ đã kéo đến nơi ở của Đặng Văn Việt. Rất nhiều vợ con của họ cũng theo đến.
Được tin người lính già Đặng Văn Việt đến Paris - vì lý do sức khỏe, từ quê nhà ở Brestagne, đại tướng Bigeard, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Pháp gửi lên Paris một bức điện.
Tôi nhận được tin ngài đến Paris, vì điều kiện tuổi tác và sức khỏe, tôi không thể đến thăm ngài được. Tôi rất yêu quý Việt Nam. Tôi đã để một phần trái tim của tôi ở đất nước ngài. Khi nào tôi qua đời, một phần tro của tôi xin được gửi qua Điện Biên Phủ để bên cạnh các bạn chiến đấu cũ của tôi.
Bạn thân của ngài. Tôi ôm hôn ngài.
Tháng 9 năm 2005.
Bigeard!
Cũng cần nói thêm trước chuyến đi du lịch Pháp ấy của người lính già Đặng Văn Việt, một tổ chức có tên ANAPI (Asociaton Nationale des Anciens Prisonniers D’Indochine - Hội Cựu tù binh Chiến tranh Đông Dương quốc gia) có hơn 2.000 hội viên do Đại tướng Bruneau làm chủ tịch; Năm 2000 Hội đã tổ chức một đoàn du lịch gồm 330 cựu binh Pháp thăm Việt Nam. Họ đã tìm gặp người lính già Đặng Văn Việt và mời ông gia nhập đoàn!
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam khi ấy là tướng Đặng Văn Quang đã tiếp Đoàn tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Buổi gặp đó trung tá Đặng Văn Việt được mời dự trân trọng và cũng được mời tham gia đoàn cựu binh Pháp đến chiến trường xưa trên đường 4 là Cốc Xá - Quang Liệt. Nơi hai binh đoàn Le Charton và Le Page bị xóa sổ năm 1950. Đặng Văn Việt đã cùng các cựu binh Pháp dâng hương tưởng nhớ những người ở hai trận tuyến đã ngã xuống nơi này!
Tháng 6 năm 2006 Đại tá Charles De Pirey, thành phần trong Đoàn thăm đã viết một bức thư dài gửi ông Đặng Văn Việt:
… Chúng tôi - những đơn vị chiếm đóng đã từng cày nát con đưởng tử địa này và đôi lúc là kẻ chiến thắng nhưng thất bại là phần lớn. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi khám phá ra kẻ đối địch nguy hiểm nhất, kẻ đã làm chúng tôi thất điên bát đảo trên đường số 4 này lại là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi - người chỉ huy các lực lượng vũ trang Việt Minh trên một vùng chiến lược quan trọng. Đó là trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Đặng Văn Việt!
… Giữa Đông Khê và Thất Khê, Binh đoàn của đại tá LePage tiếp theo là binh đoàn của đại tá LeCharrton bị xé lẻ, bị tiêu diệt từng phần từ mồng 2 đến mồng 8 tháng 10 năm 1950 bởi hơn 20 tiểu đoàn quân chính quy của Việt Minh. Riêng Trung đoàn 174 từ phía Nam Thất Khê được lệnh của tướng Giáp ngược lên phía Bắc bủa vây mạng lưới dọc theo sông Bắc Khê.
Quân của Đặng Văn Việt đã đón lõng và bắt sống một số lớn lính thuộc những đơn vị xé lẻ của tàn quân Pháp tan tác phá vòng vây ở Cốc Xá - Quang Liệt để chạy về Thất Khê - Na Sầm trong đó có đơn vị tôi. Hai đại tá đã bị bắt.
Ông Việt đã nghiêm cấm không được giết tù binh. Ông nói với lính ông cho tù binh ăn uống. Tôi biết quân của ông Việt cũng thường xuyên bị đói.
Ông có suy nghĩ sâu sắc về chính trị, về triết lý của một người có tâm hồn cao đẹp, trong sáng!
Còn lời lẽ trong một bức thư khá độc đáo mà Đại tướng Bruneau Cornual, nguyên là một tù binh Đường 4 viết cho Đặng Văn Việt sau chuyến thăm Việt Nam đáng nhớ ấy.
Chúng tôi, những cựu binh Pháp đánh giá ngài rất đúng đắn. Tất cả chúng tôi đều thống nhất nhận định rằng ngài là một cựu binh thẳng thắn và đầy tính trượng phu mưu trí.
Và chịu khó một cách phi thường.
--------------
Mời đón đọc kỳ cuối: CHÂU VỀ HỢP PHỐ
Trên TPCN ra ngày 17/10/21