Chuyên gia từ Mỹ: Tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức cao nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “ Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nêu trên thuộc thứ hạng cao nhất thế giới, trong khi đó nhiều nước đã rơi vào tình trạng giảm phát ” - ô ng Trần Quốc Hùng - chuyên gia từ Washington D.C, Mỹ - nói. Trước dự báo khó khăn năm 2023, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam có khả năng “hạ cánh an toàn” từ 8,2% xuống khoảng 6,5% .

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,2%, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Để phân tích, đánh giá về mức tăng trưởng ngoạn mục này, PV Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Hùng - chuyên gia cao cấp Hội đồng Atlantic Council (Mỹ), cựu Giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế.

Kinh tế Việt Nam đã hồi phục “ngoạn mục”

- Trong khi nhiều nước trên thế giới đã rơi vào tình trạng giảm phát trong năm vừa qua thì GDP Việt Nam tăng trưởng trên 8,2%, vượt mục tiêu đặt ra. Ông nhận định gì con số này?

GDP của Việt Nam tăng trưởng trên 8,2% trong năm 2022 là thuộc vào hạng cao nhất thế giới. Như vậy có thể đánh giá là kinh tế Việt Nam đã hồi phục “ngoạn mục” sau cơn đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã phải rơi vào tình trạng giảm phát - tức là suất tăng trưởng kinh tế chậm hẳn lại trong khi suất lạm phát tăng cao hơn những thập kỷ trước.

Chuyên gia từ Mỹ: Tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức cao nhất thế giới ảnh 1

Ông Trần Quốc Hùng - chuyên gia cao cấp Hội đồng Atlantic Council - Mỹ, cựu Giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế (Ảnh: NVCC).

Thành tựu này sẽ là nền tảng giúp Việt Nam đối phó với những khó khăn trong nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch vốn đã khó khăn lại chịu nhiều tác động của tình hình căng thẳng trong quan hệ địa chính trị thời gian sắp tới.

- Cơ sở và động lực nào giúp Việt Nam có mức tăng trưởng lên tới hơn 8,2% trong năm 2022, thưa ông?

Việt Nam đã tăng trưởng 8,2% chủ yếu là nhờ sự hồi phục tiêu thụ và sản xuất khi COVID-19 bớt lan nhiễm và kinh tế mở cửa và nền so sánh 2021 rất thấp.

Thêm vào đó, gói kích thích kinh tế 2022-2023 được Chính phủ ban hành hồi đầu năm nay kịp thời và có tác dụng tích cực. Quan trọng không kém là xuất khẩu tăng 13,4% trong 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2022 đạt mức kỷ lục hơn 730 tỷ USD, hay khoảng 176% so với GDP - thuộc hạng cao nhất thế giới. Kinh tế mở cửa như thế rất tốt khi kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, nhưng cũng sẽ trở thành điểm yếu khi kinh tế toàn cầu suy thoái như dự báo.

Cơ hội và thách thức trong năm 2023

- Theo ông, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với những cơ hội và thách thức nào, đâu sẽ là động lực tăng trưởng chính?

Trong năm 2023, Việt Nam cũng như các nước khác phải đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế trên thế giới; suất tăng trưởng toàn cầu ước tính chỉ còn 1,5% (so với 2,9% trong năm 2022). Quan trọng nhất là suất tăng trưởng rất kém ở hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam: Châu Âu (-2%) và Mỹ (chỉ có 1%).

Lý do chính là hậu quả của việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và còn tiếp tục đồng loạt tăng lãi suất để hạ lạm phát; các gói yểm trợ trong dịch Covid-19 đã hết hạn; tình trạng bất ổn với chiến tranh ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

Chuyên gia từ Mỹ: Tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức cao nhất thế giới ảnh 2

Năm 2022, GDP tăng 8,2% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) ước tính lượng thương mại quốc tế sẽ suy giảm mạnh còn 1% trong năm 2023 so với 3,5% năm nay. Như thế, mức cầu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ giảm rõ rệt trong năm tới.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách vì các biện pháp bảo hộ mậu dịch, chống gian lận xuất xứ, kiểm tra chất lượng về y tế và môi trường… ở nhiều nước phương Tây; cũng như sự cạnh tranh của các nước khác, nhất là Trung Quốc với hàng có giá rẻ.

Lãi suất cao cũng có ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam - chủ yếu là gây sức ép trên hoạt động đầu tư và tiêu thụ. Gần đây nhất, chỉ số Purchasing Managers Index (PMI) đã giảm xuống mức 50, khi các doanh nghiệp co cụm lại, cắt giảm hoạt động vì thiếu đơn đặt hàng. Số công nhân thất nghiệp tăng lên. Tình trạng giảm sức cầu với lãi suất cao cũng tạo khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, đang phải đối phó với tình trạng mang nợ quá nhiều.

- Như ông nói thì năm 2023 sẽ có nhiều lực cản với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt là rủi ro “sức khỏe” của các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, đầu ngành. Vậy giải pháp để ứng phó là gì, thưa ông?

Để ứng phó với các lực cản trở nói trên, Việt Nam cần thúc đẩy nền kinh tế nội địa. Cụ thể là nỗ lực tăng tiến độ giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hiện nay chỉ trên 50% và các gói kích thích kinh tế. Đồng thời cũng cần tăng tiến độ thực hiện các khoản đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay chỉ được khoảng 61% vốn đăng ký bằng cách tiếp tục cải cách để làm bộ máy hành chính đơn giản và có hiệu lực hơn.

Điều này rất quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh hiện nay trong cuộc chạy đua thu hút vốn FDI từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách chuyển dịch đầu tư ở Trung Quốc sang các nước lân cận. Ví dụ cụ thể là Foxconn vừa chuyển một phần việc lắp ráp Macbook của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nói chung, từ lúc đổi mới đến nay, Việt Nam đã thu hút lũy kế khoảng 430 tỷ USD FDI, tương đương với 108% GDP rất cao so với mức trung bình của các nước trên thế giới là 45%. Vốn FDI đã góp phần rất quan trọng trong hiện đại hoá và phát triển kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia từ Mỹ: Tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức cao nhất thế giới ảnh 3

Chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa hơn trong năm 2023.

Ngoài ra, Việt Nam cũng phải kìm chế lạm phát, để có thể duy trì sức mua thực sự của người dân và doanh nghiệp hỗ trợ mức cầu nội địa.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa hơn trong năm 2023, vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm cường độ tăng lãi suất và đồng USD đã giảm tỷ giá bớt gây sức ép lên đồng tiền Việt Nam. Chính phủ cũng có thể tạm thời cắt giảm các thuế gián thu để bớt sức ép lạm phát. Với bối cảnh này, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam có thể linh hoạt trong việc vận dụng công cụ lãi suất và cung cấp tín dụng để giải quyết các khó khăn về thanh khoản, giúp họ hoạt động bình thường.

- Trong bối cảnh nhiều diễn biến đan xen có thể gặp phải như phân tích ở trên, ông dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 ra sao?

Nói chung, trong tình hình khó khăn năm 2023, Việt Nam có khả năng “hạ cánh an toàn” từ 8% xuống khoảng 6,5% tiếp cận với suất tăng trưởng tiềm năng như dự tính của Chính phủ. Tuy nhiên, rủi ro chính là không đạt được mức tăng trưởng dự kiến nếu như Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn suất dự báo 4,5%, trong trường hợp dịch COVID-19 bùng nổ lại sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp zero-COVID làm gián đoạn các hoạt động kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG